Theo báo cáo đầu tháng 11 của Bộ Tài chính về số thu ngân sách từ tháng 01 – 10/2022, số thu thuế TNCN đã vượt 118,1% dự toán ngân sách . Như vậy, dự toán cả năm 2022, thuế TNCN là 118.075 tỷ đồng, nhưng chỉ 10 tháng đầu năm đã thu vượt 21.371 tỷ đồng, lên 139.446 tỷ đồng.
Đây là số thu thuế cao nhất từ 10 năm trở lại đây, đồng thời tăng gấp 3 lần so với số thu năm 2013 (thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng) và tăng hơn 30.000 tỷ đồng sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế, xét trên tổng thu nội địa, thuế TNCN đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa, chiếm hơn 12,3%. Lũy kế 10 tháng đầu năm, số thu nội địa đạt 1,157 triệu tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tốc độ tăng thu thuế TNCN ngày càng cao qua các năm, đặc biệt, trong 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề (2021 và 2022), số thu của sắc thuế này vẫn liên tục ghi nhận những mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Theo các chuyên gia, sắc thuế này ngày càng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, trước năm 2000, thuế này chỉ chiếm khoảng 0,5 - 1,5% tổng thu ngân sách Nhà nước nhưng nay đã lên hơn 12%. Đáng nói, số thu tăng lên một phần đến từ những bất cập của Luật Thuế TNCN còn tồn tại, từ ngưỡng thuế với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, thuế với thu nhập vãng lai...
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, từ khoảng 5 năm trở lại đây, Luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều bất cập nhưng chưa được đề cập sửa một cách thấu đáo nên càng gây thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Trong 3 năm qua, hết dịch COVID-19 bùng phát đến giá cả hàng hóa gia tăng, đã ảnh hưởng đến cuộc sống người nộp thuế rất nhiều.
Chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp giải quyết những bất cập về thuế TNCN để người nộp thuế được giảm bớt gánh nặng - Ảnh minh họa: NLĐ
Từ thực tế đã nêu, theo ông Tú, trong bối cảnh cuối năm nay và sang năm 2023 được đánh giá tình hình kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn thì Nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ người nộp thuế. Đồng thời, để đảm bảo công bằng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác được hỗ trợ về chính sách thuế, ông Tú kiến nghị, có 2 giải pháp hỗ trợ có thể làm nhanh bao gồm:
Thứ nhất, hoàn lại số tiền thuế mà người nộp thuế đã đóng hoặc giảm 50% số thuế trong thời gian 6 - 12 tháng. Giải pháp hoàn thuế có thể sẽ gặp khó khăn khi ngân sách nhà nước eo hẹp nhưng giảm thuế có thể thực hiện được ngay.
Thứ hai, tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 lên 20 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc tăng từ 4,4 lên 10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tính chung từ tháng 01 – 10/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,643 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng chỉ đạt 83,2% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Và để vực dậy nhu cầu tiêu dùng trong nước, không ít ý kiến cũng cho rằng, cần giảm thuế TNCN để người nộp thuế có thêm thu nhập kích cầu nội địa. Từ đó tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bất cập liên quan đến thuế TNCN không phải câu chuyện mới mà đã và đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay, khi các quy định liên quan đến mức thu nhập phải đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh được cho đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Thông tin với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI đặt vấn đề, một người lao động hiện nay thu nhập 5 triệu đồng/tháng sống đủ không? Nếu cứ nói “sống được” thì người có 1 triệu đồng cũng sống, nhưng đây là “sống lây lất”.
“Học phí, viện phí và rất nhiều loại chi phí trong 10 năm trước đến nay đã tăng gấp nhiều lần. Không ai hiểu vì sao quy định mức giảm trừ gia cảnh dành cho người lao động là 11 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng? Rồi quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền, trong khi Chính phủ chia lương tối thiểu của người lao động thành 4 vùng khác nhau với mức chênh lệch khá đáng kể”, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển. Vì vậy, Chính phủ phải xem xét thay đổi toàn diện quy định liên quan về thuế TNCN.
Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh phải được dựa vào mức sống tối thiểu của người dân. Trong đó, các cơ quan thống kê sẽ tính toán gồm các chi phí tối thiểu từ học hành, khám chữa bệnh hay nhu cầu ăn mặc, hay nói chung là một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn.
“Khi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng lên thì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải tăng lên bằng 50 - 70% mức giảm trừ của người nộp thuế, chứ theo tỷ lệ 40% như hiện nay là quá thấp”, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.