Trong số đó, tình trạng lừa tiền thông qua các kênh livestream nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung là vấn nạn phổ biến nhất.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết những đối tượng bị lừa gạt đa số đều là trẻ em ở độ tuổi vị thành niên. Do trẻ người, non dạ, dễ bị cám dỗ nên các bé thường bị những người "bạn" quen biết qua mạng lừa gạt, dụ dỗ.
Livestream là một trào lưu mới nổi và rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Tuy nhiên nếu không cẩn thận trẻ có thể bị lừa gạt thông qua hình thức giải trí tưởng chừng như vô hại này.
Mới đây tại Trung Quốc vừa xảy ra một sự việc đáng báo động. Theo đó, một bé gái 13 tuổi (giấu tên) ở Thượng Hải đã lén lấy cắp toàn bộ số tiền tiết kiệm trong ngân hàng của bố mẹ để mua quà tặng ảo cho một nam thanh niên là MC của một kênh livestream trên mạng xã hội.
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, cô bé đã bắt đầu mua nhiều món quà ảo khác nhau để gởi tặng cho nam thanh niên này. Các món quà sẽ được chia ra và gửi nhiều lần trong một ngày.
Số tiền mà cô bé đã sử dụng qua các lần mua quà tặng cho chủ của kênh livestream.
Giá của các món quà dao động từ 121 tệ (khoảng 20 USD) đến 9.500 tệ (1.370 USD). Tổng số tiền cô bé đã lấy để chi cho việc mua quà này lên đến 250.000 tệ (36.200 USD).
Điều khó hiểu là bố mẹ cô bé đã không nhận được bất kì một thông báo nào từ phía ngân hàng về số tiền đang "bốc hơi" dần trong tài khoản.
Nhiều người cho rằng chính cô bé đã xóa hoặc tắt tất cả những tin nhắn tự động thông báo từ phía ngân hàng để qua mặt người lớn.
Chính vì thế, khi phát hiện ra sự việc, bố mẹ cô bé đã rất bàng hoàng và kinh ngạc. Mẹ cô bé cho biết: "Con bé sống với chúng tôi từ nhỏ đến lớn. Nó luôn là một đứa hiểu chuyện và vâng lời cha mẹ nên việc vừa xảy ra khiến chúng tôi rất sốc".
Nhiều trẻ sẵn sàng chi ra số tiền "khủng" mua những món quà ảo tặng cho chủ của các kênh livestream chỉ để gây ấn tượng với họ.
Được biết, cha mẹ cô bé hiện là công nhân nhập cư tại Thượng Hải. Mỗi tháng họ chỉ kiếm được không quá 10.000 tệ (1.500 USD) và phải nuôi hai con nhỏ.
Đầu tháng 2/2017, bố mẹ cô bé đã quyết định trình báo sự việc lên cơ quan công an. Tuy nhiên, phía cảnh sát lại không tiến hành điều tra làm rõ sự việc.
Nguyên nhân là vì họ không tìm thấy bất kì dấu hiệu gian lận hay phạm tội nào trong tình huống này. Chính cô bé đã tình nguyện mua quà tặng trực tuyến để tặng cho MC của kênh livestream.
Vậy, liệu có cách nào để bố mẹ cô bé có thể lấy lại được số tiền mà họ phải vất vả mới kiếm được hay không?
Với vẻ ngoài ưa nhìn, MC của các kênh livestream là đối tượng săn đón của các bạn trẻ hiện nay. Và nhiều trường hợp, người trưởng thành cũng sẵn sàng cống nạp tiền cho trò ảo trên mạng này.
Đối với vấn đề này, Luật sư Zheng Hongtao, công ty luật Beijng’s King & Partners cho biết, những trường hợp như thế không thể dùng luật hình sự để giải quyết mà phải áp dụng những phương pháp dân sự để xử lí.
"Những bé gái dưới 16 tuổi thường bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự. Đôi khi các bé không thể nhận thức được việc mình đang làm sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào.
Bố mẹ của cô bé trong câu chuyện này có thể lấy lại tiền bằng cách xác minh hành động của cô bé là "không có hiệu lực" và được thực hiện dưới tình huống không có sự cho phép của người giám hộ."
Theo một báo cáo của Trung tâm thông tin Mạng Internet Trung Quốc, tính đến tháng 12/2016 có đến 344 triệu người sử dụng các trang web livestream, chiếm gần 50% tổng số người dùng Internet ở Trung Quốc.
Công ty tài chính hàng đầu thế giới Credit Suise ước tính thị trường livestream ở Trung Quốc sẽ thu về hơn 5 tỉ USD trong năm 2017.
Tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ nhỏ
Không thể phủ nhận, mạng xã hội là một phương tiện hữu ích giúp trẻ kết nối với xã hội, giữ liên lạc với bạn bè, giao tiếp được tốt hơn. Tuy nhiên, đây lại là con dao hai lưỡi, đằng sau lợi ích lại là vô số những nguy cơ tiềm ẩn.
Trong số đó có thể kể đến như tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân, bị lợi dụng hay bị lừa đảo qua mạng. Hơn thế, nhiều trẻ có thể bị trầm cảm do bị cô lập, bêu xấu trên các trang mạng xã hội hay vô tình gặp phải những kẻ có ý đồ đen tối cố ý tiếp cận trẻ để thực hiện mưu đồ của mình.
Giáo sư tâm lí DaiQun tại Đại học Thể Thao Thiên Tân đã đưa ra lời khuyên các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện để con cái được trưởng thành trong một môi trường sống lành mạnh. Nếu trẻ thường xuyên bị cha mẹ bỏ lại nhà một mình, chúng sẽ có xu hướng tìm kiếm sự hài lòng từ Internet.
Livestream được xem là ngành nghề mới giàu tiềm năng ở Trung Quốc.
Riêng với trào lưu Livestream, MC của các kênh livestream thường có vẻ ngoài ưa nhìn và có tài năng ở một phương diện nào đó. Thông qua việc gửi quà tặng ảo cho họ, trẻ sẽ nhận được sự chú ý từ phía cộng đồng mạng, nó giống như một sự công nhận mà bản thân chúng luôn khao khát.
Hiện, những nhà chức trách của Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều phương pháp để kiểm soát hoạt động của các kênh livestream, bao gồm các quy định về dữ liệu người dùng và nội dung livestream để "thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và có trật tự" của ngành công nghiệp mới nổi này.
Kết luận
Với sự bùng nổ của mạng xã hội và các kênh livestream, đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng xảy ra việc những đứa trẻ vị thành niên bí mật dùng tiền của bố mẹ để mua quà tặng nhằm gây ấn tượng với MC của các trang mạng online mà chúng yêu thích.
Hy vọng thông qua câu chuyện của cô bé 13 tuổi ở Thượng Hải này, các bậc làm cha mẹ sẽ sáng suốt, tìm ra cách giáo dục con mình hiệu quả nhất trước tác động của mạng xã hội.
Thay vì ngăn cấm chỉ làm trẻ thêm tò mò, lén lút tìm hiểu, các bậc phụ huynh hãy dạy trẻ cách để "sinh tồn" trong thế giới ảo, vừa khai thác được lợi ích do nó mang lại, vừa đảm bảo được an toàn cho bản thân.