Bắc Kinh và Washington đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina, dự kiến diễn ra ngày 1/12.
“Một vấn đề lớn là quyết định xem ai sẽ ngồi ở chiếc bàn đó” – một nguồn tin trả lời SCMP về quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp được mong chờ của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. Theo nguồn tin này, ở bàn tiệc tối, cách sắp xếp đoàn mỗi bên có thể là một (lãnh đạo) cộng hai (thành viên), một cộng bốn hoặc một cộng sáu.
Trong đó cách sắp xếp “một cộng sáu” có khả năng được chọn nhất, dù vậy kế hoạch có thể thay đổi. Việc sắp xếp ai sẽ là khách mời trong buổi ăn tối cùng hai nhà lãnh đạo sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc gặp vì những vị khách này sẽ tác động trực tiếp đến bầu không khí đàm phán.
Tính đến ngày 19/11, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa xác nhận danh sách khách mới đề xuất.
Theo các nhà phân tích, đối với ông Trump, chọn người tham dự phái đoàn sẽ là vấn đề nhạy cảm khi trong bộ máy của ông chia làm hai luồng ý kiến chọn cách tiếp cận cứng rắn hoặc mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.
Thành phần phái đoàn Mỹ được dự đoán bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad và Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng Peter Navarro.
Đối với Trung Quốc, Phó thủ tướng, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Lưu Hạc được dự đoán sẽ đi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài ra, ông Đinh Tiết Tường - Chánh văn phòng Trung ương Đảng, ông Dương Khiết Trì - Ủy viên quốc vụ viện, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Tập cũng được dự đoán sẽ tham gia.
Theo SCMP, những trao đổi “nặng nề” giữa Mỹ và Trung Quốc tại thời điểm chỉ còn 2 tuần trước cuộc gặp cho thấy các bên mong muốn tạo ra bất cứ lợi thế nào có thể. Nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại chưa có điểm dừng của Mỹ và Trung Quốc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26 ở Papua New Guinea vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những bài phát biểu đối đầu gay gắt, khiến bầu không khí căng thẳng và kết quả hội nghị không đạt được tuyên bố chung.
Ông Pence chỉ trích Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng. Kêu gọi các nền kinh tế thành viên tẩy chay chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các nước nói không với chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, ông cho rằng đây là một cách tiếp cận với cái nhìn ngắn hạn và cầm chắc thất bại.
Trước đó 1 ngày, 16/11, Tổng thống Trump nói ông có thể sẽ không đánh thuế thêm hàng hóa Trung Quốc, sau khi Nhà Trắng nhận được danh sách những gì Bắc Kinh sẵn sàng làm để giải quyết căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, điều đó còn phụ thuộc vào kết quả gặp mặt ông Tập ở Argentina. Nếu Trung Quốc cho thấy không có dấu hiệu muốn thay đổi hành vi thương mại hiện có, thì Mỹ có thể đánh thuế bổ sung lên số hàng hóa Trung Quốc còn lại vào thị trường Mỹ, ước tính khoảng 267 tỷ USD.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết ông Trump tin rằng Trung Quốc muốn thỏa thuận và những trao đổi cấp độ chính phủ đang diễn ra. Trong khi đó, cả thời gian và địa điểm cuộc gặp đều được Mỹ đề xuất, cho thấy dấu hiệu ông Trump có thể cũng muốn đưa ra thỏa thuận với Trung Quốc.
Cuộc gặp sẽ diễn ra tối thứ Bảy (1/12), sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc. Địa điểm cuộc gặp là một nhà hàng khách sạn cao cấp nhưng chưa được tiết lộ.
Matthew Goodman, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington cho rằng cuộc gặp tại Argentina của lãnh đạo Mỹ - Trung có khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận vì cả hai lãnh đạo đều có lý do để tạm dừng cuộc chiến thương mại.
Với nhiều nguy cơ khó đoán của căng thẳng thương mại hiện nay, Washington và Bắc Kinh đều đang hành động cẩn trọng và mong muốn có thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp, theo các nhà phân tích.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi phản đối lại bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì vẫn tránh nhắc trực tiếp Tổng thống Trump, còn Tổng thống Mỹ đã không viết gì trên Twitter về cuộc chiến thương mại kể từ lần điện đàm đồng ý gặp Chủ tịch Trung Quốc hồi đầu tháng 11.