Quan hệ Mỹ-Iran một lần nữa lại trở nên hết sức căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho hải quân Mỹ ở vùng Vịnh nổ súng tiêu diệt bất cứ tàu xuồng nào của Iran nếu có những hành động khiêu khích tàu Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tính sổ Iran về việc Iran phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo.
Trong khi đó, Tehran đe dọa "sẽ giáng trả Washington các đòn khốc liệt hơn cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Ain Al-Assad của Mỹ ở Iraq ngày 8/1/2020 nếu Tổng thống D. Trump liều lĩnh tiến hành bất cứ hành động ngu ngốc nào chống Iran". Bộ Ngoại giao Iran triệu tập Đại sứ Thụy Sỹ (nước đại diện quyền lợi của Mỹ tại Iran), trao công hàm phản đối những lời đe dọa của Mỹ. Đồng thời, Tư lệnh các lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami đã ra lệnh cho các lực lượng của ông tấn công bất cứ tàu chiến nào của Mỹ đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Iran.
Nguyên nhân nào dẫn đến leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran?
Mỹ tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt, duy trì một lực lượng hải quân lớn ở vùng Vịnh để gây sức ép với Iran. Ngày 6/4/2020, hải quân Mỹ ở vùng Vịnh đã bắt giữ một tàu của Iran. Ngày 15/4/2020, các xuồng máy cao tốc của Iran đã tiến hành các cuộc diễn tập áp sát các tàu chiến thuộc hạm đội 5 của Mỹ ở vùng Vịnh, có lúc chỉ cách các tàu của Mỹ 10-15 mét.
Ngày 22/4/2020, các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tuyên bố phóng thành công vệ tinh quân sự "Nour-1" hoàn toàn do Iran chế tạo lên quỹ đạo. Trước đây Iran đã ba lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, nhưng đây là lần đầu tiên Iran phóng thành công một vệ tinh quân sự.
Cùng với việc phóng vệ tinh "Nour-1", gần đây Iran đã chế tạo được các máy bay không người lái hiện đại, có thể hoạt động ở độ cao 13,5 km và trong vòng bán kính 1.500 km. Tehran cũng đã cải tiến nâng tầm bắn các tên lửa đất đối biển từ 45 lên 700 km và có kế hoạch chế tạo một hạm đội tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân.
Iran cho rằng Mỹ không chịu từ bỏ chính sách thù địch, đe dọa tấn công Iran. Trong khi đó Mỹ tố cáo Iran vi phạm các lệnh trừng phạt, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) liên quan đến tên lửa đạn đạo. Quan điểm của Washington và Tehran luôn luôn thù địch lẫn nhau.
Tổng thống D. Trump: "Tôi ra lệnh cho Hải quân Mỹ nổ súng tiêu diệt các tàu của Iran".
Vệ tinh quân sự "Nour-1" là gì?
Vệ tinh "Nour-1" được Iran lần đầu tiên phóng lên quỹ đạo thành công là một vệ tinh quân sự hoàn toàn do Iran chế tạo bằng tên lửa sử dụng hai loại nhiên liệu lỏng và rắn từ một bệ phóng di động. Đây là một công nghệ rất phức tạp, không phải nước nào cũng làm được. Việc phóng thành công vệ tinh ‘Nour-1" đã đưa Iran trở thành quốc gia thứ chín trên thế giới sở hữu công nghệ phóng vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ.
Nhiệm vụ của vệ tinh ‘Nour-1" là thu thập các thông tin tin tình báo quân sự phục vụ cho quốc phòng và từ nay trở đi Iran có thể quan sát bề mặt trái đất từ trên vũ trụ. Đây là một bước nhảy vọt trong quá trình phát triển chương trình không gian vũ trụ của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Việc phóng thành công vệ tinh "Nour-1", đã đưa Iran tiến gần đến việc chế tạo tên lửa xuyên lục địa (ICBM) sau khi chinh phục vũ trụ. "Nour-1" có khả năng vô hiệu hóa bất cứ một cuộc tấn công bất ngờ nào vào lãnh thổ Iran.
Đồng thời, từ nay các hoạt động quân sự của Iran trên mặt đất, kể cả ở Syria sẽ được "Nour-1" cung cấp các thông tin tình báo, cho phép các tên lửa và máy bay không người lái của Iran bắn trúng mục tiêu của đối phương với độ chính xác cao. Đây là một bước mới nhảy vọt mang ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, nâng cao sức mạnh phòng thủ và làm thay đổi hẳn cán cân so sánh lực lượng ở khu vực có lợi cho Iran.
