Tuy nhiên mới đây, tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình lại xảy ra tai biến nghiêm trọng do việc lạm dụng thuốc nhỏ mũi chứa corticoid…
Suy thượng thận vì thuốc
Mới đây, tại Khoa Nội nhi của Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã tiếp nhận một trường hợp bé gái gần 3 tháng tuổi với những biểu hiện quấy khóc, có dấu hiệu Cushing (mặt tròn như mặt trăng). Sau khi khám thấy định lượng cortisol máu rất thấp. Bé được chẩn đoán suy thượng thận cấp.
Được biết, cách đây khoảng 2 tháng, bé bị ngạt mũi. Mẹ bé đã cho bé nhỏ mũi bằng thuốc nemydexan - một loại thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid.
Sau khi sử dụng thấy con đỡ ngạt nên cứ thấy nghẹt mũi là mang thuốc ra dùng. Tuy nhiên, càng dùng thì có vẻ tình trạng bị nghẹt mũi lại thường xuyên hơn. Cứ như vậy, bé được mẹ cho sử dụng loại thuốc này trong gần hai tháng...
Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết: “Đây là một trong số ít trường hợp dùng corticoid kéo dài ở trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi.
Do sử dụng corticoid kéo dài nên tuyến thượng thận của trẻ bị ức chế dẫn tới cortisol máu thấp. Rất may sau 1 tuần điều trị, trẻ ổn định và được xuất viện”.
Khi sử dụng thuốc kéo dài cần thăm khám thường xuyên đề phòng các tác dụng có hại. Ảnh: TM
Và nhiều tai biến nguy hiểm khác…
Corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua, hầu hết bộ phận trên cơ thể người đều có những bệnh lý cần được điều trị với nhóm thuốc này, có thể qua đường tiêm truyền, đường uống hoặc dùng tại chỗ (bôi, xịt, hít, tra mắt).
Các thuốc này thường được coi là con dao hai lưỡi, mà cả hai lưỡi đều sắc.
Nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc này có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận, xơ cứng rải rác…
BS. Nguyễn Hữu Trường (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh.
Ngoài ra, nếu corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày và bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải…
Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết thuốc.
BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (Khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y dược Huế) cho hay, việc điều trị ngạt mũi cho trẻ nhỏ cần phân biệt nguyên nhân gây ngạt mũi là do cảm lạnh hay dị ứng. Nếu trẻ bị cảm lạnh thì thuốc nhỏ mũi có chứa corticoid không có hiệu quả.
Thuốc nhỏ mũi có corticoid có tác dụng giảm sản xuất tế bào viêm, phóng thích các chất trung gian hóa học gây viêm, giảm giãn mạch trong niêm mạc mũi nên được ưa dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ trên 4 tuổi.
Mặc dù thuốc coricoid tại chỗ chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp cũng sẽ gây một số biến chứng toàn thân, nhất là ở trẻ em như suy tuyến thượng thận, tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt (hội chứng Cushing), tăng đường huyết, làm trẻ hay mệt mỏi, buồn nôn, nặng hơn có thể gây hạ huyết áp, tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, hạ kali máu, có thể làm trẻ hạ canxi máu, chậm phát triển chiều cao…
Cách nào hạn chế?
Để phòng ngừa và hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc có chứa corticoid cho trẻ, BS. Nguyễn Hữu Châu Đức khuyên, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc nhỏ mũi của trẻ cũng được khuyến cáo chỉ nên dùng trong thời gian khoảng ít ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc lâu dài cần theo dõi tái khám thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa để kịp thời xử trí các tác dụng có hại.
Các bậc cha mẹ không tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho con cũng không được sử dụng dài ngày một loại thuốc nhỏ mũi vì sẽ khiến các bệnh về mũi của trẻ tăng nặng.
Khi trẻ bị ngạt mũi mà chưa xác định được nguyên nhân, tốt nhất dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để nhỏ, rửa mũi hàng ngày. Nước muối sinh lý NaCl 0,9% có tác dụng rửa mũi, làm cho dịch mũi loãng ra và giúp niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường.
Có thể nhỏ 4 - 5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm 2 - 4 lần. Chú ý không bơm nước mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là với trẻ sơ sinh vì dễ gây sặc.
Ngoài ra có thể dùng loại nước biển phun sương cũng có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi...