Trong tuyên bố phát đi hôm qua, Đại sứ quán Trung Quốc nói: “Các công dân và tổ chức Trung Quốc ở Indonesia nên tăng cường cảnh giác và gia tăng các biện pháp an ninh trong khi theo dõi sát sao tình hình ở địa phương và tránh tụ tập ở những nơi đông người”.
Không nói rõ vấn đề gì, Đại sứ quán Trung Quốc chỉ cho biết cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh biểu tình gia tăng ở Indonesia. Cảnh báo có hiệu lực đến cuối tháng này.
Quan hệ hai nước đang căng thẳng vì chuyện hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc được các tàu hải cảnh của nước này hộ tống không chịu rời khỏi vùng biển quanh quần đảo Natura theo yêu cầu của phía Jakarta. Indonesia tố Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Jakarta nói rằng các tàu Trung Quốc không chịu rời đi sau khi nhận được cảnh báo qua radio. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để phản đối.
Bắc Kinh cho rằng khu vực quần đảo Natura là ngư trường truyền thống của họ, và rằng các tàu hải cảnh của nước này đang thực hiện “hoạt động tuần tra bình thường để duy trì trật tự”, nhưng quần đảo Natura nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai nước nên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Nhưng Jakarta lần này tỏ ra rất cứng rắn. Trong một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ hiếm thấy phát đi hôm qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng “không có thương lượng nào” về vấn đề chủ quyền. Indonesia đã cử thêm tàu chiến và tàu cá, chở theo khoảng 120 ngư dân từ đảo Java ra khu vực Natura để bảo vệ lực lượng của mình trước các tàu Trung Quốc, Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD cho biết.
Bà Susi Pudjiastuti, cựu bộ trưởng các vấn đề biển và nghề cá của Indonesia, thúc giục chính phủ lần này phải hành động cứng rắn.
“Khi ai đó đầu tư vào Indonesia, chúng ta tôn trọng họ. Khi ai đó ăn cắp, chúng ta phải bắt và đánh chìm”, bà Pudjiastuti viết trên Twitter hôm qua.
Đối đầu lần này càng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Indo – Trung Quốc vốn đã cao trong những tháng gần đây. Thời gian qua, nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở Indonesia, quốc gia đông dân số theo đạo Hồi nhất thế giới, để phản đối cách đối xử của Trung Quốc với người Tân Cương.