Canh bạc tỷ ‘đô’ trước bờ vực sụp đổ của ông chủ đế chế thời trang từng tham vọng trở thành 'LVMH Trung Quốc'

Mộc Tiên |

Doanh nhân Qiu Yafu đã chi hơn 3 tỷ USD để mua nhiều hãng thời trang từ Paris đến London.

6 năm trước, Shandong Ruyi – một nhà sản xuất dệt may ít được biết đến đã bắt đầu công cuộc thâu tóm rầm rộ với mục tiêu trở thành phiên bản Trung Quốc của tập đoàn xa xỉ LVMH.

 Canh bạc tỷ ‘đô’ trước bờ vực sụp đổ của ông chủ đế chế thời trang từng tham vọng trở thành LVMH Trung Quốc  - Ảnh 1.

Chủ tịch Qiu Yafu (64 tuổi) đã chi hơn 3 tỷ USD để mua nhiều hãng thời trang từ Paris đến London, bao gồm thương hiệu Sandro và Maje của Pháp, nhà sản xuất trenchcoat Aquascutum của Anh và nhà sản xuất vải co giãn Lycra.

Một đại diện của Ruyi nói rằng các công ty mà họ mua lại là những khoản đầu tư chiến lược và họ đã nỗ lực làm việc để cải thiện hiệu suất, sử dụng đội ngũ nhân viên bản địa để quản lý các hoạt động ở nước ngoài.

Sự nổi lên của Ruyi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc khuyến khích các nhà sản xuất truyền thống tăng cường chuỗi giá trị và giúp xây dựng nền kinh tế dựa vào tiêu dùng.

 Canh bạc tỷ ‘đô’ trước bờ vực sụp đổ của ông chủ đế chế thời trang từng tham vọng trở thành LVMH Trung Quốc  - Ảnh 2.

Ban đầu, chiến lược của Ruyi có vẻ như chắc chắn sẽ đem lại chiến thắng. Những người mua sắm ngày càng giàu có của Trung Quốc đổ xô vào các mặt hàng xa xỉ của châu Âu, vì vậy Ruyi sẽ bắt kịp những thương hiệu nước ngoài đã bỏ quên thị trường Trung Quốc.

Sau khi mua phần lớn cổ phần của tập đoàn thời trang Pháp SMCP SA từ KKR & Co. năm 2016, Ruyi đã xây dựng mạng lưới hơn 100 cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn của những thành phố đang bùng nổ như Thượng Hải và Bắc Kinh. SMCP đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Paris vào năm 2017 - thành công giúp Ruyi tự tin thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm hơn.

Ruyi đã khai thác nguồn tài chính dồi dào từ các ngân hàng lớn, bao gồm JPMorgan Chase & Co. và Barclays Plc, thực hiện các thương vụ và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhân viên mới ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Năm 2018, Qiu công khai mục tiêu của mình là biến Ruyi thành “LVMH của Trung Quốc”. Đây thực sự là mục tiêu đầy tham vọng với một công ty ngày trước chỉ xuất khẩu vải len sang các nước đang phát triển như Ruyi.

 Canh bạc tỷ ‘đô’ trước bờ vực sụp đổ của ông chủ đế chế thời trang từng tham vọng trở thành LVMH Trung Quốc  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, giấc mơ của Qiu dường như đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn bởi Ruyi đang là trung tâm của những rắc rối liên quan đến một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.

Ruyi hiện mất quyền kiểm soát các doanh nghiệp chủ chốt và vướng vào tranh chấp với các chủ nợ, bao gồm Carlyle Group. Tháng 6 vừa qua, những người cho vay đã tiếp quản Lycra ở Wilmington và Delaware. Đây là nhà sản xuất vải thun mà Ruyi đã mua lại từ anh em tỷ phú Koch. Quyết định của tòa án trong những tháng tới có thể quyết định số phận của các tài sản khác của Ruyi.

