Những ca hóc hạt quả đã từng xảy ra và không còn quá hiếm như hóc hạt nhãn, hạt vải…, nhiều trường hợp đã không thể qua khỏi và tử vong ngay sau đó vì tắc nghẽn đường thở.
Nguy cơ tổn thương não do hóc dị vật
Mới đây, Khoa Cấp Cứu – Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận bé P.Đ.K, 12 tháng tuổi trong tình trạng lơ mơ, không đáp ứng các kích thích đau, thở chậm, mạch nhẹ khó bắt, chi mát, da tím tái, đồng tử 3mm hai bên. Tuy vậy bé vẫn còn phản xạ ánh sáng. Nhận định bé bị tổn thương não do thiếu oxy được gây ra bởi việc hóc nghẹn dị vật.
Được biết, khoảng 10 đến 15 phút trước khi nhập viện, bé K. được bố phát hiện đang bị hóc nghẹn do nuốt một quả chôm chôm. Khi ấy da bé bắt đầu tím lại do nghẹt thở và chân tay bé rất lạnh. Ngay lập tức bố bé K. đã bế bé trong tư thế dốc ngược đầu bé xuống đất và chạy ngay đến phòng khám tư nhân gần nhà.
Tại phòng khám, bác sĩ đã thực hiện các biện pháp sơ cứu như vỗ lưng, ấn ngực. Bố bé K. thấy con mình có vẻ hồng hào và cơ thể ấm hơn nhưng quả chôm chôm vẫn chưa được lấy ra nên bác sĩ và bố bé đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu chở bé đến bệnh viện.
Quả chôm chôm được lấy ra từ bệnh nhi.
Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ trực đã khẩn trương thực hiện thủ thuật Heimlich - cấp cứu đẩy dị vật ra khỏi đường thở.
Sau đó, bác sĩ đã dùng kelly để gắp quả chôm chôm với kích thước khoảng 1x2cm ra khỏi đường thở của bé, tiến hành đặt nội khí quản và lập đường truyền tủy xương. Khoảng 2 đến 3 phút sau, bé K. da bắt đầu hồng, chi ấm, mạch bắt rõ và được chuyển qua Hồi sức tích cực Nhi để tiếp tục điều trị.
BS.CKI Nguyễn Hà Phương – Đơn vị Hồi sức tích cực Nhi cho biết: Bé tiếp tục được điều trị thở máy, an thần, chống phù não và được làm xét nghiệm để đánh giá các tổn thương cơ quan do thiếu oxy khi được chuyển qua đơn vị.
Sau 3 ngày tích cực điều trị, các bác sĩ đã cai máy thở cho bé thành công; tổn thương các cơ quan ban đầu ở mức độ nhẹ đã hồi phục. Hiện tại bé đã được chuyển qua khoa Nhi để tiếp tục được điều trị về vấn đề viêm phổi hít do hóc nghẹn dị vật và sẽ sớm được xuất viện trong vài ngày tới.
Cha mẹ cần nâng cao nhận thức về sự an toàn cho con em mình, đặc biệt không nên để trẻ tự ăn các loại quả trơn, dễ hóc một mình mà không có sự giám sát. Mùa hè là mùa có rất nhiều loại quả có tính chất nguy cơ cao gây hóc nghẹn cho trẻ, vì vậy việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng phải đi kèm yếu tố an toàn.
Sơ cứu đúng khi trẻ hóc dị vật
Theo các bác sĩ việc phát hiện, nhận biết và xử trí đúng hóc dị vật là cực kỳ quan trọng. Cần nghĩ tới dị vật đường thở khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ ngưng thở và tử vong ngay sau đó.
Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.
- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.
- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.
Có 2 loại thủ thuật can thiệp. Cụ thể như sau:
Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Thủ thuật vỗ lưng ấn ngực.
Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich.
Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Trường hợp hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Đặc biệt lưu ý, sau các bước sơ cứu, nếu dị vật rơi ra được thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.