Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng có cơ sở.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm chiều ngày 28/3/2020 đã có 174 ca dương tính, cùng với mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, vì thế, cả hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội dành mọi ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh là việc hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho tất cả hoạt động thường nhật của người dân và doanh nghiệp đều đảo lộn.
Để hạn chế những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có gói tín dụng 250.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và đồng hành nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp nhưng gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng là tổng số tiền mà các ngân hàng thương mại cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5-1,5%/năm) so với tín dụng thông thường với mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Một điểm cần lưu ý là nguồn vốn của các gói hỗ trợ nói trên không phải từ ngân sách nhà nước, mà là từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại, nên ngân hàng thương mại vẫn phải đảm đảm nguyên tắc an toàn – khả thi – sinh lời cho mỗi đồng vốn cho vay ra.
Do đó, không được phép hiểu rằng các khoản vay từ gói hỗ trợ này sẽ là cách khoản vay ưu đãi từ Chính phủ nên sẽ không phải tuân theo các điều kiện vay vốn và quy trình thẩm định của ngân hàng thương mại, mà từng khoản vay đều có trách nhiệm hoàn trả như các khoản vay thông thường và phải tuân thủ mọi quy định về cho vay của ngân hàng như đầy đủ hồ sơ vay vốn, khách hàng vay có năng lực tài chính và thậm chí là tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Theo báo cáo của CIC, hiện cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp thì hơn 773.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được tín dụng chính thức, chiếm tới 73,4% tổng số doanh nghiệp.
Trong đó, hơn 30% DNNVV không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 30% DN khác cho biết, rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Gần 70% DNNVV còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. Nhóm doanh nghiệp này được đánh giá nếu dịch bệnh tiếp tục trong 6 tháng nữa thì 70% sẽ phá sản.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ người nghèo của chúng ta ngày càng nghèo đi, đa số trong số họ khi có nhu cầu vay vốn thường sẽ tìm đến những kênh phi chính thức như vay mượn từ người thân hay bạn bè, vay mượn từ hụi/họ/biêu/phường, và vay từ tín dụng đen.
Trước những gì mà dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cho xã hội, trong thời đại dịch, đặc biệt là thời hậu dịch, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp và cá nhân chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng để phục hồi cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Vậy với với những cá nhân và doanh nghiệp dưới chuẩn, những người gặp khó khăn trong đời sống và kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 nhưng họ không đủ tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính… thì điều gì sẽ xảy ra với họ?
Chúng ta không thể yêu cầu các ngân hàng thương mại phục vụ đoạn thị trường khách hàng dưới chuẩn vì mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại là lợi nhuận, cùng với đó nguồn vốn của ngân hàng thương mại chủ yếu đến từ tiền gửi nên an toàn vốn vay là điều kiện quan trọng trong hoạt động của ngân hàng thương mại.
Từ đó, rất cần thiết và cấp thiết phải có những kế hoạch ngay từ bây giờ để bảo đảm đủ vốn giúp người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi cuộc sống và hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh, nếu không, nạn tính dụng đen sẽ bủa vây người dân thời hậu dịch.
Tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao khả năng tiếp cận vốn với những người không đủ năng lực tiếp cận với những nguồn vốn chính thức, những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng bao gồm:
Với cá nhân
Thứ nhất, Ngân hàng chính sách xã hội, với hệ thống mạng lưới bao phủ đủ 63 tỉnh thành, 11 nghìn điểm giao dịch xã và 192 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp trong trường hợp này nên là đầu tàu phụ trách việc xác định nhu cầu và tiến hành cung cấp vốn vay cho người nghèo, các hộ kinh doanh và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, mà không thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng thương mại.
Ngân hàng chính sách xã hội cần được Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước mau chóng giao nhiệm vụ cụ thể trong việc: i) tiến hành khảo sát nhằm xác định chính xác quy mô nhu cầu vốn của những cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh bởi dịch bệnh; ii) lên kế hoạch chi tiết và lập các phương án sử dụng vốn cụ thể theo từng nhóm mục đích sử dụng vốn, theo từng nhóm thời hạn vay vốn; iii) Xác định rõ những đối tượng và quy mô cần "trợ giá" và "trợ cấp".
Thứ hai, tận dụng lợi thế của Hụi/họ/biêu/phường. Đây là hình thức vay vốn, tiết kiệm xuất phát từ văn hóa làng xã, thực chất không xấu, bởi đây như hình thức tiết kiệm, nhiều người cùng góp tiền để hỗ trợ một người vào một thời điểm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế thực hiện và kiểm soát đối với những người tham gia để duy trì cho được ý nghĩa đó.
Do vậy, tuân thủ nghiêm nghặt các quy định Nghị định 19/2019/NĐ-CP đồng thời các cơ quan chính quyền cấp xã/phường giám sát và quản lý chặt chẽ để bảo đảm hoạt động này đúng nguyên tắc và pháp luật thì đây là giải pháp hữu hiệu giúp cung vốn hiệu quả để người dân vượt qua khó khăn.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động từ Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là tổ chức tín dụng hoạt động nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Hệ thống hơn 1200 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở khắp cả nước với đặc thù huy động tại chỗ, cho vay tại chỗ, kiểm tra, giám sát, quản lý tại chỗ, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở sẽ là đầu mối nắm rõ được hiện trạng của từng người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động.
Do đó, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thì đây sẽ là công cụ giúp người dân tránh phải tín dụng đen trong thời kỳ hậu dịch.
Với doanh nhiệp
Thứ nhất, Thuế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hai đơn vị nắm được hiện trạng kinh doanh của doanh nghiệp rõ nét nhất; đặc biệt ở cấp cơ sở của hai cơ quan này thường hiểu rất rõ tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn.
Do đó, Chính Phủ nên sớm chỉ đạo hai cơ quan lập báo cáo cụ thể về những doanh nghiệp dưới chuẩn gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Từ đó, có những phương án xử lý cụ thể như lên danh sách những khách hàng cần khoanh nợ/xóa nợ.
Với những khách hàng cần xóa nợ, là những khách hàng không thể phục hồi, cần lập kế hoạch và phương án sử dụng nguồn vốn cụ thể để xóa nợ cho những khách hàng này.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ để Quỹ này bảo lãnh với những doanh nghiệp được đánh giá có thể phục hồi sau dịch nếu tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Để làm được điều này, trước mắt tất cả các tỉnh cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức và cơ cấu hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh mình, nhanh chóng hoàn thành cấp vốn điều lệ đủ tối thiểu 100 tỷ cho Quỹ để Quỹ có năng lực tài chính hoạt động.
Sau khi các doanh nghiệp được bảo lãnh nhận được vốn vay từ ngân hàng thương mại, thì Quỹ nên phối hợp với Ngân hàng nhà nước cấp tỉnh để đề xuất các phương án miễn giảm, lãi hoặc các phương án hỗ trợ lãi suất để bảo đảm chi phí vay vốn không trở thành gánh nặng với nhóm doanh nghiệp vốn đã rất mỏng về vốn và non về năng lực này.