Cần thay đổi tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư

Yến Anh |

GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước, khẳng định năm 2017, số ứng viên được công nhận GS, PGS tăng vọt và cần thay đổi các quy định về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

* Phóng viên: Vì sao số giáo sư ( GS ), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017 lại tăng đột biến (tăng 1,7 lần) so với năm trước, thưa GS?

- GS Trần Văn Nhung: Năm 2017, chúng tôi chờ đợi văn bản mới thay thế văn bản cũ (Quyết định 174 và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS - PV).

Tuy nhiên, văn bản mới cần tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau nên đến nay vẫn chưa được ban hành.

Vì vậy, thời điểm thông báo kế hoạch triển khai xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS bắt đầu vào tháng 7, trong khi những năm trước vào tháng 1.

Thời gian nhận hồ sơ muộn hơn nên kết thúc nhận hồ sơ cũng trễ hơn mọi năm khoảng 6 tháng (đầu tháng 11 so với cuối tháng 5 các năm trước).

Thời gian nhận hồ sơ kéo dài hơn nửa năm nên so với năm 2016, số ứng viên nộp hồ sơ để xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 tăng mạnh. Tổng số ứng viên nộp hồ sơ là 1.537 (151 ứng viên GS và 1.386 ứng viên PGS).

Sau khi xem xét ở 3 cấp Hội đồng Chức danh GS cơ sở, hội đồng ngành, liên ngành và hội đồng nhà nước, đã có 1.226/1.537 (79,76%) ứng viên đạt tiêu chuẩn.

Trong đó, ứng viên GS là 85/151 (56,29%), ứng viên PGS là 1.141/1.386 (82,32%). So với năm 2016, tổng số GS, PGS được công nhận năm 2017 tăng 1,7 lần.

* Còn rất nhiều ứng viên chức danh GS lẫn PGS đều không có bài báo công bố quốc tế. Ông nghĩ sao về ý kiến nghi ngờ chất lượng của nhiều ứng viên GS, PGS?

- Khi đánh giá thành tích của các ứng viên GS, PGS, chúng tôi xem trọng cả 3 khía cạnh: nghiên cứu khoa học, đào tạo và đóng góp xã hội.

Các GS/PGS ngoài việc nghiên cứu khoa học (để có các công bố quốc tế ISI/Scopus) còn phải đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực.

Điều này thể hiện qua viết sách, giáo trình, xây dựng chương trình, hướng dẫn nghiên cứu sinh, cao học, thâm niên giảng dạy… và những đóng góp của họ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Quy định hiện hành chưa yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS phải có bài báo quốc tế ISI, Scopus. Tuy nhiên, Hội đồng Chức danh GS nhà nước luôn khuyến khích các công bố quốc tế.

Thực tế, các ứng viên các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ đã có nhiều công bố quốc tế giá trị.

Trong quá trình xem xét hồ sơ ứng viên, các hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc, từ xét hồ sơ, đánh giá trình độ chuyên môn và khả năng sử dụng ngoại ngữ của ứng viên.

Nhiều hội đồng ngành/liên ngành có số lượng ứng viên đạt chỉ chiếm khoảng 50%-60% số ứng viên do hội đồng cơ sở chuyển lên.

Tỉ lệ ứng viên đạt kết quả qua 3 cấp cho thấy hội đồng các cấp phối hợp rất tốt để nâng cao và bảo đảm mặt bằng chất lượng chung trong cả nước.

Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cử thanh tra bộ đến các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để kiểm tra hồ sơ, quy trình xét của các hội đồng.

* Tiêu chí xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS đang còn nhiều bất cập, cụ thể như tiêu chuẩn của ứng viên PGS thấp hơn chuẩn của tiến sĩ. Đã đến lúc thay đổi các quy định về về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?

- Tôi đồng tình, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những tiêu chí ngày càng cao hơn trong những năm tới.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo Ban Soạn thảo để sớm nhất trong năm 2018 có quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng khoa học của các tân GS, PGS Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.

Nhưng tất nhiên là không gây sốc.

Năm 2017 có 5.316 bài báo được công bố trên ISI và Scopus, tăng 2,1 lần so với năm 2016. Cao nhất là ngành vật lý có 1.177 bài, hóa học - công nghệ thực phẩm 1.027 bài, y học 674 bài, sinh học 597 bài, toán học 265 bài...

Với một số ngành khoa học xã hội và nhân văn, các ứng viên đã có bài báo đăng trên các tạp chí ISI và Scopus, cụ thể kinh tế 102 bài, triết học - xã hội học - chính trị học 14 bài...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại