Canada cấm vận titan của Nga
Theo nguồn tin riêng của Reuters, đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa phải can thiệp để thuyết phục Thủ tướng Canada Justin Trudeau để Airbus và các công ty hàng không khác không bị ảnh hưởng sau khi Canada áp cấm vận lên titan của Nga.
Nguồn tin riêng của Reuters cho rằng ông Emmanuel Macron đưa ra đề nghị đó trong cuộc hội đàm với ông Justin Trudeau hồi tháng 3, tức chỉ vài tuần sau khi Canada chính thức áp lệnh cấm vận lên thứ kim loại cứng bậc nhất thế giới của Nga.
Lệnh cấm vận của Canada cũng tác động đến Airbus - nhà sản xuất máy bay có trụ sở tại Pháp - và nhiều công ty hàng không khác khi các công ty này vẫn phụ thuộc vào sản phẩm gốc Nga được chế tạo tại một số nhà máy ở Canada.
Nguồn tin của Reuters cho rằng Pháp đã phải vận động rất nhiều và thường xuyên các công ty châu Âu nói trên được trở thành trường hợp ngoại lệ. Bên cạnh hội đàm trực tiếp giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Canada, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal khi sang thăm Canada hôm 29 tháng 3 cũng đã làm việc về vấn đề này.
Reuters cho rằng phía Canada khi nhận đề nghị đã chưa đồng ý ngay, nhưng sau một vài ngày thì cũng đã ra văn bản cho Airbus cũng như các công ty châu Âu khác.
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trao đổi để gỡ thế khó cho một số công ty hàng không châu Âu có thể là tiêu biểu cho việc phương Tây phải vất vả ra sao để có thể cấm vận Nga mà không gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ngành công nghiệp của mình.
VSMPO-AVISMA từng là nhà sản xuất titan chất lượng hàng không lớn nhất thế giới. VSMPO-AVISMA là một công ty do chính phủ Nga hậu thuẫn. Trong khi đó, titan với đặc tính rắn chắc và nhẹ đã khiến cho thứ kim loại này đứng đầu trong danh sách dễ bị cấm vấn, bởi nó thường xuyên được sử dụng trong chế tạo máy bay, như linh kiện động cơ hay bộ phận hạ cánh của máy bay lớn.
Ông Kevin Michaels, giám đốc điều hành AeroDynamic Advisory, nhận định: "Vấn đề là một lò luyện titan mất hàng năm trời để xây dựng và có thể cần thêm một hoặc hai năm tiếp nữa để có được đủ chứng nhận".
Trong khi phương Tây tăng cường cấm vận với Nga, nhưng thường không chặn cơ hội tiếp cận của chính họ với sản phẩm của VSMPO; năng lực luyện và rèn kim của VSMPO khiến phương Tây lo sợ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp hàng không của mình nếu đặt cấm vận.
Cả Airbus, Boeing gặp khó
Sau khi Canada đặt lệnh cấm vận với titan của Nga, Airbus đã ngay lập tức là đơn vị bị ảnh hưởng. Lý do là bởi toàn bộ cấu phần của thiết bị hạ cánh trên mẫu Airbus A350-1000 đều do một công ty tại Ontario, Canada sản xuất.
Cụ thể hơn, công ty RTX là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất thiết bị hạ cánh cho Airbus A350-1000. Đơn vị này sản xuất thiết bị tại một nhà máy đặt ở ngoại ô Toronto, Canada thông qua công ty con Collins Aerospace.
Lúc Canada đặt lệnh cấm vận, Collins Aerospace đã dừng mọi hoạt động vận chuyển nguyên liệu thô.
Không chỉ Airbus, Boeing của Mỹ cũng được cho chịu ảnh hưởng sau khi Canada áp lệnh cấm vận. Tháng 3/2022, Boeing cho biết đã dừng mua titan trực tiếp từ Nga, nhưng thiết bị hạ cánh của Boeing 787 Dreamliner vẫn do Canada sản xuất.
Safran là nhà sản xuất Canada, cũng nằm trong chuỗi cung ứng thiết bị hạ cánh. Theo nguồn tin của Reuters, Safran đã được cấp phép ngoại lệ để tiếp tục sản xuất và cung cấp thiết bị hạ cánh cho Boeing 787.
Titan: Vật liệu tốt nhất để làm máy bay
Ngày nay, một trong những phương án các nhà sản xuất máy bay áp dụng cắt giảm chi phí bay là giảm chi phí năng lượng, tức là tìm cách để máy bay tiêu hao ít xăng hơn. Với mục đích này, các nhà sản xuất sử dụng ngày càng nhiều titan để tạo ra một mẫu máy bay tiết kiệm xăng.
Titan có tỷ lệ trọng lượng trên độ cứng ở mức rất tốt, khiến cho đây trở thành vật liệu tốt nhất để làm máy bay, đặc biệt là động cơ, khung và một vài linh kiện cơ khí khác. Hợp kim titan nhẹ hơn nhiều kim loại khác nhưng vẫn có sức bền cao, chịu được nhiệt độ cao và chống chịu ăn mòn tốt khi tiếp xúc với CFRP.
Đặc tính nhẹ và cứng khiến các nhà sản xuất sử dụng ngày một nhiều hơn titan để làm động cơ máy bay. Máy bay trang bị động cơ có nhiều thành phần bằng titan thường có hiệu suất tốt hơn so với các loại máy bay sử dụng các loại hợp kim khác.
Cùng với đó, hợp kim titan cũng có thể chống chịu được điều kiện nhiệt độ rất khắc nghiệt mà động cơ máy bay ngày nay cần phải trải qua.
Tuy nhiên, việc chế tạo ra hợp kim titan không phải là việc đơn giản. Khi nung nóng, titan sẽ phản ứng rất dữ dội với oxy. Tính chất này của titan cộng với sự phổ biến của oxy trong không khí khiến cho việc sản xuất titan không đơn giản.