Cảnh báo biến chứng tổn thương phổi do căn bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa

Ngọc Minh |

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi gặp biến chứng viêm phổi do mắc sởi.

Số ca mắc sởi gia tăng với nhiều biến chứng

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, trong khoảng ba tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã gia tăng đáng kể trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, có hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi chính thức đi vào hoạt động hồi đầu tháng 10. Đa phần các bệnh nhi đều đã gặp biến chứng viêm phổi (tổn thương phổi).

Trường hợp bệnh nhi V.L.H.Tr (3 tháng tuổi, sống tại Thanh Trì, Hà Nội) tới bệnh viện Nhi Hà Nội khám đã có tình trạng viêm phổi.

Chị H - mẹ bé Tr cho hay, tại nhà, chị phát hiện con có hạch ở nách, sốt. Khi thấy con bị phát ban, chị đưa con đi khám thì đã được chẩn đoán nhiễm sởi biến chứng viêm phổi. Sau khi điều trị tại viện, tình trạng sức khỏe của bé Tr đã ổn định.

 - Ảnh 1.

Bệnh nhân gặp biến chứng viêm phổi do sởi. (Ảnh: Ngọc Minh)

Một trường hợp mắc sởi có biến chứng khác là bệnh nhi Ng.H.A (2 tuổi, sống tại Phương Mai, Hà Nội). Bệnh nhi nhập viện ngày 14/12 sau khi sốt cao và phát ban toàn thân. Bé A vào viện trong tình trạng ban đã lan khắp người, viêm phổi.

Mẹ bệnh nhi là chị H cho biết, gia đình đã chủ quan không cho con tiêm vaccine vì nghĩ bé từng mắc sởi. Tuy nhiên, không ngờ lần này bệnh lại nghiêm trọng hơn và còn có biến chứng. Hiện tại, tình trạng của bé đã dần ổn định.

Trường hợp bệnh nhi V.A.Kh (7 tháng tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị biến chứng viêm phổi nặng do sởi tái phát. Mẹ bé là chị V.Th.Ph cho biết, cách đây một tuần, bé điều trị khỏi viêm phổi và được xuất viện. Tuy nhiên, vừa về nhà được vài ngày, con lại xuất hiện các triệu chứng sốt cao, ho và khó thở.

Gia đình đưa bé đi khám lại thì bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi tái phát do biến chứng từ sởi.

Cận trọng với biến chứng viêm phổi

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga cho hay, tại bệnh viện ghi nhận khoảng 30% các bệnh nhi mắc sởi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc sởi, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca mắc sởi ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.

Cũng theo bác sĩ Nga, đa phần các trường hợp bệnh nhi nhập viện nội trú đều có biến chứng viêm phổi. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý tới biến chứng này khi trẻ mắc sởi.

Để kiểm soát dịch bệnh, bác sĩ Nga lưu ý người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ. Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên cho trẻ và hạn chế để trẻ tiếp xúc với nơi đông người.

 - Ảnh 2.

Bác sĩ Nga. (Ảnh Ngọc Minh)

Đặc biệt, cha mẹ cần tuân thủ lịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng tuổi và tiêm mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.

Bác sĩ Nga khuyến cáo, thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác.

Bác sĩ lưu ý cha mẹ khi chăm sóc trẻ nếu phát hiện con có các triệu chứng bất thường như: sốt cao kéo dài, phát ban hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại