Căng thẳng Ấn-Pakistan: Sau trận không chiến, một vụ tương tự suýt nữa đã xảy ra trên biển

Bảo Lam |

Nếu nổ ra các hành động quân sự với Ấn Độ thì hạm đội Hải quân Pakistan sẽ luôn thất bại ngay trong những giờ đầu tiên hoặc tối đa vài ngày.

Tàu ngầm Ấn Độ khiêu khích hay thể hiện sức mạnh trước Pakistan?

Islamabad khẳng định rằng đã xua đuổi một chiếc tàu ngầm hiện đại của Ấn Độ khỏi lãnh hải của mình.

Tạm thời chưa rõ chiếc tàu ngầm của Ấn Độ tiến sát tới lãnh hải của đối thủ để làm gì, thêm vào đó còn nghênh ngang đi bán ngầm, để lộ rõ cả kính tiềm vọng. Không lẽ nào họ muốn bị phát hiện và vì thế có thể bị dính đạn của các lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc Không quân Pakistan?

Hôm thứ Ba, ngày 05/3/2019, Hải quân Pakistan tuyên bố về việc ngăn chặn được một chiếc tàu ngầm của Ấn Độ đang cố tình xâm phạm lãnh hải của mình. Người Pakistan còn đăng tải đoạn video, mà theo họ, đã ghi lại được thời điểm ngăn chặn chiếc tàu ngầm.

Như kênh truyền hình "Zvezda" của Nga đưa tin, vụ việc xảy ra trước đó 1 ngày. Bên cạnh đó cũng nhấn mạnh rằng chiếc tàu ngầm có thể dễ dàng bị tiêu diệt, tuy nhiên Pakistan quyết định để yên vì "những mục đích hoà bình".

Tại Islamabad tự hào nhấn mạnh rằng chiếc tàu ngầm đã bị phát hiện bất chấp những khoản tiền đầu tư khổng lồ của Ấn Độ cho hạm đội tàu ngầm. Vị trí chính xác của sự việc không được nêu rõ.

"Công trạng lẫy lừng này là minh chứng trình độ ưu việt của Hải quân Pakistan. Những lực lượng của chúng ta có khả năng ứng phó trước mọi sự xâm lược", Hải quân Pakistan ra tuyên bố.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên – trong lần trước các thuỷ thủ Pakistan đã chặn đứng chiếc tàu ngầm của Ấn Độ tại lãnh hải của mình vào năm 2016.

Căng thẳng Ấn-Pakistan: Sau trận không chiến, một vụ tương tự suýt nữa đã xảy ra trên biển - Ảnh 1.

Hình ảnh tàu ngầm Ấn Độ đang tìm cách xâm nhập vào lãnh hải Pakistan. Nguồn: Dawn

Chiến tranh giữa Ấn-Pakistan có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Hiện giờ, khi mối quan hệ của hai nước đang căng thẳng tới mức chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì việc ngăn chặn được chiếc tàu ngầm được đón nhận một cách đặc biệt.

Cuộc xung đột bắt đầu tăng nhiệt sau khi Không quân Ấn Độ thực hiện cuộc tấn công nhằm vào doanh trại huấn luyện của nhóm hồi giáo Cực đoan "Jaish e Muhammad" nằm ở khu vực Kashmir bên phần lãnh thổ Pakistan.

Sau đó, Pakistan đã bắn hạ chiếc máy bay MiG-21 của Không quân Ấn Độ, phi công bị bắt làm tù binh. Ấn Độ tuyên bố rằng họ cũng bắn hạ được chiếc máy bay F-16 của Không quân Pakistan nhưng không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.

Lãnh đạo Câu lạc bộ thuỷ thủ-tàu ngầm Peterburg (Nga), Đại tá hải quân Igor Kudrin cho biết rằng "biên giới của một quốc gia được coi là vùng lãnh hải, và theo thực tiễn quốc tế phức tạp, thông thường, đó là khu vực 12 hải lý (1 hải lý tương đương 1.852m)".

Việc xâm nhập vào vùng lãnh hải này được coi như vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, còn quốc gia, trong tình huống này là Pakistan, họ "có quyền hợp pháp được sử dụng vũ khí nhằm vào chiếc tàu xâm phạm lãnh hải của mình".

Theo lời ông Kudrin, đôi khi những vi phạm thế này xảy ra không cố ý, "khi chiếc tàu ngầm, lấy ví dụ, mất định hướng vì sai lầm của hoa tiêu và tình cờ vượt qua biên giới".

"Nhưng đôi khi những tình huống này lại mang ý nghĩa thể hiện. Căn cứ vào tình hình hiện nay trong mối quan hệ song phương của Ấn Độ và Pakistan, điều này, nhiều khả năng, là sự vi phạm biên giới có chủ ý.

Thêm nữa, nếu chiếc tàu ngầm lại thực hiện điều đó với kính tiềm vọng được nhô khỏi mặt nước, thì các thuỷ thủ Ấn Độ cố tình muốn mình bị phát hiện", chuyên gia này giải thích và bổ sung:

"Trong trường hợp này người Ấn Độ đã gây ra một tình huống rủi ro không thể biện hộ, bởi vì người ta có thể dễ dàng sử dụng vũ khí và nhấn chìm họ. Còn từ quan điểm mang tính chính trị, điều này thật là vô nghĩa".

Căng thẳng Ấn-Pakistan: Sau trận không chiến, một vụ tương tự suýt nữa đã xảy ra trên biển - Ảnh 3.

