Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới đây tiếp nhận bệnh nhân M.V.M (61 tuổi) sinh sống tại TP Hạ Long. Theo gia đình cho biết, khoảng 2 ngày trước đó bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, sau sau 1 ngày xuất hiện mệt mỏi, sốt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng.
Ông M. có tiền sử viêm dạ dày, nhập viện trong tình trạng sốc mạch nhanh 124 lần/phút, huyết áp tụt 60/30 mmHg, sốt cao nhiệt độ 38,50C, đau bụng quanh rốn, nổi vân tím toàn thân, rải rác ban xuất huyết hoại tử vùng cẳng chân, lưng và bụng.
Kết quả xét nghiệm lúc vào viện cho thấy bệnh nhân đã suy thận, rối loạn đông máu trầm trọng, có tình trạng nhiễm trùng nặng (Procalcitonin > 100ng/ml), lactate tăng cao, khí máu toan chuyển hóa nặng. Bác sĩ chẩn đoán ông M. bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi do liên cầu lợn.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được bác sĩ xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực: thở máy, bù dịch, điện giải, thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, rối loạn đông máu.
Tuy nhiên khi vào tình trạng đã diễn biến quá nặng nên dù đã tích cực hồi sức nhưng tình trạng sốc, suy đa tạng không cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn bị ban xuất huyết hoại tử rải rác khắp cơ thể
Nhiễm khuẩn do liên cầu lợn ở người là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Bệnh liên cầu lợn nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus Suis) ký sinh ở lợn gây nên.
Khi mắc bệnh diễn biến cấp tính, thời gian điều trị kéo dài và rất tốn kém với nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm màng não mủ… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Hà Mạnh Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh liên cầu lợn lây sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh lợn có mầm bệnh chiếm tới 70%, ngoài ra có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp qua các tổn thương trên da, gồm 3 thể bệnh: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.
Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 – 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người. Triệu chứng có thể nhẹ như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng (số lần ít) dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Bệnh liên cầu lợn diễn biến nhanh với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, cần phối hợp nhiều biện pháp hồi sức tích cực
Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, cứng gáy, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu…
Chi phí điều trị bệnh này tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao.
Bên cạnh đó, bệnh nhân đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau bởi căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không miễn dịch lâu dài.
Bác sĩ Hùng cảnh báo thêm: Hiện trên địa bàn thành phố đã có những trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn nguy kịch do thói quen ăn tiết canh, vì vậy người dân cần phải nâng cao ý thức bản thân, nhất là trong dịp cận Tết.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ lợn không rõ nguồn gốc, nuôi công nghiệp mới có nguy cơ gây bệnh còn lợn gia đình nuôi, lợn mường, lợn cắp nách… là lợn sạch và có thể ăn tiết canh.
Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi mọi giống lợn nuôi ở bất kỳ đâu đều có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Nguyên nhân là do vi khuẩn liên cầu ký sinh ở vùng họng lợn, lợn khỏe sẽ không phát bệnh (lợn lành mang mầm bệnh) và gây bệnh ở những con lợn yếu.
Vậy nên kể cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh thì trong tiết và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn liên cầu gây bệnh, nếu không nấu chín đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Do vậy chúng tôi khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nhất là tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Tuyệt đối không tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết và tiêu hủy chúng theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, quá trình tiếp xúc và chế biến thịt lợn phải sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết, vệ sinh cá nhân và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Khi có những triệu chứng bệnh cảnh báo nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.