Các nhà lãnh đạo Iran và nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, việc Iran phóng vệ tinh nhân tạo không vi phạm các nghị quyết của quốc tế, đặc biệt là nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2015 sau khi Iran ký Thỏa thuận hạt nhân JCPOA với các nước P5+1. Nghị quyết này chỉ kêu gọi Iran không tiến hành các hoạt động liên quan đến phát triển tên lửa đạn đạo, chứ không cấm hoàn toàn. Về phần mình, Tehran luôn luôn bác bỏ các thông tin tố cáo Iran theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo của mình là hợp pháp.
Vệ tinh quân sự ‘Nour-1” rời bệ phóng lên quỹ đạo
Vì sao Mỹ và Iran căng thẳng với nhau vào thời điểm này?
Tổng thống Mỹ D. Trump đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Đến nay số người bị lây nhiễm tại Mỹ đã lên tới gần một triệu, trong đó có hơn 50 nghìn trường hợp tử vong. Trung bình mỗi ngày có trên dưới hai nghìn người Mỹ chết do Covid-19.
Cuộc khủng hoảng giá dầu đã làm cho giá dầu WTI giảm xuống dưới 0, ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ bị tê liệt, hàng trăm công ty Mỹ bị phá sản dẫn đến hàng triệu người gia nhập đội quân thất nghiệp. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang xung đột với nhau trong chiến dịch tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng. Tổng thống D. Trump bị chỉ trích mạnh mẽ từ mọi phía, không chỉ từ đảng Dân chủ mà còn cả trong nội bộ đảng Cộng hòa về sự yếu kém trong điều hành đất nước, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Trong tình hình như vậy, những thành tựu của Tổng thống D. Trump trong hơn 3 năm cầm quyền đứng trước nguy cơ tan biến, khó có thể giành được thắng lợi nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 tới.
Để giảm bớt sự chú ý và đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, Tổng thống D. Trump đã phải tìm cách châm ngòi, gây đối đầu căng thẳng trong quan hệ với Iran.
Về phần mình, việc phóng vệ tinh quân sự là nằm trong kế hoạch nhằm nâng cao tiềm lực quốc phòng của Iran. Tuy nhiên, việc Tehran đẩy nhanh các hoạt động này và trong thời điểm hiện tại là có chủ đích khi nội bộ nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết, khó có khả năng đáp trả những hành động của Iran.
Ngoại trưởng Iran M. Javad Shariv: "Mỹ hãy quay về đánh nhau với Covid-19 chứ đừng đánh Iran"
Phóng vệ tinh "Nour-1", Iran muốn gửi đi thông điệp gì?
Thông qua việc phóng thành công vệ tinh "Nour-1", Iran muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông và châu Âu về sức mạnh quân sự của Iran: Mặc dù các lệnh cấm vận của Mỹ đã gây ra vô vàn khó khăn, nhưng Iran vẫn vươn lên nắm bắt được các công nghệ quân sự tiên tiến, phát triển được các loại vũ khí tối tân, sẵn sàng đối đầu với bất cứ mối đe dọa nào của Mỹ và các nước đang thi hành chính sách thù địch chống Iran.
Trong tình hình như vậy, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng trước khi quyết định tiến hành bất cứ một hành động quân sự nào chống Iran.
Trong quá khứ, đã có rất nhiều trường hợp căng thẳng tưởng như sẽ bùng nổ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran. Mới đây nhất là căn cứ quân sự Ain Al-Assad của Mỹ tại Iraq bị hàng loạt tên lửa Iran tấn công gây thiệt hại lớn, nhưng Mỹ đã không có bất cứ hành động đáp trả nào. Việc căng thẳng leo thang hiện nay chủ yếu là nhằm phục vụ những nhu cầu nội bộ và nắn gân lẫn nhau giữa hai nước.
Tình hình khu vực và thế giới hiện nay không cho phép tiến hành một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Nhiệm vụ cấp bách của Mỹ, Iran và các nước hiện nay là tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả của nó chứ không phải phát động chiến tranh. Hơn nữa, về thời điểm, những người theo đạo Hồi vừa bước vào tháng Ramadan linh thiêng, bất cứ một hành động quân sự nào chống Iran là chống lại tất cả thế giới Hồi giáo.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.