Cô Irenie Ekkeshis bắt đầu sử dụng kính áp tròng từ năm 12 tuổi. Tuy nhiên, cô lại chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải đối mặt với vấn đề suy giảm thị lực cùng những cơn đau đớn khủng khiếp tới như vậy.
Vào tháng 01/2011, cô Ekkeshis tỉnh dậy và cảm thấy mắt phải bị nhòe đi rất nhiều. Do quá chủ quan nên cô đã vội vàng ghé tới một hiệu thuốc gần nhà để tìm cách chữa trị mà không đến bệnh viện thăm khám ngay lúc đó.
"Tôi chỉ nghĩ mình bị nhiễm trùng nhẹ và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường sau vài ngày tiếp theo. Tuy nhiên, tôi đã không thể nào bước vào phòng bếp vì ánh sáng từ bóng đèn huỳnh quang bên trong bỗng trở nên quá chói. Nó khiến mắt tôi đau như bị kim chọc vào", cô Ekkeshis cho biết.
Ngày hôm sau, cô Ekkeshis quyết định đến bệnh viện mắt Moorfield's Eye Hospital để kiểm tra và được khuyến nghị lấy mẫu tế bào giác mạc. Nhưng khi chứng kiến một cây kim đâm thẳng vào tròng mắt của mình, cô gái đã rất sợ hãi mặc dù đã được các bác sĩ cho gây tê cục bộ.
Cô Ekkeshis đã bị mất thị lực mắt phải vì thói quen sử dụng tay ướt chạm vào kính áp tròng.
Chỉ vài ngày sau, cô Ekkeshis đã vô cùng choáng váng khi được các bác sĩ thông báo mình bị nhiễm căn bệnh Viêm giác mạc do khuẩn amoeba (Acanthamoeba Keratitis – AK) - một căn bệnh về mắt khá hiếm gặp được hình thành bởi sự xâm lấn của vi khuẩn amoeba trên giác mạc con người.
Khuẩn amoeba là loại vi sinh vật sống trong môi trường nước, bao gồm cả trong nước máy và nước biển.
Cô Ekkeshis nói: "Tôi thực sự rất sợ hãi vì khi đó, mắt phải của tôi gần như mất hoàn toàn thị lực. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một phần màu sắc và hình dáng đơn giản như thể đang nhìn qua một mắt kính bám đầy hơi nước vậy".
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 125 người tại Anh bị mắc chứng Viêm giác mạc do khuẩn amoeba này và đa phần các trường hợp ấy đều bắt nguồn từ việc sử dụng kính áp tròng sai cách.
Bị mù một bên mắt vì sử dụng kính áp tròng sai cách
Cô Ekkeshis quyết định sử dụng kính áp tròng thay cho những chiếc kính có gọng thông thường vào năm 12 tuổi.
Thậm chí, cô nàng còn thường xuyên "kết thân" với loại kính áp tròng dùng được một lần vì cho rằng như thế sẽ hợp vệ sinh và tiện lợi hơn hẳn, đồng thời lại có thể đeo vào buổi sáng rồi tháo ra vứt đi vào buổi chiều cùng ngày.
Bởi vậy, cô Ekkeshis hoàn toàn bất ngờ khi biết mình mắc phải bệnh Viêm giác mạc do khuẩn amoeba gây nên.
Cô gái trẻ cũng thường xuyên "kết thân" với các loại kính áp tròng sử dụng một lần vì cho rằng điều này có vẻ hợp vệ sinh và tiện lợi hơn hẳn.
Ban đầu, các bác sĩ yêu cầu cô Ekkeshis sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt chống viêm theo khung giờ nhất định. Mặc dù cảm thấy rất lo lắng nhưng cô vẫn hy vọng căn bệnh của mình sẽ hoàn toàn khỏi hẳn sau vài tuần điều trị.
"Mọi chuyện không hề có dấu hiệu tốt lên. Do giác mạc là bộ phận chứa mật độ dây thần kinh cảm giác đau cao nhất trên cơ thể nên tôi không làm sao chống nổi sự đau đớn ấy. Những liều thuốc giảm đau mạnh nhất cũng hoàn toàn vô dụng", cô Ekkeshis kể lại.
Phải mất rất nhiều tháng thì các bác sĩ mới có thể xác định được phương pháp điều trị thích hợp cho đôi mắt của cô gái trẻ. Tuy nhiên, vì thời gian chờ đợi quá lâu nên chứng Viêm giác mạc đã gây ra vô số tổn thương.
Căn bệnh viêm giác mạc đã gây ra vô số tổn thương không thể vãn hồi khiến cô Ekkeshis mất đi thị lực bên mắt phải.
Cô Ekkeshis từng trải qua một ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc ở mắt phải vào tháng 05/2013. Ca phẫu thuật thành công và cô Ekkeshis đã có thể nhìn rõ bằng cả hai mắt của mình.
Tuy nhiên, điều này chỉ duy trì được hơn 10 ngày trước khi cô cảm thấy thị lực bị suy giảm nghiêm trọng.
"Các bác sĩ nhanh chóng xác định chứng viêm giác mạc do khuẩn amoeba đã xâm nhiễm sang giác mạc mới cấy ghép. Vậy là tôi đang trở về vạch xuất phát ban đầu, điều đó thật tồi tệ", cô Ekkeshis thở dài.
