Đấu tố ông Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng
Trong cuộc họp này, ông Giám đốc Trung tâm, Nguyễn Mạnh Hùng đã có những lời phát biểu, rồi tiếp sau đó là báo cáo về Olympic 2016 của các HLV liên quan.
Tuy nhiên, phần được chờ đợi nhất là màn chất vấn của phóng viên báo đài về vai trò của ông Hùng tại Olympic 2016, cũng như các sai phạm và báo chí đưa ra vài ngày trở lại đây.
Cụ thể, khi Olympic 2016 đang diễn ra, có nhiều cáo buộc hướng vào ông Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng vị này tới Rio không mang lại nhiều lợi ích, mà chỉ "cướp" mất phần của HLV hay người làm chuyên môn đích thức.
Về vấn đề này, ông Hùng trả lời rất dài và chi tiết, tuy nhiên nội dung đều trùng với những gì đã tiết lộ độc quyền từ trước đó với Báo điện tử Trí ThứcTrẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng bị cho là đã "cướp" suất HLV cho cặp VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh - Vũ Thị Trang hay võ sĩ judo Văn Ngọc Tú.
Còn ở các sai phạm đã được báo giới nhắc đến, như chấm công ngày cuối tuần cho VĐV; sử dụng đồ đạc của các bộ phận khác; có "sai lệch" khi xây dựng, sửa chữa các hạ tầng của trung tâm… đều được ông Nguyễn Mạnh Hùng và các HLV giải đáp khá thỏa đáng.
Cụ thể, khi được hỏi về việc chấm công ngày nghỉ cho các VĐV, ông Hùng không vội trả lời, mà đề nghị chính các HLV trưởng bộ môn trả lời để có sự khách quan.
Tất cả các HLV trưởng bộ môn đứng lên trả lời đều khẳng định rằng VĐV có tập luyện và việc được chấm công là xứng đáng. Ngay cả bộ môn quản lý sát sườn còn không bao giờ dám nghĩ và dám làm việc chiếm dụng khoản tiền chấm thêm đó của VĐV, chứ đừng nói tới ông Hùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng bị cáo buộc "chấm công bừa" dịp cuối tuần cho các VĐV rồi dùng sai mục đích. Tuy nhiên các HLV trưởng bộ môn ở Trung tâm đều khẳng định không có việc này.
Sau cùng, ông Hùng chia sẻ: "Lương của VĐV, HLV tại trung tâm là rất thấp, không đủ sống và không đủ để họ duy trì đam mê và cống hiến.
Chính vì thế khi họ tập luyện cả những ngày cuối tuần, chúng tôi cố gắng đề xuất được chấm lương thêm.
Có thể là sau khi báo chí "đánh đập" việc này, họ sẽ không được hưởng khoản ấy nữa, rồi có thể các nhà tài trợ sẽ không giúp nữa, và kinh tế của VĐV sẽ bị ảnh hưởng".
Hiện lương của VĐV tại Trung tâm Nhổn trung bình chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Khoản trả thêm cho những ngày tập luyện cuối tuần tính tổng từ 12/2012 đến đầu năm 2015 là gần 4 tỷ đồng, con số tưởng to nhưng thực ra rất nhỏ.
Với mức xấp xỉ 1000 người được chấm, VĐV trẻ là 150 nghìn/ngày, VĐV bình thường là 200 nghìn/ngày, thì 1 tháng một VĐV chỉ được chấm thêm 1 ngày cuối tuần.
Trong việc mua một số đồ đạc cho các bộ phận khác, nhưng khi chưa dùng tới thì "mượn" để dùng trong phòng giám đốc, ông Hùng cũng chia sẻ:
"Vợ tôi mở quán bia, ở đây còn rất nhiều bàn ghế, thậm chí trường kỷ tôi mang đến cho Trung tâm dùng. Các anh chị nhìn 4 chiếc điều hòa ở phòng họp này, cũng đều là tôi mang đến để cho Trung tâm dùng. Nhưng việc ấy, có ai biết không?"
Căn nhà sàn này theo báo chí đưa tin là Trung tâm dưới quyền ông Hùng đã xây dựng sai nguyên tắc. Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đã được các cấp ban ngành ký, phê duyệt với xây dựng.
Cuối cùng, liên quan tới những sai phạm từng bị tố cáo, và từng bị cử thanh tra xuống xem xét, ông Hùng chia sẻ:
"Những vấn đề này đều đã được giải quyết ổn thỏa, nếu không được giải quyết, thì sau đó chúng tôi không thể tổ chức đại hội.
Có rất nhiều vấn đề, nhưng các anh chị không biết có phòng tập theo thiết kế chỉ 450 m2, thì tôi xây thành hơn 700 m2. Tôi lựa chọn ở thời điểm ấy là ít đi 1 tý thiết bị, nhưng diện tích rộng hơn mới là phương án lâu dài.
