Dựa trên báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ thông tin, lượng tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam trong năm 2015-2016 ước tính đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kg cà phê nguyên liệu.
Theo Specialty Coffee Association of America (Hiệp hội Cà phê đặc biệt Hoa Kỳ) cho biết, 1 kg cà phê nguyên liệu nếu pha loãng có thể pha được 125 ly cà phê. Như vậy có thể nói mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 16,875 tỉ ly cà phê.
Thế nhưng, theo kết quả khảo sát công bố ngày 12/7 vừa qua của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.
Tính riêng kết quả của đợt khảo sát 253 mẫu tháng 6 và 7 gần nhất thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy tới 5 mẫu không có caffeine, 1/3 số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L).
Theo kết quả khảo sát, căn cứ trên địa điểm chọn mẫu cho thấy có gần một nửa (47.54%) các mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căn tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.
Chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình từng than thở rằng, nhiều người bạn của ông từ Châu Âu, Hoa Kỳ đến Việt Nam du lịch và việc giúp họ kiếm một ly cà phê sáng hoàn toàn tin cậy để uống không dễ.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện nay có hai loại cà phê: cà phê nguyên chất 100% và cà phê độn ngũ cốc rang cháy.
"Việc độn đậu nành, bắp rang cháy vào cà phê giống việc bạn ăn cơm độn khoai, độn bắp vậy. Nhưng nếu người bán bán cà phê trộn đậu trộn bắp nhưng khẳng định họ bán cà phê nguyên chất 100% thì đó không còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà là vấn đề gian lận thương mại.
Chính thói quen uống cà phê pha sẵn, cà phê bột của người Việt tạo điều kiện cho gian lận thương mại phát triển vì có nhiều loại ngũ cốc rang lên màu sắc rất giống cà phê, vị cũng giống cà phê nhưng giá thành lại rẻ hơn cà phê thật rất nhiều. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước khác.
Cà phê mua ở lề đường rất rẻ, chỉ 3000 – 6000 đồng/ly so với giá bán 30,000 – 60,000 đồng/ly ở tiệm. Chính thói quen uống vị cà phê đậm đắng pha sẵn tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất cà phê độn chất thêm phụ gia để phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.
Ông William Robert Frith Jr, chuyên gia quốc tế về kiểm soát chất lượng cà phê ở Mỹ đánh giá: Rất khó để nói về thị trường người tiêu thụ ở Việt Nam.
"Vì quá tập trung vào giá thành thấp, nên nhiều nơi sản xuất đã cắt giảm phần cà phê, hòa trộn với các loại hạt khác (bị rang cháy), hoặc thêm hương vị làm giảm chất lượng cà phê. Tất cả những điều này đều là hành vi tồi tệ.
Bởi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có thành phần bị rang cháy quá nhiều, sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh ung thư. Sản xuất trong môi trường không hợp vệ sinh, sẽ "góp phần" vào việc hủy hoại sức khỏe con người", ông William Robert Frith Jr cảnh báo.