Nam thanh niên 27 tuổi từng bị quai bị khiến teo tinh hoàn, hỏng "bộ máy sản xuất" tinh trùng khiến tinh dịch không có "chiến binh" nào. Thế nhưng, nhờ phương pháp micro TESE (sinh thiết dưới kính hiển vi), các bác sĩ vẫn bắt được vài con tinh trùng ẩn náu trong "bộ máy sản xuất", nhờ vậy, bệnh nhân vẫn có thể có con.
Tìm thấy tinh trùng đem lại hi vọng làm cha cho bệnh nhân chỉ có "vòi nước trong"
Một ngày bình thường, BS Hà Ngọc Mạnh - Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ phải làm rất nhiều việc như khám, tư vấn cho bệnh nhân, tiến hành các thủ thuật, phẫu thuật... và cả ngồi trong phòng lab "soi" tinh trùng ở các mẫu.
Trong việc điều trị vô sinh hiếm muộn nam, đánh giá chất lượng tinh trùng là một khâu quan trọng. Nhiều bệnh nhân tinh trùng yếu, không di động hoặc di chuyển chậm, số lượng tinh trùng ít, tinh trùng dị dạng... khó có thể có con. Nhưng dù sao vẫn là "có tinh trùng". Khó nhất vẫn là những trường hợp không có tinh trùng do "cơ quan sản xuất" bị trục trặc.
Hôm ấy, khi soi mô tinh hoàn cho bệnh nhân tiền sử quai bị không có tinh trùng, BS Mạnh bỗng phát hiện ra một con tinh trùng. Vậy là anh hét lên vui mừng thông báo cho đồng nghiệp. Anh vui như chính anh được làm cha vậy.
BS Hà Ngọc Mạnh đang soi để tìm tinh trùng trong mẫu.
Kỳ thực, trường hợp này quá khó, xuất tinh không có tinh trùng, hoạt động tinh hoàn kém (chỉ số FSH lên tới 62, trong khi người bình thường chỉ FSH chỉ 2-3 đơn vị).
Con tinh trùng đó ngay lập tức được "bắt" lại để trữ đông, tiến tới thụ tinh trong ống nghiệm. Tại các mô khác của bệnh nhân, bác sĩ "bắt" thêm được vài con nữa. Vậy là bệnh nhân có hi vọng được làm cha.
BS Mạnh cho biết, tinh hoàn bình thường ở người đàn ông bằng quả trứng gà con so. Nhưng ở bệnh nhân này, tinh hoàn chỉ bằng đầu ngón tay. Bệnh nhân cho biết, cách đây 5 năm (năm 2012), anh mắc quai bị, sau đó tinh hoàn teo dần.
Sau đó 2 năm, anh lập gia đình, hoạt động tình dục vẫn bình thường nhưng vợ không mang bầu. Phát hiện không có tinh trùng trong tinh dịch nhưng bệnh nhân vẫn tha thiết muốn có... một đứa con của mình. May sao, bằng phương pháp micro TESE, bác sĩ đã tìm ra vài con tinh trùng hiếm hoi trong bộ máy sản xuất tinh trùng của bệnh nhân.
Micro TESE giúp 10-20% bệnh nhân tinh hoàn suy thoái có thể có con
Theo BS Mạnh, để thực hiện phương pháp micro TESE, bác sĩ sẽ lựa chọn những vùng có khả năng có tinh trùng trong tinh hoàn và sinh thiết. Các mẫu sinh thiết sẽ được soi dưới kính vi phẫu để tìm tinh trùng. Khoảng 10-20% bệnh nhân sẽ gặp may mắn khi bác sĩ bắt được tinh trùng trong các mẫu này.
Tuy nhiên, bắt được tinh trùng không có nghĩa là bệnh nhân sẽ có con ngay. Tinh trùng đó sẽ được trữ lại để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ. Để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cũng phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ phía người vợ (chụp chiếu, xét nghiệm, dùng thuốc, chọc hút trứng...), và để có kết quả cuối cùng là có con vẫn là cả chặng đường dài.
Dù sao đi nữa, bắt được tinh trùng ở người đàn ông xuất tinh không có tinh trùng cũng sẽ giúp cặp vợ chồng có thêm hi vọng có con, không phải đi xin tinh trùng từ nguồn khác.
BS Hà Ngọc Mạnh vui mừng chia sẻ thông tin tìm được tinh trùng cho bệnh nhân trên trang cá nhân.
Giải thích về việc tại sao bệnh nhân xuất tinh không có tinh trùng, nhưng trong tinh hoàn lại vẫn có tinh trùng, BS Mạnh cho biết, có khoảng 10 triệu con tinh trùng trong ống sinh tinh, nhưng chỉ khoảng 1 triệu con ra đến mào tinh. Tiếp đó, khi xuất tinh, chỉ khoảng 10-20.000 con chui ra ngoài và nằm trong tinh dịch.
Tuy nhiên, do hoạt động của tinh hoàn kém, trục nội tiết dưới đồi tuyến yên bị trục trặc nên một số trường hợp, tinh trùng chỉ nằm trong ống sinh tinh, không chui ra được nữa. Do vậy, bác sĩ phải tìm đến ống sinh tinh để tìm tinh trùng.
Hiện nay, ngoài các trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch do teo tinh hoàn, một số trường hợp cũng phải nhờ đến micro TESE để tìm tinh trùng, đó là những người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến tinh hoàn gần như không hoạt động được, người bị hội chứng bất thường về di truyền khiến tinh hoàn bé...
"Kỹ thuật y học hiện đại đã giúp nhiều cặp vợ chồng có thể có con dù mang bệnh lý gì. Điều quan trọng là phải kiên trì, chữa trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ" - BS Mạnh cho biết.
Những điều thú vị về tinh trùng, hãy xem để hiểu hơn cơ thể của bạn