Xác chiếc tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ bị F-16 Pakistan bắn hạ hôm 27/02/2019.

Đối đầu hải quân Ấn-Pakistan: Ai hơn ai?

Biên tập Tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc" Alexei Leonkov chia sẻ rằng các tàu ngầm của Nga, Đức và Pháp sản xuất hiện tại đang có trong hàng ngũ của Hải quân Ấn Độ. Nhưng thành phần chủ lực của hạm đội tàu ngầm là những tàu ngầm Liên Xô đề án 877 "Paltus" với tổng số là 9 chiếc.

"Đó là loại tàu ngầm động cơ diesel. NATO phân loại nó thuộc lớp Kilo. Chúng thường xuyên bị nhầm với đề án "Varshavyanka", dù chúng khác nhau. Theo đề án này, có một số lượng nhất định các tàu ngầm được chế tạo. Chiếc tàu ngầm đầu tiên người Ấn Độ tiếp nhận vào năm 1986", ông Leonkov nói.

Ấn Độ cũng mua của Pháp các tàu ngầm Scorpene. Tạm thời chỉ có một chiếc được tiếp nhận (năm 2017). Đến năm 2022 dự kiến sẽ có 5 chiếc nữa được bàn giao.

"Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang vận hành chiếc tàu ngầm Liên Xô đề án 971 "Shuka" với khả năng mang các tên lửa chiến lược đạn đạo với những đầu đạn hạt nhân. Nó đã được chuyển giao cho Ấn Độ vào năm 2012 và được đặt tên là Chakra", chuyên gia này nói khi bổ sung thêm rằng Dehli còn co khoảng 4 chiếc tàu ngầm Type 209 của Đức .

Tuy nhiên ông Leonkov không hiểu tại sao phải cử chiếc tàu ngầm tới lãnh hải của Pakistan nếu như tất cả những gì Islamabad đưa ra là hoàn toàn đúng với sự thật.

"Người Ấn Độ có các máy bay do thám trên nền tảng A-50 của Nga, cũng như có đề án trên nền tảng máy bay Embraer của Brasil với thiết bị trinh sát do người Thụy Điển và Israel chế tạo cho họ.

Để do thám điều gì đang xảy ra tại Pakistan, không cần nhiều trí tuệ. Không cần phải xâm nhập không phận nước khác nhưng chiếc máy bay vẫn có thể chụp được toàn cảnh. Nhiều khả năng, những cuộc ngăn chặn giống như vừa xảy ra với chiếc tàu ngầm – đó là một phần của cuộc chiến tranh thông tin", ông Leonkov dự đoán.

Liên quan tới Hạm đội hải quân Pakistan thì các chuyên gia của Nga đánh giá không cao lực lượng này.

Căng thẳng Ấn-Pakistan: Sau trận không chiến, một vụ tương tự suýt nữa đã xảy ra trên biển - Ảnh 4.

Các tàu chiến của Hải quân Pakistan.

"Về mặt lịch sử, ban đầu Pakistan chú trọng vào Mỹ, sau đó khi những mối quan hệ này có chiều hướng phức tạp, Pakistan chuyển hướng sang Trung Quốc. Trung Quốc đã cung cấp cho Pakistan các tàu hộ vệ - những tàu chiến hiện đại theo cách hiểu của Trung Quốc, nhưng lại cũ theo chúng ta.

Điều tương tự cũng xảy ra với các tàu ngầm. Bởi vậy hiện nay Pakistan sở hữu hạm đội hải quân mà chủ yếu dựa vào những gì Trung Quốc chế tạo. Công thêm một vài tàu ngầm đã cũ của Mỹ", chuyên giá Constantin Sivkov của Nga nói.

"Nước này chỉ có một vài chiếc tàu ngầm diesel - điện đã cũ. Một phần là các tàu ngầm của Đức, một phần là của Trung Quốc sản xuất. Và chúng hoàn toàn không thể so sánh với các tàu ngầm hiện có của Ấn Độ.

Họ còn không có tàu sân bay, bởi vậy nếu nổ ra các hành động quân sự với Ấn Độ thì hạm đội hải quân Pakistan sẽ luôn thất bại ngay trong những giờ đầu tiên hoặc tối đa vài ngày. Đây là bức tranh hiện nay. Cạnh tranh với Ấn Độ trên biển là điều Pakistan không có khả năng", ông Sivkov nói.

New Dehli hôm thứ ba đã không bình luận trực diện những thông tin từ Islamabad, bởi vậy xác định điều gì thực sự đã xảy ra gần lãnh hải Pakistan là điều khá phức tạp. Tuy nhiên, tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba đã đưa ra lời nhắn nhủ rất rõ về vấn đề này.

"Ấn Độ hiện nay đang đối mặt với một hình thái khủng bố tầm quốc gia theo kiểu mới, nguy hiểm hơn. Bằng chứng của điều này chính là cuộc tấn công mang quy mô khủng khiếp xảy ra tại bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ mới đây 3 tuần", hãng thông tấn TASS trích dẫn lời của Đô đốc Lanba.

"Chúng tôi cũng nhận được thông tin về việc các phiến quân đang chuẩn bị thực hiện những cuộc tấn công mới, bao gồm cả từ phía ngoài biển vào", ông Landa nhấn mạnh.

"Trong bối cảnh này, Hải quân Ấn Độ đang đặt trong tình trạng sẵn sàng. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đáp trả nhanh chóng và quyết liệt trước mọi hành động", ông Lanba cứng rắn cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại