Thị trấn vùng biên vô danh trở thành thủ phủ công nghệ
Năm nay lễ kỷ niệm chính thức về việc thành lập (26/8/1980), đặc khu kinh tế Thâm Quyến sẽ diễn ra muộn hơn, dự kiến vào ngày 7/9, để phù hợp với lịch trình của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bốn thập kỷ trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chọn Thâm Quyến là địa phương tiên phong cho các thử nghiệm cải cách lớn. Từ một thị trấn vùng biên vô danh này đã bắt đầu chuyển mình trở thành thủ phủ công nghệ của Trung Quốc.
Vào thời điểm đầu những năm 1990, công cuộc cải cách tại Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn, một phần là do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn. Những phát biểu ủng hộ cải cách của ông Đặng Tiểu Bình sau chuyến đi Thâm Quyến đã được phát trên bản tin quốc gia vào tháng 3/1992, trở thành một trong những thời điểm quan trọng trong lịch sử cải cách của đất nước tỷ dân.
Huang Donghe, người sáng lập Interhoo - tổ chức tư vấn tư nhân có ảnh hưởng nhất trong thành phố, cho biết chuyến đi đó đã trấn an dư luận về định hướng tương lai và vai trò của Thâm Quyến như một nơi thử nghiệm cho những cải cách đột phá của Trung Quốc với sứ mệnh học hỏi từ các mô hình kinh tế thành công ở phương Tây.
Sau chuyến thăm đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học quyết định định cư ở Thâm Quyến, nhiều gia đình mua bất động sản trong thành phố, ông Huang cho biết.
Được hỗ trợ bởi cam kết cải cách và mở cửa kinh tế từ chủ tịch Đặng Tiểu Bình, cùng với làn sóng toàn cầu hóa bắt đầu từ những năm 1990, Thâm Quyến đã tận dụng nguồn cung lao động giá rẻ và vị trí gần với Hồng Kông để nhanh chóng trở thành một địa bàn tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất quy mô lớn đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử vào đầu những năm 2000.
Một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu ở Thâm Quyến, đề nghị giấu tên, cho biết "giữ tinh thần cởi mở, cho phép thử nghiệm và sai lầm" là 2 bí quyết cho thành công của Thâm Quyến trong những năm 1990.
Giới chức thành phố sớm nhận ra rằng địa phương mình cần phải phát triển lên các bậc cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị do quỹ đất hạn chế ngày càng cạn kiệt, chi phí thuê mặt bằng và tiền lương người lao động tăng cao khiến cho các nhà máy có giá trị gia tăng thấp không thể tiếp tục kinh doanh.
Từ năm 2005 đến năm 2009, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã công bố hơn 50 chính sách lớn, định hướng tương lai của thành phố tập trung vào phát triển lĩnh vực công nghệ. Kế hoạch này đã thành công rực rỡ. Thâm Quyến đã thu hút các nhà tập đoàn hàng đầu về công nghiệp và công nghệ như Huawei, Tencent và DJI và ngày nay đứng đầu bảng xếp hạng thành phố giàu có nhất tại Trung Quốc với GDP bình quân đầu người hơn 203.000 Nhân dân tệ (30.000 USD/năm).
Thâm Quyến ở "ngã ba đường"
Với nhiều yếu tố góp phần tạo nên thành công như quá trình toàn cầu hóa và lực lượng lao động giá rẻ, Thâm Quyến đã vừa trở thành thành phố 5G đầu tiên trên thế giới. Thành phố đang đối mặt với một ngã rẽ mới do căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang đe dọa sự tồn tại của một số tập đoàn công nghệ lớn nhất tại đây.
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tình hình "hiện tại hơi giống như điều đã từng xảy trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1992: Trung Quốc lại đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và căng thẳng thương mại kéo dài với Mỹ.
Ông Wu nói lần này còn thêm cả thách thức chưa từng có từ tác động của đại dịch COVID. GDP của Thâm Quyến đã giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020. Chương trình cứu trợ khẩn cấp trị giá 10 tỷ NDT và các dự án đầu tư trị giá 612 tỷ NDT của năm nay vào cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông đã giúp thành phố tăng trưởng 3,2%.
Theo ông Wu, ông Đặng Tiểu Bình muốn học hỏi từ mô hình thành công của Hồng Kông, Singapore và phương Tây, vì thời điểm đó ông nhận thấy Trung Quốc thực sự đang tụt hậu so với các nước.
"Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác rồi. Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tổng GDP của Thâm Quyến đã vượt Hồng Kông. Nhiều người ở đại lục tin rằng họ không cần học hỏi gì nhiều từ Hồng Kông và phần còn lại của thế giới nữa. Điều này thật đáng lo ngại", ông Wu nói.
Ông Huang, tổ chức tư vấn tư nhân Interhoo cho biết đã đến lúc Thâm Quyến cần xem xét lại kế hoạch phát triển thành phố. Mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu của Thâm Quyến, sử dụng Hồng Kông làm cầu nối, có thể cần phải xem xét lại. Nền tảng mà Thâm Quyến được xây dựng nên trong 4 thập niên qua đã thay đổi. Thâm Quyến có khả năng hướng tới kết nối tốt hơn với các thành phố khác ở Đồng bằng sông Châu Giang.
Ông Witman Hung, Chánh văn phòng Cơ quan quản lý khu hợp tác Chu Hải, cho biết ông tin rằng hướng đi mới của Thâm Quyến nên tập trung vào việc tìm kiếm các cách thức để trở thành một "thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu" ở Trung Quốc và là trung tâm kỹ thuật số.
Mặc dù Thâm Quyến đã dành 4 thập niên để phát triển kinh tế và trở thành một vùng đất cạnh tranh cho các liên doanh công nghệ và kinh doanh, thành phố vẫn còn rất nhiều điều cần phải cải thiện cho hệ thống nhà ở, giáo dục, y tế và an sinh xã hội khác.