Gần đây MC Tạ Bích Loan lại một lần nữa khuấy dư luận bằng một chủ đề nhạy cảm nữa cho chương trình '60 phút mở': Làm từ thiện vì ai?
Có không ít người nhảy bổ vào chửi bới, lăng mạ mà chẳng cần biết thực sự chị đã nói gì.
Thực tế chương trình chỉ kéo dài hơn 40 phút nhưng đã cung cấp nhiều thông tin thú vị: Như việc người ta làm từ thiện với 3.600 cái bánh chưng, 3.600 cây giò, 25 tấn hàng hoá nhưng bị từ chối, có tổ chức từ thiện có tên gọi là 'Từ thiện... thật' và tất nhiên không thiếu các màn tranh luận rất cởi mở, thẳng thắn.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chương trình này khá hay và cần thiết. Nó giúp phơi bày nhiều điểm yếu chí tử của người Việt khi làm từ thiện cũng như tư duy về nó.
Vậy từ thiện là gì?
Để hiểu rõ, chúng ta phải trở về với lý thuyết kinh điển của Marcel Mauss (1872-1950, nhà triết học, nhân học nổi tiếng của Pháp) có tên gọi "Bàn về biếu tặng".
Bìa cuốn sách của Marcel Mauss được dịch sang tiếng Việt.
Mauss cho rằng từ thiện là một hoạt động biếu tặng có từ thuở bình minh của loài người. Nó thể hiện văn hoá và dân tộc chí. Và có vẻ như xã hội càng lạc hậu thì người ta càng coi trọng bố thí.
Ông coi từ thiện là một diễn biến tâm lý phức tạp, nó dù ở hình thức nào đều không vô tư như người ta cố thể hiện, mà 'về lý thuyết là tự nguyện, nhưng thực ra là bị bắt buộc phải làm và phải đáp tặng'.
Người giàu có phải bố thí, người nghèo khó phải đáp tặng trở lại. Và nếu, trái lại, người nghèo không có cái để đáp trả thì bố thí sẽ trở thành một hình thức nô dịch.
Điều này lý giải, cách tốt nhất để sai khiến kẻ khác là sỉ nhục họ bằng các bữa ăn miễn phí mà chủ nhân của chúng không đòi hỏi hay chấp nhận sự đáp trả từ phía người nhận.
Ông vì thế đoạn tuyệt với từ thiện. Ông cho rằng chính cái cơ chế ban tặng - hồi đáp sẽ đưa xã hội đến chỗ bất ổn.
Kẻ giàu có sẽ trở thành chủ nô ở hình thức này hay hình thức khác, nhưng người nghèo chỉ có một hình thức đó là đi đến chỗ bần cùng khi họ, nếu không muốn điều sỉ nhục, buộc phải hồi đáp trở lại.
Ấy thế, người lại coi cơ chế bố thí - hồi đáp này là sự chứng minh cho mối thâm tình dù ai trong thâm tâm cũng mệt mỏi vì nó.
Nhưng nếu, bi kịch hơn, người nghèo không còn cảm thấy ngượng ngùng khi nhận bố thí nữa, thì một số người có thể sẽ chẳng động chân, động tay gì nữa mà chỉ chực chờ bố thí (tức không thèm lao động - hình thức hồi đáp tối thiểu theo Mauss).
Sự hào phóng, theo ông, dù ở văn minh nào cũng cần được khuyến khích nhưng nó chỉ thực sự hữu ích khi được thực hiện trong cơ chế 'vô danh', tức không phải hình thức cá nhân tới cá nhân. Và để thực hiện, ông gợi ý tới các hình thức bảo hiểm lao động, các chương trình phúc lợi xã hội...
Ảnh minh họa. Nguồn: BHXHVN.
Ông chính là người đặt nền móng cho nhà nước phúc lợi hiện đại, và các tổ chức thiện nguyện cộng đồng, giáo dục... sau này.
Đến đây chúng ta đã hiểu vì sao càng văn minh, người ta càng ít làm từ thiện trực tiếp tới cá nhân (tất nhiên trừ các tình huống khẩn cấp như khủng hoảng nhân đạo, thiên tai hay các trại tế bần của nhà thờ).
Và cũng hiểu vì sao người Nhật (hay bất kỳ người văn minh nào) khi bạn mời họ ăn, họ dứt khoát đòi chia tiền ngay cả khi bạn đe doạ chấm dứt quan hệ với họ, hay ít ra, khi đến một bữa tiệc gia đình, họ sẽ mang theo thức ăn hoặc đồ uống.
Không ai còn trói buộc nhau bằng các hình thức bố thí như thời cổ sơ nữa. Còn nếu muốn sai khiến người khác, cách tốt nhất vẫn là một hợp đồng lao động hợp pháp. Ở đây bạn có quyền bố thí, ban tặng qua chế độ lương thưởng, bảo hiểm, cổ phần nếu thấy chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng.
Đây lại thêm một đóng góp vĩ đại nữa của Mauss trong tiến trình văn minh của nhân loại.Và cũng là câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi 'Làm từ thiện vì ai'.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!