"Căng như dây đàn" với Iran, nhóm tàu sân bay Mỹ vẫn chưa dám tiến vào vịnh Péc-xích

Minh Thu |

Cho tới nay, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của hải quân Mỹ vẫn chưa tiến vào vịnh Péc-xích qua eo biển Hormuz dù nhận lệnh điều động tới khu vực này từ đầu tháng.

Hồi đầu tháng này, Nhà Trắng hạ lệnh điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln 100.000 tấn tới vịnh Péc –xích giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran liên tục có dấu hiệu leo thang.

Song điều đáng nói là cho tới nay, theo AP, tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng nhóm tàu hộ tống vẫn chưa tiến vào vịnh Péc-xích qua eo biển Hormuz.

Điều này được thể hiện qua đoạn video được hải quân Mỹ công bố hôm 17/5 cho thấy, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung với các tàu chiến Mỹ trên biển Ả Rập, khu vực cách vịnh Péc-xích hơn 1.000 km.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không công khai lý do vì sao nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln trì hoãn tiến vào vịnh Péc-xích. Song theo giới chuyên gia, khả năng vịnh Péc-xích là khu vực khá hẹp so với hoạt động của tàu sân bay USS Abraham Lincoln.

Do đó, Mỹ không muốn đưa USS Abraham Lincoln vào tầm ngắm của dàn tên lửa và tàu chiến thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran

Hồi tháng 12/2018, khoảng 30 tàu của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã “bám đuôi” nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis khi dàn tàu chiến Mỹ di chuyển qua eo biển Hormuz.

Vào thời điểm này một phóng viên của hãng tin AP cũng có mặt trên nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và đưa tin. Thậm chí, một trong số 30 tàu của Iran còn cho phóng một vật thể giống máy bay không người lái thương mại để ghi hình hoạt động của các tàu chiến Mỹ.

Bên cạnh đó, những lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz cũng đã chứng kiến cảnh đội tàu cao tốc cỡ nhỏ của Iran “cắt mặt” và áp sát nguy hiểm gần các tàu sân bay.

Trên thực tế, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran sở hữu năng lực “tấn công bầy đàn” nhằm vào các tàu sân bay nhờ kho tên lửa biển đối biển, đất đối biển và máy bay không người lái trang bị bom.

Về phần mình, Iran nhiều lần đe dọa cho phong tỏa eo biển Hormuz nếu như quốc gia này không thể buôn bán dầu thô cho thị trường quốc tế.

Nguyên nhân là do tác động từ hàng loạt sức ép của Mỹ kể từ khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) được ký kết hồi năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức.

Điều đáng nói, mọi hoạt động đi qua eo biển Hormuz có nguy cơ đối mặt với thảm kịch nếu không may Mỹ hoặc Iran hành động mất kiểm soát. Cụ thể, hồi năm 1988, một tàu chiến Mỹ đã vô tình bắn rơi một máy bay thương mại của Iran, khiến toàn bộ 290 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại