Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dòng chảy trên sông Cửu Long về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 đến 20%.
Dự báo mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều, xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.
Từ nay đến 5/3, xâm nhập mặn trên các sông ở Nam bộ giảm dần. Từ ngày 6/3, xâm nhập mặn có xu hướng tăng trở lại, đạt đỉnh điểm vào 11-15/3, sau giảm chậm.
Tính theo ranh mặn 4g/l, xâm nhập mặn có thể vào sâu tới 110km trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, 78km trên sông Hàm Luông, 67km trên sông Hậu, 58km trên sông Cái Lớn.
Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 1 đến 5/3, do ảnh hưởng của kỳ triều thấp, các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt.
Từ 6 đến 15/3, hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
“Mùa mưa ở Nam bộ sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, tình trạng nắng nóng trên diện rộng sẽ bắt đầu từ nửa cuối tháng 3 và kéo dài đến giữa tháng 5/2020. Dòng chảy trên sông Cửu Long về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm.
Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường”, ông Long nhận định.
Từ cuối tháng 3/2020, xu thế xâm nhập mặn giảm dần do các hồ chứa ở thượng nguồn có khả năng gia tăng lượng xả tương tự các năm gần đây. Riêng sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, xâm nhập mặn nhiều khả năng duy trì ở mức cao và kéo dài đến tháng 4/2020, sau đó giảm dần.
Trường hợp cực đoan, thời gian mưa ít kéo dài kết hợp với tình trạng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập được tăng cường sẽ làm khiến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.