Cảnh báo: Hiện tượng bị lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng nhưng nhiều trẻ lại khám chữa muộn

Thái Bình |

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.

Trong các ngày từ 27- 29/7 tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là một phần trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật về mắt có cơ hội phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.

Theo đó, những trẻ được phẫu thuật mắt nhân đạo trong dịp này là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị các khuyết tật mắt như: lác, lé, sụp mí, đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu…

Cảnh báo: Hiện tượng bị lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng nhưng nhiều trẻ lại khám chữa muộn - Ảnh 1.

Thăm khám cho các cháu tham gia chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2

PGS.TS Nguyễn Đức Anh- Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: lác, sụp mí, đục thủy tinh thể bẩm sinh đều là những bệnh lý về mắt cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không dẫn tới tình trạng nhược thị- tình trạng giảm thị lực của một hoặc 2 mắt do mắt không được nhìn trong lứa tuổi nhỏ, thậm chí dần mất thị lực vĩnh viễn.

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác.

Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em.

Tuy không gây mù mắt nhưng cũng khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh giải thích, trong trường hợp trẻ bị lác, sẽ xuất hiện hiện tượng ức chế một mắt, dù 2 mắt vẫn mở bình thường, nhưng thực tế chỉ có một mắt nhìn được, còn mắt còn lại không được điều tiết sẽ dần dần kém đi.

Với bệnh lý sụp mí, mắt bị che lấp đồng tử khiến ánh sáng không vào được mắt, sẽ dẫn tới nguy cơ làm giảm thị lực, gây nhược thị.

Tương tự, bệnh đục thủy tinh thể cũng ngăn cản ánh sáng đi vào mắt khiến thị lực của trẻ ngày càng giảm.

“Việc phát hiện và điều trị muộn khi trẻ đã nhược thị sẽ khó khăn trong điều trị phục hồi. Nhiều trường hợp phát hiện quá muộn, phẫu thuật chỉ có thể giúp trẻ cân bằng hai mắt đối với trẻ lác, nhưng thị lực không được hồi phục.

Phát hiện sớm để điều trị nhược thị rất quan trọng bởi trong lác, bởi việc điều trị không chỉ duy trì cân bằng hai mắt, mà phải là tái tạo lại sự phối hợp hai mắt, không còn hiện tượng ức chế một mắt”- PGS.TS Nguyễn Đức Anh nói.

Cảnh báo: Hiện tượng bị lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng nhưng nhiều trẻ lại khám chữa muộn - Ảnh 2.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tặng quà cho các bé

Thực tế, để phát hiện sớm với các bệnh lý bẩm sinh này không quá khó. Các phụ huynh có thể nhận biết bệnh lý mắt lác ngay từ khi con còn rất nhỏ như: thấy mắt con nhìn vào trong hoặc ra ngoài, đôi khi lệch hướng khác.

Sụp mi cũng dễ phát hiện khi một bên mắt sa xuống thấp, đôi khi cả hai mắt đều bị sụp xuống. Phát hiện bệnh đục thủy tinh khi thấy hiện tượng con nhìn kém, hoặc đồng tử có màu trắng...

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Anh, tại các bệnh viện chuyên khoa về mắt luôn có phương tiện, gói test để phát hiện sớm được các trường hợp ức chế một mắt hay những bệnh lý về mắt không có biểu ra ngoài (mù màu) mà bản thân trẻ cũng không cảm nhận được.

Việc phụ huynh quan tâm đến sức khỏe mắt của con, đi khám và phát hiện sớm bệnh lý về mắt là vô cùng quan trọng.

Vị chuyên gia này cũng thông tin ở khu vực thành thị, tỷ lệ trẻ bị bệnh lý về mắt diễn tiến đến nhược thị thấp hơn vì các phụ huynh có điều kiện đưa con đi khám, phát hiện bệnh sớm.

Tuy nhiên ở các tỉnh xa, số trẻ mắc bệnh lý này khá cao và để lại di chứng rất đáng tiếc cho trẻ.

Nhóm bệnh nhân trong đợt này, rất đáng tiếc là có những cháu tuổi đã lớn, bệnh về mắt đã ảnh hưởng nhiều đến thị lực, trong khi với bệnh lý như mắt lác, có khi chỉ cần đeo kính cho trẻ đã có thể điều chỉnh được.

Cảnh báo: Hiện tượng bị lác mắt ở trẻ em ngày càng tăng nhưng nhiều trẻ lại khám chữa muộn - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đang phẫu thuật cho một bệnh nhi bị dị tật về mắt

BS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho biết: Năm 2017 Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí bảo trợ trẻ em các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo chữa các bệnh lý, dị tật về mắt cho khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Với mong muốn trẻ có đôi mắt sáng để tiếp tục vui chơi, học tập và hoà nhập cộng đồng, chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” năm 2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để địa phương phối hợp cùng các bệnh viện phẫu thuật cho trẻ mắc các bệnh lý về mắt.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang cho biết đây thực sự là chương trình thiết thực và ý nghĩa dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không may bị khuyết tật về mắt, mang đến cho các em đôi mắt khỏe mạnh, tiếp tục học tập và phát triển.

Quỹ sẽ hỗ trợ mỗi trẻ có chỉ định phẫu thuật 3 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tài trợ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại