Trang tin The Atlantic hôm 10-7 cho biết Iran đang dần vượt qua giới hạn làm giàu uranium trong thỏa thuận hạt nhân ký kết vào năm 2015 (JCPOA). Hiện tại Tehran đã làm giàu vượt quá 300 kg uranium, vượt 3,67% giới hạn được cho phép. Cùng với đó, Iran đã bắt đầu cài đặt các máy ly tâm tiên tiến hoặc bắt đầu đưa vào hoạt động hơn 5.061 máy ly tâm cũ.
Áp lực từ cả hai phía
Theo cựu trợ lý cấp cao về các vấn đề Trung Đông Dennis Ross, nền công nghiệp dầu của Iran đã chịu thiệt hại nặng nề sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tái kích hoạt trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran hồi tháng 4-2019. Xuất khẩu dầu của nước này lập tức giảm mạnh từ khoảng một triệu thùng mỗi ngày xuống còn khoảng 300.000 thùng. Việc mất nguồn doanh thu từ dầu cộng thêm hiệu ứng từ các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ đã đặt kinh tế Iran vào thế khó.
Chính sự kiện này là “giọt nước tràn ly” khiến Tehran đi đến quyết định rằng nước này không thể chịu mãi sức ép của Mỹ mà không có hành động đáp trả. Hôm 29-5, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cáo buộc Washington đang cố tình tạo sức ép nhằm buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này quay lại bàn đàm phán ở vị trí bất lợi. Ông khẳng định rằng Iran sẽ không để điều đó xảy ra.
Theo ông Ross, chiến lược trả đũa của Tehran chủ yếu nhắm vào uy tín cá nhân của Tổng thống Donald Trump. Bằng việc nhấn mạnh sự bất lực của ông khi không thể ngăn cản các hành động của Iran, nước này sẽ gây được áp lực cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng các tổ chức vũ trang do Iran hậu thuẫn tấn công vào các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng là một phần của chiến lược này. Các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của lực lượng Houthi nhằm vào các sân bay Saudi Arabia trong năm 2019 là ví dụ điển hình cho toan tính của Iran.
Cựu trợ lý cấp cao Dennis Ross cho rằng chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa có một đối sách thực sự nào trước sức ép của Iran. Trước đó, ông Trump đã bày tỏ quan điểm của mình về giải quyết căng thẳng. Theo đó, ông chỉ cần Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân, không làm giàu uranium thêm 10-15 năm nữa, đến năm 2040 hoặc 2045.
Tuy nhiên, chắc chắn Tehran sẽ không chịu xuống thang mà không đòi hỏi Washington phải cùng nhượng bộ. Sự nhượng bộ này nhiều khả năng sẽ xoay quanh việc chấm dứt không chỉ các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran mà còn các lệnh trừng phạt kinh tế khác. Hiện tại Iran dường như muốn “làm căng” với Mỹ, trừ khi giới lãnh đạo Tehran lo ngại Mỹ sẽ thực sự phát động chiến tranh hoặc gây thêm áp lực kinh tế.
“Mỗi bên dường như đều giả định rằng việc gia tăng sức ép sẽ buộc bên còn lại phải nhân nhượng. Tuy nhiên, chỉ cần một tính toán sai lầm thì một cuộc xung đột không ai mong muốn sẽ nổ ra” - ông Dennis Ross nhận định.
Ông Ross cũng lưu ý thêm rằng giới lãnh đạo cấp cao của Iran đã nhiều lần cho biết họ sẵn sàng tôn trọng JCPOA chỉ khi Mỹ chịu đàm phán hoặc khi họ nhận được các lợi ích kinh tế từ các nước châu Âu.
Iran từ lâu đã bí mật làm giàu uranium, vi phạm hoàn toàn thỏa thuận trị giá 150 tỉ USD tồi tệ của John Kerry và chính quyền Obama. Hãy nhớ rằng thỏa thuận đó sẽ hết hạn trong một thời gian ngắn. Các lệnh trừng phạt sẽ sớm được gia tăng đáng kể!
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 10-7
Châu Âu là chìa khóa hòa giải?
Mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đồng ý xem xét lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hướng tiếp cận khả dĩ cho EU hiện tại, theo ông Dennis Ross, là trở thành bên trung gian hòa giải Iran và Mỹ. Cụ thể, khối này có thể thuyết phục Iran quay lại JCPOA nhằm giảm leo thang trong khu vực, song song với đó là kêu gọi chính quyền Trump tái thiết lập lệnh miễn trừ cho các nước mua dầu từ Iran.
Ở viễn cảnh thực tế nhất, Iran sẽ đồng ý gia hạn các giới hạn làm giàu uranium trong 10-15 năm nữa. Bên cạnh đó, Tehran nhiều khả năng sẽ đồng ý hạn chế thêm tên lửa và cơ sở quân sự ở Syria và Lebanon. Điều này sẽ giảm thiểu khả năng nổ ra xung đột giữa Iran và Israel. Đổi lại, Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt và cho phép các công ty Mỹ và quốc tế hoạt động ở Iran.
“Thỏa thuận này sẽ không cung cấp mọi thứ mà cả hai bên muốn nhưng sẽ mang lại nhiều thứ hơn mỗi bên thay cho sự bế tắc ở hiện tại” - cựu trợ lý cấp cao về các vấn đề Trung Đông Dennis Ross chia sẻ.
Các diễn biến mới nhất trong căng thẳng Mỹ-Iran
4-7: Tàu chở dầu MT Grace 1 bị Anh bắt giữ khi đang chở dầu từ Iran đến Syria.
7-7: Tổng thống Hassan Rouhani gọi lệnh trừng phạt Iran của Mỹ là "hành động khủng bố" và là chiến tranh kinh tế diện rộng. Trong khi đó, Mỹ đã triệu tập cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp sau khi Iran tuyên bố tăng lượng dự trữ uranium vượt quá giới hạn được đặt ra trong JCPOA.
9-7: Máy bay trinh sát RC-135S Cobra Bal của không quân Mỹ được triển khai đến vịnh Ba Tư. Cùng lúc đó, tàu chở dầu điều hành bởi tập đoàn dầu khí BP (Anh) phải neo lại vịnh Ba Tư vì sợ Iran trả đũa vụ bắt giữ tàu chở dầu Grace 1.
10-7: Năm xuồng vũ trang Iran vây ráp tàu dầu Anh ở eo biển Hormuz. Đáp lại, tàu HMS Montrose của Anh chĩa khẩu pháo 30 mm trên boong về phía các xuồng Iran và đưa ra cảnh báo qua radio khiến các xuồng Iran rời đi.