Cần thêm 6.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Luân Dũng |

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cho sân bay Long Thành giai đoạn từ nay đến năm 2020 còn thiếu 6.000 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Số tiền này sẽ được chuyển nguồn từ các dự án không triển khai.

Chiều 2/10, Uỷ ban Kinh tế phối hợp với Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, sau gần 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công đã mang lại nhiều kết quả nhất định, đáng chú ý là việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn, việc rà soát, thẩm định dự án được chú trọng hơn...

Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây là luật mới, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích và trách nhiệm của tất cả các bộ ngành, địa phương nên khó tránh khỏi những vướng mắc cần hoàn thiện và được phân thành 11 nhóm vấn đề.

Điển hình như việc phân loại dự án đầu tư; tiêu chí phân loại dự án nhóm A; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư PPP...

Tại buổi làm việc, các đại biểu quốc hội đã đề cập đến nguồn vốn phục vụ cho công tác GPMB dự án sân bay Long Thành.

Lý giải về việc này, Bộ trưởng Dũng cho biết, con số 5.000 tỷ đồng phục vụ cho GPMB sân bay Long Thành chỉ là mức dự kiến, tạm xác định con số ban đầu.

Chính bởi vậy mà chưa thể xác định ngay nguồn cho sân bay Long Thành bao nhiêu. Hiện tỉnh Đồng Nai đã lập báo cáo, lại dự kiến 23 nghìn tỷ phục vụ GPMB cho sân bay Long Thành. Trong kế hoạch trung hạn chưa có nguồn bổ sung cho con số này.

Theo dự kiến đến năm 2020 cần khoảng 11 nghìn tỷ GPMB. Như vậy nếu dự án được phê duyệt thì còn thiếu 6 nghìn tỷ từ nay đến 2020.

Bộ trưởng Dũng cho biết, sẽ xem xét chuyển nguồn từ các dự án không triển khai để có 6 nghìn tỷ cho GPMB Sân bay Long Thành.

Theo ông Dũng, nguyên nhân giải ngân chậm có nhiều, gồm cả chủ quan và khách quan. Ví dụ, ra vốn xong mới bắt đầu dự án, mất rất nhiều thời gian, rồi làm đấu thầu, GPMB đều rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

Mà những cái đó không thể làm tắt, làm ngay, làm trước được, phải có quyết định chắc chắn mới có căn cứ, cơ sở để làm dự án, còn ban đầu chỉ là khái toán.

Bộ trưởng Dũng cho biết, việc giải ngân nhanh hơn thường rơi vào giai đoạn cuối, còn giai đoạn đầu năm tỷ lệ giải ngân rất thấp. Theo ông Dũng, trong 9 tháng đầu năm 2016 và 2017, mức độ giải ngân chỉ đạt 51%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại