Càng lớn càng sợ Tết vì những khoản chi 'ngập đầu', vợ chồng trẻ bày cách chi tiêu thông mình: Tập trung cho 6 thứ nhất định phải sắm, hạn chế 3 thứ để Tết đủ đầy

Phương Linh |

Có những khoản chi tiêu Tết tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không chú ý cân đối, bạn sẽ hao hụt số tiền đáng kể khi chưa đến Tết.

"Càng lớn càng sợ Tết” là tâm lý của nhiều người khi đối mặt với vô vàn nỗi lo khi Tết Nguyên đán cận kề. Đặc biệt là với những người trẻ mới lập gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm sắm sửa, chi tiêu vẫn nỗ lực vun vén vì một cái Tết trọn vẹn.

Trải qua một năm 2022 nhiều biến động, tài chính của nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng ảnh hưởng ít nhiều. Không ít gia đình mong muốn ăn một cái Tết “tối giản”, chỉ mua những thứ cần thiết và hạn chế tối đa những khoản không quá quan trọng.

“Sắm sửa cho Tết thì bao nhiêu cũng là không đủ, nhưng nếu vì ‘cố quá’ rồi sau Tết tài chính lại ‘kẹt’ hoặc phải vay nợ thì mình nghĩ là không nên”, chị Đoàn Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Chi tiêu hợp lý bằng cách “bớt nọ, bù kia”

Theo chia sẻ của nhiều cặp vợ chồng, 6 thứ cơ bản chắc chắn cần phải chuẩn bị bao gồm đồ thờ cúng truyền thống, mâm ngũ quả, thực phẩm nấu cỗ Tết, quà biếu 2 bên nội ngoại, lì xì và cây cảnh hoặc hoa trang trí nhà.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, 23 tuổi, hiện là người mẫu ảnh tại Hà Nội cho biết gia đình chị dự kiến sẽ chi khoảng 20-30 triệu đồng để sắm Tết.

“Mình dự tính sẽ mua đồ lễ lạc cúng bái đã bao gồm cả mâm ngũ quả, bánh chưng cùng cây đào và hoa Tết. Ngoài ra thì mình cũng có dự định đi lễ chùa đầu năm hoặc một chuyến du lịch xa cho cả nhà. Trong các khoản này thì mình vẫn chú trọng nhất là quà Tết và lì xì đầu năm cho 2 bên gia đình nội ngoại. Với mình thì Tết luôn là dịp để những người con đã trưởng thành có cơ hội được báo hiếu, bày tỏ tình cảm với cha mẹ”, chị Huyền Trang chia sẻ.

Càng lớn càng sợ Tết vì những khoản chi ngập đầu, vợ chồng trẻ bày cách chi tiêu thông mình: Tập trung cho 6 thứ nhất định phải sắm, hạn chế 3 thứ để Tết đủ đầy  - Ảnh 1.

Sẵn sàng chi số tiền tương đương với 1 tháng lương của gia đình nhưng chị Trang cũng dự định phải hạn chế việc sắm sửa đồ đạc mới. Thay vào đó, gia đình chị để dành khoản tiền đó cho việc đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc và học tập vất vả.

Với những gia đình quyết định đón Tết tại quê như vợ chồng chị Đoàn Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội), công cuộc sắm Tết sẽ diễn ra sớm hơn nhưng cũng đơn giản hơn vì bố mẹ ở quê đã sắm sửa khá đầy đủ. Đây cũng là cách nhiều gia đình trẻ lựa chọn để có một cái Tết vừa đầm ấm, gần gũi bố mẹ sau 1 năm lao động xa nhà, vừa tiết kiệm nhiều chi phí.

“Ngoài những đồ bố mẹ đã mua sẵn vì vợ chồng mình sẽ mua thêm cây quất nhỏ để bày trong nhà cho có không khí Tết, đồ thờ cúng và quà cho bố mẹ ở quê. Chính vì hầu như không ở nhà cả Tết nên mình cũng không mua đồ trang trí cầu kỳ hay bánh kẹo đắt tiền. Thay vào đó để dành tiền biếu bố mẹ sẽ hợp lý hơn ”, chị Phương Anh chia sẻ.

Càng lớn càng sợ Tết vì những khoản chi ngập đầu, vợ chồng trẻ bày cách chi tiêu thông mình: Tập trung cho 6 thứ nhất định phải sắm, hạn chế 3 thứ để Tết đủ đầy  - Ảnh 2.

2023 được dự báo là một năm đầy khó khăn nên nhiều gia đình cũng không ngại ngần cắt bớt những khoản chi tiêu không ảnh hưởng lớn đến Tết như quần áo mới, đồ trang trí nhà cửa và bánh kẹo Tết. Nhiều gia đình cho rằng 3 thứ này chỉ phục vụ cho dịp lễ, nếu chi tiêu “quá tay” sẽ tốn kém một khoản đáng kể ảnh hưởng đến ngân sách chi tiêu Tết.

Những năm trước, 2 vợ chồng chị Phương Anh đều sắm đồ trang hoàng nhà cửa nhưng đến năm sau lại thất lạc gần hết, hoặc vì đồ trang trí chỉ in cho dịp Tết năm đó nên không thể sử dụng lại. Chưa kể bánh kẹo Tết năm nào cũng thừa nhiều, gia đình không có trẻ con nên rất lãng phí.

Vậy nên năm nay chị Phương Anh quyết định sẽ không mua bánh kẹo nữa mà chỉ mua hoa quả, vừa tốt cho sức khỏe lại phù hợp với những khách đến chơi nhà. Đồ trang trí cũng được tiết chế lại. Chị Phương Anh cũng cho biết nhiều bạn bè chị dành thời gian để làm mứt Tết, tự nướng bánh thay vì mua bánh kẹo ở ngoài.

Chị Hà Thu Hương, 25 tuổi, nhân viên Marketing tại Hải Phòng và chồng có thu nhập 25-30 triệu/tháng. Gia đình chị dự kiến sẽ tiêu 40% thu nhập cho Tết năm nay, tập trung vào các khoản cơ bản cho Tết như mọi năm. Tết năm nay cũng là năm đầu tiên vợ chồng chị có em bé nên cả hai quyết định sẽ không mua quần áo mới nữa để cân đối lại chi tiêu.

“Quần áo thì mua cả năm rồi nên chắc Tết này mình cũng thôi. Mọi năm cứ thấy chị em đồng nghiệp bạn bè xúng xính là mình cũng sắm vài bộ. Đến lúc tài chính eo hẹp hơn mới cân nhắc thấy mấy bộ đồ mình sắm trước Tết cũng chỉ mặc được trong lễ thôi. Sau Tết gần như chẳng đụng tới”, chị Thu Hương nói.

Càng lớn càng sợ Tết vì những khoản chi ngập đầu, vợ chồng trẻ bày cách chi tiêu thông mình: Tập trung cho 6 thứ nhất định phải sắm, hạn chế 3 thứ để Tết đủ đầy  - Ảnh 3.

Lưu ý khi sắm sửa đồ Tết

Để có một cái Tết trọn an vui, tiết kiệm nhưng vẫn đủ đầy, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau:

Lập danh sách đồ cần mua chi tiết theo danh mục hoặc mức độ ưu tiên: Hãy liệt kê những món đồ cần chuẩn bị sớm nhất có thể, càng chi tiết càng tốt theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới hoặc theo từng danh mục. Cần gần Tết càng bận rộn, khó có thể chọn lựa những món đồ tốt với giá hợp lý nên điều này là thực sự cần thiết.

Giới hạn ngân sách cho từng danh mục: Sau khi đã xác định được ngân sách tổng cho cả mùa Tết, điều bạn cần làm là phân phối số tiền hợp lý cho từng khoản. Nếu một danh mục nào đó phải tiêu hơn hạn mức, nhanh chóng cân đối với các danh mục khác để tránh một khoản tiền lớn hao hụt sau Tết.

Cân nhắc thời điểm mua đồ: Đây là điều nhiều người dễ bỏ qua bởi thói quen mua nhiều món đồ cùng lúc khi sắm Tết. Nhưng với những thứ không để được lâu hoặc khó bảo quản như trái cây, thực phẩm tươi sống, hoa tươi,... bạn cần xem xét thời điểm mua chúng sao cho hợp lý. Ngoài ra, lưu ý thời điểm săn những chương trình giảm giá, món đồ khuyến mãi cũng giúp tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại