Căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng, thỏa thuận hội nghị cấp cao APEC có nguy cơ bế tắc

Phương Anh |

Sự khác biệt lớn giữa Mỹ và Trung Quốc bao phủ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papue New Guinea ngày 18/11, trong khi các quan chức vất vả để hình thành một tuyên bố chung.

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay gắt ngay trong những ngày đầu hội nghị APEC, khi ông Mike Pence và ông Tập Cận Bình đưa ra những quan điểm ngoại giao hoàn toàn trái ngược, nhắm vào chỉ trích đối phương.

“Cố gắng xây dựng các rào cản và cắt đứt những mối quan hệ kinh tế gần gũi là đi ngược lại các quy luật và xu hướng kinh tế trong lịch sử. Đây là một cách tiếp cận với cái nhìn ngắn hạn và cầm chắc thất bại” – ông Tập Cận Bình phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Ông Tập kêu gọi các nước nói không với chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương, dường như đang nhắm thẳng đến các chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, ông Mike Pence cảnh báo các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không rơi vào vòng ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc và khuyến khích họ chọn phương án tốt hơn từ tài chính Mỹ.

“Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác của mình trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc hoặc đe dọa đến sự độc lập của bạn. Chúng tôi không đưa ra vành đai thắt chặt hay con đường một chiều” – ông Pence nói, gần như rõ ràng nhắm đến sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Sau bài phát biểu của ông Pence, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18/11 tuyên bố không có nước đang phát triển nào phải rơi vào bẫy nợ chỉ vì hợp tác với Bắc Kinh. “Ngược lại, hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp các nước này tăng cường khả năng và mức độ phát triển độc lập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.”

Căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng, thỏa thuận hội nghị cấp cao APEC có nguy cơ bế tắc - Ảnh 1.

Các lãnh đạo trong lễ ký kết thỏa thuận chung giữa Australia, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ về Papua New Guinea, trong khuôn khổ hội nghị APEC. (Ảnh: Reuters)

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thái Bình Dương trở thành tâm điểm khi Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, trong một phản ứng phối hợp, hứa hẹn cùng tài trợ một dự án điện và internet trị giá 7 tỷ USD tại Papua New Guinea (PNG).

Đây là một trong những bước đầu của kế hoạch đối phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của chương trình "Vành đai và Con đường" trong khu vực, theo Reuters.

Sự khác biệt thương mại khiến việc đưa ra dự thảo thông cáo chung của hội nghị APEC trở nên khó khăn.

Theo The Australian, căng thẳng chiến lược lên đến đỉnh điểm tại APEC ở Papua New Guinea khi một nhóm quan chức Trung Quốc muốn gặp Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Rimbink Pato về vấn đề bản tuyên bố chính thức chung của hội nghị. Những quan chức này đã bị từ chối vào văn phòng của ông Pato tại trung tâm hội nghị quốc tế Port Moresby ngày 17/11 khi muốn gặp riêng.

Ông Pato xác nhận các quan chức Trung Quốc muốn gặp ông nhưng cho biết họ chưa có "những sắp xếp cần thiết". Ông nói hệ thống thương mại đa phương là cơ sở nền tảng để soạn thảo bản thông cáo chung của hội nghị APEC.

Mỹ - Trung đang sa vào một cuộc chiến thương mại mà các chuyên gia cảnh báo sẽ trở thành thảm họa cho kinh tế toàn cầu. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đánh thuế qua lại lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau và vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Cả hai bên đều đe dọa sẽ leo thang căng thẳng nếu cần thiết.

ASEAN và các lãnh đạo khu vực đang lo ngại sẽ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó căng thẳng giữa hai nền kinh tế sẽ làm ảnh hưởng đến ổn định chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại