Ukraine sắp cạn kiệt tên lửa phòng không
Nga đã sử dụng hàng trăm tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào mạng lưới điện của Ukraine kể từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, trong khi Ukraine vẫn cố gắng duy trì hoạt động của ngành năng lượng, năng lực phòng không của nước này đã dần cạn kiệt nghiêm trọng.
Hiện tại, Kiev cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ các đồng minh phương Tây để ngăn chặn các cuộc tấn công từ trên không của Moscow, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine sắp tiến hành phản công vào mùa xuân.
"Nếu hệ thống phòng không của Ukraine bị suy giảm đến mức không còn khả năng tham chiến, máy bay chiến đấu của Nga có thể sẽ quay trở lại không phận Ukraine. Điều này khá nguy hiểm bởi những bước tiến của Ukraine trong cuộc xung đột cho đến nay là nhờ vào lực lượng phòng không", Ian Williams, Phó Giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa của CSIS, cho biết.
Theo tạp chí TIME của Mỹ, nếu máy bay chiến đấu của Nga chiếm ưu thế trong không phận Ukraine, rất nhiều thứ sẽ bị đe dọa. Ukraine sẽ không chỉ đối mặt với khó khăn hơn trong việc phát động các chiến dịch tấn công và phòng thủ trên bộ, mà quân đội nước này sẽ gặp trở ngại khi di chuyển binh sĩ, tiếp tế, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.
Đại tá Yuriy Ignat, Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết, Ukraine đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ không phận của mình và cần sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây.
"Nếu chúng ta thua trong trận chiến bầu trời, hậu quả đối với Ukraine sẽ rất nghiêm trọng", Wall Street Journal dẫn lời ông Ignat.
Theo chuyên gia Williams, trong cuộc xung đột, Ukraine đã sử dụng nhiều vũ khí phòng không từ phương Tây. Lực lượng phòng không Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa Buk và S-300 do Liên Xô sản xuất để đánh chặn các tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, theo một trong những tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, các tên lửa cho hệ thống Buk và S-300 dự kiến sẽ cạn kiệt vào ngày 3/5, khiến phần lớn không phận của Ukraine không được bảo vệ. Ước tính dựa trên tỷ lệ sử dụng vũ khí của Ukraine tại thời điểm tài liệu ghi nhận vào cuối tháng 2.
"Ukraine có hàng trăm bệ phóng tên lửa và hàng nghìn tên lửa đánh chặn. Đó là những vũ khí từ thời Liên Xô vẫn hoạt động. Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Nga đã không phá hủy được hầu hết những thứ đó", ông Williams nói.
Khi xung đột vừa nổ ra, máy bay của Nga đã tiến vào sâu hơn lãnh thổ Ukraine để thả bom nhưng đã bị lực lượng Kiev chống trả quyết liệt. Trong vài tháng đầu tiên của cuộc xung đột, lực lượng không quân Nga phần lớn lựa chọn các tên lửa hành trình tầm xa để đối phó với Buk và S-300 từ Ukraine.
"Nếu các kho vũ khí dự trữ của Ukraine cạn kiệt nghiêm trọng, điều đó sẽ tạo cơ hội cho máy bay Nga hoạt động tự do nhiều hơn ở khu vực tiền tuyến", Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại nhóm khoa học quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, cảnh báo.
"Mạng lưới phòng không của Ukraine vẫn là mạng lưới chủ yếu bao gồm các thiết bị do Liên Xô sản xuất cùng với một số loại bổ sung của phương Tây".
Hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS. Ảnh: Raytheon
Phương Tây có thể giúp gì cho Ukraine?
Trong hơn 1 năm nổ ra xung đột, Ukraine đã nhận được các hệ thống phòng thủ do phương Tây sản xuất, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) của Mỹ và các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T của Đức.
Vào cuối tháng 3, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder thông báo Mỹ đã hoàn thành khóa huấn luyện 65 quân nhân Ukraine sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Đây được coi là hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến nhất của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden đã cho phép triển khai một khẩu đội tên lửa Patriot tới Ukraine vào tháng 12/2022. Ukraine cũng đang lên kế hoạch nhận hê thống Patriot từ Đức.
Ông Williams cho rằng, mục tiêu dài hạn của Ukraine là các nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cuối cùng có thể thay thế các hệ thống của Liên Xô khi kho vũ khí cạn kiệt.
Tuy nhiên, nhà phân tích Kaushal đánh giá rằng, “mặc dù các hệ thống do phương Tây sản xuất có thể giúp Ukraine duy trì khả năng phòng không mạnh mẽ, nhưng những hệ thống này tương đối hạn chế về số lượng và có gánh nặng huấn luyện đáng kể”.
Một giải pháp thay thế là các đồng minh phương Tây tiếp cận với các quốc gia vận hành các biến thể của hệ thống Nga để thử nghiệm và mua máy bay và bán lại cho Ukraine. Tên lửa đánh chặn của phương Tây không tương thích với hệ thống tên lửa S-300 và Buk.
Theo TIME, đây là điều mà các đồng minh của Ukraine đã thử thực hiện. “Các đồng minh đang cố gắng bổ sung các hệ thống đó cũng như tìm kiếm ở nhiều quốc gia để có được thiết bị đánh chặn tương thích nhằm cung cấp cho Ukraine.
Một phương án khác để giúp Ukraine bảo vệ không phận của mình là cung cấp cho nước này máy bay chiến đấu F-16, điều mà Tổng thống Biden đã bác bỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Washington nên giữ máy bay chiến đấu này trong nước.
“Việc gửi tiêm kích F-16 sẽ giúp ích rất nhiều cho Ukraine. F-16 có thể là sát thủ đối với tên lửa hành trình từ Nga, nhưng việc vận hành chúng có thể mang lại những thách thức riêng vì đòi hỏi phải được bảo dưỡng và huấn luyện đặc biệt”, ông Williams nói.
Dù thứ Ukraine thật sự mong muốn là tiêm kích F-16, Ba Lan và Slovakia hồi tháng 3 tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu MiG-29, trở thành 2 thành viên NATO đầu tiên gửi máy bay chiến đấu cho Kiev.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã sẵn sàng hơn để giúp Ukraine bổ sung kho vũ khí đánh chặn trước một cuộc phản công tiềm năng của Kiev vào mùa xuân. Vào tuần trước, Nhà Trắng cho biết sẽ gửi thêm cho Ukraine máy bay đánh chặn và đạn dược như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 2,6 tỷ USD.