Còn về máy móc, giờ các anh chị xuống xem, không cái nào hỏng hay có hiện tượng đổi tốt thành xấu. Còn nhiều cái đòi hỏi vô lý, bồn tắm có 4 triệu mà đòi có sục oxi này kia… có phải là bể 100 triệu đâu?".
Trong buổi họp, ông Hùng cũng bóng gió ám chỉ về những người tố cáo mình. Ông khẳng định khi lên lên giữ chức Giám đốc (đến nay đã 6 năm), có nhiều HLV ở trung tâm "không phải HLV"; rồi có tệ nạn HLV sinh hoạt bê tha, uống rượu tràn lan hay có người lại cầm tiền chung rất lâu mới trả…
Ông Hùng cho rằng dù mình làm tốt, nhưng không tránh khỏi va chạm khi xử lý các tình huống đó và từ đấy phải chịu những chỉ trích, tố cáo.
Cuối buổi họp, một phóng viên đặt ra câu hỏi rất thú vị, rằng ngày xưa, chính ông Hùng là 1 trong những người tố cáo Giám đốc cũ, giờ lại ở trong hoàn cảnh hiện tại thì nghĩ sao.
Ông Hùng trả lời: "Tôi luôn đấu tranh đến cùng với những lề thói lợi ích nhóm và tôi luôn cảm thấy tự hào với những gì mình đã làm".
Rất đông phóng viên báo đài tới dự buổi họp.
HLV, VĐV hết lời cảm ơn ông Nguyễn Mạnh Hùng
Trong phần báo cáo của các HLV, VĐV về giải Olympic 2016 vừa rồi, khác với chỉ trích của báo giới, tất cả nhân sự thuộc Trung tâm Nhổn đều dành lời cảm ơn cho ông Nguyễn Mạnh Hùng.
"Em đã gặp nhiều khó khăn trước khi sang Rio, khi biết mình chỉ đi 1 mình mà không có HLV. Tuy nhiên, nhờ sự động viên tinh thần của các anh chị, cô chú trong đoàn nên đã vượt qua được.
Đặc biệt là thầy Hùng đã làm Judo nhiều năm, cũng theo sát em từ khi vào Trung tâm đến giờ. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của thầy cô trong đoàn, em đã thắng trận đầu tiên trước đối thủ từng vô địch châu Âu nhiều năm trước.
Ở trận thứ 2, do trình độ kém hơn nhưng em cũng đã cố cầm cự đến hết giờ với VĐV mà sau này đoạt HCB của giải" – Văn Ngọc Tú chia sẻ.
Văn Ngọc Tú (áo xanh) nhấn mạnh việc cảm ơn thầy Hùng.
HLV trưởng bộ môn TDDC, ông Trương Tuấn Hiền cũng hết lời ca ngợi ông Hùng: "Chính anh Hùng đã xây dựng sự đoàn kết trong đoàn, xây dựng đường chạy giúp VĐV tránh nhiều chấn thương. Khi các đội gặp khó khăn, đều được kiểm tra, giúp đỡ rất nhiệt tình.
Sự quan tâm của anh Hùng sẽ làm chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn để đạt các thành tích sau này".
Trong khi đó, Trưởng đoàn Bắn súng Nguyễn Thị Nhung thì lại nhấn mạnh chuyện ăn uống ở Trung tâm là rất tốt, chứ không có chuyện ì xèo gì như báo giới đưa tin.
"Đội bắn súng chúng tôi hôm nào tập muộn, báo về nhà bếp sẽ được phục vụ muộn đầy đủ mọi thứ. Hoặc như Hoàng Xuân Vinh có thời gian chỉ ăn được đồ khẩu vị Hàn Quốc, cũng được nhà bếp đi mua đồ riêng về chế biến".
Trong phần báo cáo của Trưởng đoàn điền kinh, về việc sa sút phong độ của Nguyễn Thị Huyền đề cập tới việc VĐV người Nam Định dính chấn thương ngay trước giải.
Dù được chữa trị khá tốt nhưng do thời gian tập luyện không nhiều, lại gặp khác biệt về thời tiết và nhiều vấn đề khác, đã khiến VĐV điền kinh đầu tiên của VN đạt 2 chuẩn Olympic thất bại.
Trong khi đó, người phụ trách y tế của Trung tâm Nhổn cũng nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại như mới chỉ dừng lại ở khả năng chăm sóc VĐV, khả năng chữa trị chưa tốt.
Do nhân sự chỉ có 23 người và trang thiết bị còn thiếu, nên khó lòng phục vụ tốt cho hàng trăm, có khi lên tới cả nghìn nhân sự tại trung tâm.