Cần thực hiện hiệu quả chế độ tiền lương, nhà ở với sĩ quan quân đội

Quỳnh Trang/VOV.VN |

Có ý kiến đề nghị tập trung giải quyết tốt vấn đề chính sách, trong đó cụ thể hóa triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ về tiền lương, nhà ở, phụ cấp nhà ở đối với sĩ quan.

Tại Hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 10/6, có nhiều ý kiến, tham luận đề xuất, kiến nghị cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của luật hiện hành và một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay.

Thực hiện hiệu quả các chế độ về tiền lương, nhà ở, phụ cấp

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo tổng kết và cho biết, luật hiện hành quan ra đời vào năm 1999, qua 2 lần sửa đổi có thể thấy rằng luật sĩ quan có nhiều tác động lớn đến đội ngũ cán bộ, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Cần thực hiện hiệu quả chế độ tiền lương, nhà ở với sĩ quan quân đội- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, lực lượng quân đội có nhiều nhiệm vụ vất vả, làm việc 24/24, lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo thống kê, có 85% cán bộ chiến sĩ trong quân đội ở vùng sâu vùng xa, rừng núi, biên giới và hải đảo. Từ thống kê này cho thấy bộ đội rất vất vả, đặc biệt lực lượng biên phòng các tỉnh biên giới. Thế nhưng lực lượng lao động đặc biệt này lại không được hưởng chế độ đặc biệt.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 cũng cho rằng, chính sách nhà ở, đất ở, việc làm đối với thân nhân sĩ quan tuy đã được quy định trong luật và đã được quan tâm nhưng đa số sĩ quan còn rất khó khăn, lương không đủ điều kiện mua nhà (tại quân khu 7, sĩ quan đã lập gia đình hiện còn đang ở cùng cha mẹ chiếm 34,5%, đang ở nhà thuê 7,8%).

Trung tướng Trần Hoài Trung chia sẻ, phần lớn sĩ quan lương không đủ lo cho gia đình, thậm chí phải dừng cả việc nghỉ phép năm để thực hiện nhiệm vụ, trong khi người lao động nếu làm trong ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết sẽ được hưởng 200-300% lương theo quy định.

Từ những vấn đề nêu trên, Trung tướng Trần Hoài Trung kiến nghị cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về sĩ quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sĩ quan Công an nhân dân, có tính đến yếu tố đặc biệt của quân đội.

Tập trung giải quyết tốt vấn đề chính sách, trong đó cụ thể hóa triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ về tiền lương, nhà ở, phụ cấp nhà ở đối với sĩ quan, bảo đảm sĩ quan có mức sống ngày càng cao hơn mức sống trung bình của xã hội.

Ông cũng đề nghị giải quyết tốt mối quan hệ giữa yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cán bộ hiện nay với không để lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao đã đào tạo, nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan cấp úy, thiếu tá và trung tá theo hướng bảo đảm thời gian công tác đủ 35 năm hoặc đề nghị điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội đối với quân đội; bảo đảm sĩ quan khi nghỉ hưu được hưởng đủ 75% lương hưu.

Sĩ quan mong muốn được hưởng phụ cấp chức vụ tương xứng với vị trí công tác và nếu được hưởng phụ cấp chức vụ thì phải tính đến các chức danh tương đương cụ thể.

Đồng thời, sĩ quan cấp tướng đã được nâng lương và cấp tá, cấp úy đã được nâng lần 2, chất lượng công tác tốt, đủ điều kiện thì tiếp tục được nâng lương đến khi hết tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm.

Cần thực hiện hiệu quả chế độ tiền lương, nhà ở với sĩ quan quân đội- Ảnh 2.

Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong khi đó, Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, cần thực hiện đúng, đủ, chu đáo, dân chủ, công khai các chế độ, tiêu chuẩn cho đội ngũ sĩ quan; có chính sách ưu tiên (đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ...) đối với sĩ quan có thành tích tốt trong học tập, công tác.

Cùng với đó thường xuyên chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, đề xuất giải quyết chế độ nhà ở, đất ở, tạo động lực để đội ngũ sĩ quan yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị và quân đội.

Xem xét nâng lương vượt khung (như quân nhân chuyên nghiệp) đối với sĩ quan khi đã được thăng quân hàm trần quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ trở lên, chưa hết tuổi phục vụ tại ngũ sau khi được nâng lương lần 2, mỗi năm sẽ được nâng lương vượt khung là 1%.

Đề xuất sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu, tại ngũ

Qua gần 25 năm triển khai thực hiện luật, có thể khẳng định đây là văn kiện đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều những vướng mắc, bất cập.

Trên cơ sở đó, Trung tướng Lê Đức Thái đề nghị sớm đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số điều của luật để đảm bảo thống nhất với Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản pháp luật hiện hành và khắc phục các bất cập, vướng mắc đã được chỉ ra.

Đề nghị sửa đổi Thông tư số 160/2017/TT-BQP ngày 4/7/2017 của Bộ Quốc phòng theo hướng bổ sung quy định về chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó trong Bộ đội Biên phòng và một số đơn vị trong toàn quân.

Đồng thời nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ được quy định tại Điều 13, luật,  trước mắt đối với Cấp úy để bảo đảm thống nhất với Luật Quân nhân chuyên nghiệp.

Trung tướng Lê Đức Thái cũng đề nghị nghiên cứu tuổi nghỉ hưu ở khối cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch, ở các học viện nhà trường quân đội, các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện với khối các đơn vị để hạn chế lãng phí nguồn lực.

Cần thực hiện hiệu quả chế độ tiền lương, nhà ở với sĩ quan quân đội- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham gia tham luận, Trung tướng Trần Ngọc Quyến, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, với đặc thù của đơn vị kỹ thuật, đội ngũ sĩ quan của Quân chủng rất đa dạng về chuyên ngành, có nhiều chuyên ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm công tác như kỹ sư, bác sĩ, phi công hoặc một số chuyên ngành các trường quân đội chưa đào tạo được như khí tượng, hóa dầu... nếu nghỉ hưu như luật hiện hành sẽ rất thiệt thòi cho cán bộ và lãng phí nguồn nhân lực.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 chia sẻ, ở Quân đoàn 12, số sĩ quan có quân hàm thiếu tá, trung tá chiếm tỉ lệ hơn 40%, hằng năm, số sĩ quan này nghỉ chiếm tỷ lệ hơn 60% số cán bộ nghỉ hưu trong toàn quân đoàn. Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng đề nghị sửa đổi luật để bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho sĩ quan khi nghỉ hưu.

Các tham luận đều thống nhất, tin tưởng nếu như sửa đổi những điều luật này sẽ thu hút được nguồn nhân lực cao, chất lượng tốt, cán bộ chiến sĩ sẽ yên tâm công tác hơn, đảm bảo xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại