Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 7/2024, Trung tâm tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc ho gà là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh.
Giai đoạn cao điểm, Trung tâm điều trị cho gần 40 trẻ mắc ho gà, có các trường hợp bệnh nhi nặng cần phải thở máy.
Các bác sĩ nhận định, dịch ho gà đang có xu hướng quay trở lại, gia tăng số ca mắc. Đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, nên dễ lan rộng thành dịch.
TS.BS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng. Bệnh ho gà có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ sơ sinh, trẻ chưa được tiêm phòng vaccine đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh và gặp các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà như: Nhiễm trùng, bội nhiễm, viêm phổi, viêm tai giữa; suy hô hấp do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi; suy tuần hoàn như suy tim, tăng áp phổi; tổn thương thần kinh trung ương như viêm não hoặc các biến chứng khác như việc tăng áp lực của lồng ngực và ổ bụng trong cơn ho có thể gây ra xuất huyết kết mạc, củng mạc mắt, xuất huyết não, thoát vị bẹn...
Về thắc mắc trẻ bị ho gà có thể chăm sóc tại nhà được không, theo TS.BS Trần Thị Thu Hương, với những trẻ mắc bệnh thể nhẹ với các biểu hiện như: Số cơn ho ít, trẻ vẫn ăn uống bình thường, cơn ho không tím mặt... cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý những điều kiện chăm sóc trẻ như:
- Đảm bảo môi trường sống tránh các chất kích thích như khói thuốc lá, bụi, hóa chất.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh.
- Tiếp tục cho trẻ đang bú được bú mẹ, trẻ lớn cần cho ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn từng ít một, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây bệnh.
- Cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cha mẹ cần cho trẻ đi khám trong các trường hợp: Trẻ có nhiều con ho kéo dài; trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt; trẻ ăn kém, nôn trớ nhiều; trẻ mệt, li bì; thở nhanh, khó thở.
Để phòng bệnh ho gà cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp như:
- Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ, đúng lịch.
- Rửa thay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, đảm bảo nhà ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.