Theo Bloomberg, Ruyi đang cố gắng bán bớt tài sản trong một thị trường khó khăn đồng thời tham gia vào các tập đoàn Trung Quốc như HNA Group và Anbang Insurance Group.

Giám đốc của một ngân hàng đầu tư nhận định: “Hầu hết các thương vụ mua lại của nhiều công ty Trung Quốc ở nước ngoài trong những năm gần đây đều không thành công. Thời điểm hiện tại, họ không thể bán những tài sản đó vì sẽ chịu mức lỗ lớn”

Một số nguồn tin cho biết Qiu đã sống trong một căn phòng khách sạn ở Hong Kong vài tháng qua để đàm phán với các chủ nợ. Vị doanh nhân đang tìm mọi cách để duy trì đế chế của mình ở nước ngoài, bao gồm nhãn hiệu Cerruti 1881 lấy cảm hứng từ Ý và nhà bán lẻ quần áo nam Kent & Curwen của Anh.

“Thật không may là đại dịch Covid-19, cùng với căng thẳng Trung - Mỹ cũng như môi trường tín dụng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi”, người này nói thêm.

 Canh bạc tỷ ‘đô’ trước bờ vực sụp đổ của ông chủ đế chế thời trang từng tham vọng trở thành LVMH Trung Quốc  - Ảnh 4.

Một nhà đầu tư từng đến thăm trụ sở của công ty trong thời gian đó cho biết ông bị ấn tượng bởi cách trang trí sang trọng cùng kế hoạch mở rộng mang tầm quốc tế của Ruyi. Tuy nhiên, tham vọng đó dường như không đủ để vực dậy những thương hiệu đang bắt đầu mờ nhạt dần.

Theo một chuyên gia, Ruyi gặp khó khăn trong việc vực dậy Gieves & Hawkes, vốn đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao và thị trường đình trệ. Ngoài ra, việc xoay quanh những nhãn hiệu như Aquascutum vốn đã đạt đỉnh "nhiều năm trước" cần có kế hoạch tốt cùng với nhiều tiền và sự kiên nhẫn.

“Các thương hiệu thuộc Ruyi đã phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía trong những năm gần đây, không chỉ từ vấn đề tài chính của công ty mà còn do sự giảm sút về nhu cầu của người tiêu dùng. Những thương hiệu không đổi mới chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau”, một nhà phân tích nhận định.

Một vấn đề cũng khiến Ruyi đau đầu không kém là các chủ nợ. Standard Chartered Plc đã đệ đơn kiện vào tháng 12/2020 để chống lại Trinity Ltd. – một đơn vị mà Ruyi niêm yết tại Hong Kong.

Sau đó, vào năm ngoái, một người được ủy thác đã thay mặt các chủ nợ chiếm giữ một lượng lớn cổ phần trong SMCP. Từ đó, người này đã đối đầu với Ruyi trong các phiên tòa ở Anh, Luxembourg, Pháp và Singapore. Đại diện của công ty cho biết Ruyi hiện đang tập trung vào việc trả nợ thay vì mở rộng.

Một loạt các tập đoàn Trung Quốc đã theo đuổi việc mở rộng nhanh chóng ra nước ngoài trong cùng thời kỳ với Ruyi với hi vọng lặp lại những thành công trong quá khứ như việc Shuanghui International mua nhà sản xuất thịt lợn Mỹ Smithfield Foods. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều trong số đó đang vật lộn để duy trì hoạt động của những công ty mà họ thâu tóm ở nước ngoài.

Một chuyên gia chia sẻ: “Các công ty Trung Quốc muốn phát triển quá nhanh và quá sớm thông qua thâu tóm ở nước ngoài. Họ đã đánh giá thấp những khó khăn có thể xảy ra khi thương vụ hoàn tất. Văn hóa cũng là vấn đề nằm ngoài dự tính của họ”.

Nguồn: Bloomberg, BI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại