Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mục đích giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có bài viết: "Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu: Cốt lõi là tuổi nghỉ hưu" và nhận được phản hồi tích cực của các độc giả. Bạn đọc Hà Chương bày tỏ: "Chính xác! Tuổi nghỉ hưu vẫn là quan trọng! Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu nam đủ 35 năm đóng bảo hiểm thì cho nghỉ hưu! Nếu ai chưa đủ năm đóng bảo hiểm thì 60 đến 62 tuổi mới được nghỉ! Hoặc đủ 35 năm đóng bảo hiểm thì được nghỉ hưu nhưng sớm mấy năm thì trừ lại 2% năm và giảm dần đến đủ 62 tuổi thì nhận đủ 75%". Theo bạn đọc Cao Đồng, có giảm năm đóng xuống 15 năm cũng chả giải quyết được vấn đề rút bảo hiểm một lần như hiện nay bởi đa phần công nhân bị sa thải là lao động chân tay, tuổi bị sa thải từ 45 -50. "Còn doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động ở độ tuổi này và người lao động lấy gì mà tham gia bảo hiểm xã hội nữa?" - bạn đọc này đặt câu hỏi. Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Huấn nêu vấn đề: "Tôi đóng bảo hiểm 30 năm, mới có 48 tuổi, chờ 15 năm nữa, vậy tôi sống bằng gì? Tuổi này xin việc ai nhận đây...vậy nên người lao động chúng tôi đề nghị phải giảm bớt tuổi nghỉ hưu".
Bạn đọc Trịnh Minh Long gay gắt: "Quan điểm cá nhân của mình thấy việc giảm năm chỉ nhằm mục đích nhốt thêm những người trên từ 15 đến 19 năm vào diện không được rút 1 lần và chờ đủ 62 mới được hưởng chế độ hưu mà thôi". Đồng quan điểm, một bạn đọc tên Tuấn chia sẻ: "Đúng là giảm năm đóng cũng chẳng giải quyết được gì, nên giữ nguyên đóng 20 năm đủ thì được hưởng lương hưu nhưng không quy định độ tuổi nghỉ hưu, nếu đóng đủ 20 năm thì được hưởng lương hưu, còn nếu đóng nhiều năm hơn 20 năm thì mức hưởng nhiều hơn". Theo bạn đọc Vũ Ngọc Quyền, giảm năm đóng bảo hiểm đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu. Do vậy, để bảo đảm an sinh cần phải giảm tuổi nghỉ hưu! Tương tự, bạn đọc Nguyễn Văn Thanh góp ý: "Giảm năm đóng thì người lao động càng rút 1 lần nhiều hơn..cái người lao động cần là giảm tuổi về hưu.
Theo nhiều bạn đọc, càng giảm năm đóng BHXH thì càng trẻ hóa tuổi rút một lần
Góp ý hoàn thiện chính sách BHXH, bạn đọc Nguyen Thanh Giang bày tỏ: "Theo tôi luật nên sửa đổi, ai đóng đủ 30 năm sẽ được hưởng lương hưu không cần biết tuổi tác bao nhiêu. Trường hợp chưa đủ 30 năm thì đợi tới 60 tuổi không tăng tuổi thêm nữa". Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Đề nghị sửa luật theo tính nhân văn hơn. Chỉ tính thời gian đóng BHXH là đủ điều kiện nghỉ hưu, không quan tâm đến tuổi nếu không giảm năm đóng BHXH chẳng có ý nghĩa gì. Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Chẳng hạn qui định rõ đóng 15 năm hưởng 30%, 20 năm 25%, 30 năm 70%, 35 năm 75%, trên 35 năm hưởng 80% trở lên.
Theo một bạn đọc tên Hân, cần phân loại người tham gia đóng BHXH. 1. Những người trong biên chế nhà nước, hưởng lương từ ngân sách thì tuổi nghỉ hưu có thể tăng lên 65 tuổi, vì những đối tượng lao động này không sợ bị mất việc. 2. Những người lao động làm việc theo hợp đồng, lãnh lương từ những doanh nghiệp tư nhân, không hưởng lương từ ngân hàng nhà nước thì tuổi nghỉ hưu từ 50 đến 55 tuổi là phù hợp, vì những đối tượng lao động này rất dễ mất việc ở tuổi 45 do các công ty đào thải.
Bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn thì đề xuất: "Nên giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động như trước đây, mam 60 tuổi nữ 55 tuổi đóng bảo hiểm xã hội liên tục 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu đối những hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước. Và ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi đối với lao động nam 57tuổi nữ 55 tuổi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục 20 năm trở lên thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi thì đó mới là vấn đề nhân văn của đợt sửa Luật bảo hiểm xã hội lần này.