Những người dùng iPhone chắc hẳn đã quá quen thuộc với những tính năng của iCloud. Ngoài để đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị, iCloud còn được biết là một trong những phương thức bảo mật tốt nhất hiện nay, nhằm bảo vệ iPhone, iPad khỏi những tên trộm hoặc những ai tọc mạch.
Khi thiết bị của bạn bị khóa iCloud, không một ai, kể cả bạn, có thể mở khóa thiết bị mà không có thông tin đăng nhập. Vì lẽ đó, những kẻ xấu đã không ngừng tạo ra những mánh khóe để đánh lừa người dùng, điển hình như "giả mạo" Apple để đánh cắp iCloud như câu chuyện sau đây.
Những kẻ xấu đã không ngừng tạo ra những mánh khóe để đánh lừa người dùng, điển hình như "giả mạo" Apple để đánh cắp iCloud
Theo IndiaTimes, nạn nhân trong câu chuyện là Vedant Khanduja, người đã bị giật mất chiếc iPhone 12 khi đang đứng đợi bên đường ở Delhi (Ấn Độ). Chiếc iPhone bị giật đã được bật "Find My iPhone" nên Vedant Khanduja đã nhanh chóng đăng nhập vào iCloud của mình từ một thiết bị khác để kích hoạt chế độ bị đánh cắp "Lost Mode".
Thời điểm đó, thiết bị không thể hiển thị vị trí hoạt động nên những gì Vedant Khanduja có thể làm chỉ là báo cáo với cảnh sát, chặn thẻ SIM, bật chế độ "Lost Mode" bằng ứng dụng "Find My" và chuyển sang sử dụng tạm một chiếc iPhone khác.
Vài ngày sau, Vedant nhận được một tin nhắn SMS - tương tự như những tin nhắn của Apple với cảnh báo, "Chiếc iPhone 12 bị mất của bạn đã được tìm thấy và tạm thời được bật. Xem vị trí tại đây", kèm theo đó là một liên kết trông có vẻ đáng tin cậy.
Trong trạng thái hoang mang, Vedant đã nhấp vào đường dẫn. Màn hình hiển thị cho thấy chiếc điện thoại của anh hoạt động ở vị trí xung quanh Safdarjung (New Delhi, Ấn Độ). Ngay sau đó, anh được yêu cầu đăng nhập thông tin mật khẩu iCloud của mình.
Thông báo được gửi đến nạn nhân đính kèm đường giả mạo website của Apple
Đây thực chất chỉ là thông tin giả mạo nhằm dẫn dụ nạn nhân sa bẫy
Vedant đã đăng nhập ngay lập tức mà không biết đây chỉ là tin nhắn và đường link giả mạo Apple. Chỉ trong tích tắc, anh mới chợt nhận ra mình đã sai lầm khi chiếc iPhone bị đánh cắp đã bị gỡ khỏi danh sách các thiết bị sử dụng iCloud. Điều này đồng nghĩa, kẻ trộm đã có quyền kiểm soát iPhone và thoải mái sử dụng thiết bị như một chiếc iPhone mới.
Lúc này, hacker có thể đánh cắp thông tin, hình ảnh và nhiều dữ liệu quan trọng khác trên điện thoại. Đồng thời chiếc điện thoại cũng sẽ được bán như một mặt hàng "like new", với giá trị lớn hơn nhiều lần một chiếc iPhone dính iCloud hoặc báo mất.
Chiêu lừa đảo tương tự cũng từng được nhiều người dùng iPhone tại Việt Nam cảnh báo
Qua câu chuyện trên, lời khuyên cho bạn là hãy cảnh giác với những chiêu trò "giăng bẫy" người dùng hiện nay, tuyệt đối không truy cập và cung cấp thông tin vào những đường link, số lạ được gửi đến sau khi iPhone bị mất.
Tốt nhất là bạn nên đăng nhập trực tiếp bằng cách nhập địa chỉ trang web chính chủ của Apple thay vì nhấp vào các liên kết ngẫu nhiên mà bạn nhận được. Ngay khi mất điện thoại, bạn nên nhanh chóng liên lạc với tổng đài để khoá SIM nhằm hạn chế mất mát.