Năm 2014, cô Ekkeshis tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc lần thứ hai. Mặc dù chứng Viêm giác mạc do khuẩn amoeba không hề có dấu hiệu tái phát, thế nhưng võng mạc của cô lại xảy ra vấn đề khiến thị lực mắt phải bỗng hoàn toàn biến mất.
Các bác sĩ cho rằng đây chính là hậu quả của việc mắc chứng Viêm giác mạc do khuẩn amoeba kéo dài và điều này sẽ không thể chữa trị.
Thiếu cảnh báo an toàn
Trong suốt thời gian dài điều trị, cô Ekkeshis chợt nhận ra không một người thân hay bạn bè nào của mình biết tới sự nguy hiểm từ việc để kính áp tròng tiếp xúc với nước. Họ vẫn vô tư sử dụng và vệ sinh nó theo cách chưa khoa học mà chẳng hề nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng sẽ có thể xảy đến.
Cô Ekkeshis khẳng định: "Sau nhiều lần nghiên cứu, tôi mới rút ra được một điều: Dù rất nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về việc sử dụng kính áp tròng được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xung quanh, thế nhưng chẳng mấy ai thèm bận tâm hay chú ý tới vấn đề ấy".
Nguyên nhân của sự thờ ơ đó xuất phát từ việc vô số hãng sản xuất không hề in các cảnh báo liên quan trên vỏ hộp đựng kính áp tròng.
Miếng dán có biểu tượng "Tránh nước" do cô Ekkeshis thiết kế đã được các công ty sản xuất kính áp tròng dán thẳng lên bao bì sản phẩm.
Khi liên hệ với Hiệp hội Kính áp tròng Anh để hỏi về sự thiếu hụt kỳ lạ này, cô Ekkeshis chỉ nhận được câu trả lời đơn giản rằng: Trên vỏ hộp đựng kính áp tròng đã không còn vị trí trống để in thêm cảnh báo.
Vì thế, cô gái trẻ đã tự thiết kế một biểu tượng "Tránh nước" của riêng mình và tiếp tục duy trì liên hệ với Hiệp hội Kính áp tròng Anh nhằm đấu tranh cho vấn đề bức thiết trên.
"Nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, họ liền sản xuất hàng loạt những miếng dán với biểu tượng do tôi thiết kế để các công ty sản xuất kính áp tròng có thể dán thẳng lên bao bì sản phẩm", cô Ekkeshis chia sẻ.
Ngay cả việc sử dụng tay ướt để chạm vào kính áp tròng cũng có thể dẫn tới các chứng bệnh nguy hiểm trên.
Hiện chiến dịch nói trên đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực từ phía dư luận, thậm chí nó còn khiến Viện Nhãn khoa Mỹ phải lập tức chú ý và nhanh chóng tìm cách liên lạc với cô Ekkeshis để tìm hiểu thêm về ý tưởng độc đáo này.
Ngoài ra, cô Ekkeshis cũng hy vọng biểu tượng "Tránh nước" của mình sẽ được các nhà sản xuất in thẳng lên bao bì sản phẩm chứ không chỉ tồn tại trên những tấm sticker để dán như hiện nay.
Đừng để kính áp tròng tiếp xúc với nước
Cô Ekkeshis đã cố gắng thích ứng với cuộc sống chỉ còn một bên mắt trong suốt 3 năm qua. Cô thường chọn vị trí ngồi ngoài cùng bên phải khi đi ăn với tất cả bạn bè để có thể nhìn rõ khuôn mặt của từng người, thế nhưng mọi chuyện đôi khi vẫn không hề như ý.
Không ít người sử dụng kính áp tròng đã bị tổn hại mắt, thậm chí là mù lòa vĩnh viễn chỉ vì những thói quen tai hại của mình.
Đối mặt với tai hoạ nặng nề sau khi sử dụng kính áp tròng sai cách, cô gái trẻ đã gửi một lời khuyên chân thành tới cộng đồng xung quanh. Đó là đừng để kính áp tròng của bạn tiếp xúc với nước, bao gồm cả khi đi tắm, bơi lội hay vệ sinh cá nhân.
"Mặc dù chứng viêm giác mạc do khuẩn amoeba khá hiếm gặp nhưng tôi chính là bằng chứng sống cho việc nó vẫn có thể xảy ra và hậu quả mà nó đem lại vô cùng nghiêm trọng", cô Ekkeshis nhấn mạnh.
Những điều cần lưu ý khỉ sử dụng kính áp tròng:
1. Rửa sạch tay và lau khô trước khi chạm vào kính áp tròng.
2. Đeo kính áp tròng trước rồi mới được trang điểm.
3. Nhắm chặt mắt khi sử dụng các loại bình xịt khoáng hay xịt gôm thông dụng.
4. Không sử dụng kính áp tròng khi đi bơi hay tham gia các hoạt động thể thao dưới nước - trừ khi đeo thêm kính bảo hộ đạt chuẩn bên ngoài.
5. Không sử dụng kính áp tròng khi tắm rửa hay tắm nước nóng.