Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học

Biên dịch/tổng hợp: Nguyễn Thụy Yến Nhi, Quách Chí Hùng, TS. Nguyễn Quốc Thục Phương |

Bài viết dưới đây được tổng hợp từ các kiến thức khoa học mới nhất về cần sa, để giúp bạn có chọn lựa hợp lý nhất.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 1.

Cần sa tốt hay xấu? Nhiều năm nay, hai phe ủng hộ và phản đối cần sa vẫn tranh cãi bất phân thắng bại. Bên nào cũng có cơ sở về lý thuyết và thực chứng cho quan điểm của mình. Nhất là từ khi một số nước hợp pháp hóa cần sa thì việc tranh cãi này càng gay gắt hơn nữa.

Bài viết dưới đây được tổng hợp từ các kiến thức khoa học mới nhất về cần sa, để giúp bạn có chọn lựa hợp lý nhất.

Tình hình sử dụng cần sa đang tăng mạnh

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), con người đã sử dụng cần sa (marijuana/cannabis) trong điều trị nhiều loại bệnh từ ít nhất 3.000 năm trước. Đến tháng 6/2018, cannabidiol (một hợp chất được tinh chế từ cần sa) đã chính thức được duyệt để dùng điều trị một số loại động kinh.

Thế nhưng đến nay, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa cho phép dùng cần sa (cây chưa tinh chế) trong điều trị bệnh. Tại Việt Nam, cần sa hiện vẫn được xem là một loại ma túy bị cấm sử dụng.

Gần đây, vấn đề hợp pháp hóa cần sa đang được bên ủng hộ đẩy mạnh. Kết quả là hai mươi chín tiểu bang cùng thủ đô Washington của Mỹ hiện đã cho phép dùng cần sa với mục đích y tế và một số ít tiểu bang khác đã cho phép dùng với mục đích giải trí.

Hiển nhiên, cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ và chống đối cũng vì vậy mà trở nên căng thẳng hơn. Bên ủng hộ có niềm tin rằng cần sa là một phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều loại bệnh dựa vào lịch sử sử dụng lâu dài của nó, trong khi bên chống đối lo ngại rằng ảnh hưởng của cần sa đến sức khỏe vẫn còn chưa được hiểu rõ.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Addiction cho thấy tình hình sử dụng cần sa đang tăng mạnh trên khắp nước Mỹ, và có ý kiến cho rằng sự gia tăng này không liên quan đến chuyện cần sa được hợp thức hóa.

Dù nguyên nhân là thế nào đi nữa, tình trạng sử dụng cần sa bất hợp pháp đã và đang làm dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe cộng đồng.

Những lợi ích y tế của cần sa

Qua nhiều năm, có không ít các nghiên cứu cho thấy khi được sử dụng hợp lý và có kiểm soát thì cần sa có thể có lợi trong điều trị một số bệnh.

Đau mãn tính

Năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ đã đánh giá hơn 10.000 nghiên cứu khoa học về lợi ích y tế và tác dụng phụ của cần sa.

Kết quả cho thấy cần sa hoặc các sản phẩm có chứa cannabinoid – hợp chất hoạt tính có trong cần sa có hiệu quả giảm đau mạn tính.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 2.

Vài hợp chất chiết xuất từ cần sa được sử dụng trong y tế có thể làm giảm cơn đau mạn tính. Nguồn: Coveteur.

Đau mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây ra mất khả năng vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động, tâm lý, tình cảm của gần 31%% cư dân tại TP HCM theo một khảo sát được thực hiện năm 2012-2013. Nhóm bị đau mạn tính cao nhất là phụ nữ, người cao tuổi, người thất nghiệp, hưu trí, người có trình độ học vấn thấp, thu nhập thấp, phụ nữ đông con.

Nghiện rượu và nghiện ma tuý

Năm ngoái, tạp chí Clinical Psychology Review đã công bố một đánh giá toàn diện khác cho thấy cần sa có thể giúp những người nghiện rượu hoặc opioid (nhóm thuốc giảm đau có thể gây nghiện, bao gồm cả morphine) chống lại cơn nghiện của họ.

Thế nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi chung quanh kết luận này. Ví dụ, kết quả từ phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy việc sử dụng cần sa lại làm tăng nguy cơ lạm dụng và khiến người dùng trở nên phụ thuộc vào các hợp chất gây nghiện khác.

Ngoài ra, sử dụng cần sa nhiều có thể dẫn đến các hệ quả khác trong cuộc sống, đặc biệt là với người còn trẻ sớm dính vào cần sa.

Trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và lo âu xã hội

Các tác giả của bài đánh giá trên tạp chí Clinical Psychology Review nói trên đã tìm thấy một số bằng chứng ủng hộ việc sử dụng cần sa để giảm trầm cảm và các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Tuy nhiên, với một số tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn lưỡng cực và rối loạn tâm thần thì cần sa không phải là phương pháp điều trị thích hợp.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 3.

Không ít người tìm đến cần sa để giải tỏa sự buồn bã hoặc trầm cảm và cảm thấy tinh thần phấn khởi trong ngắn hạn, tuy nhiên sau đó hầu như họ đều bị phụ thuộc vào cần sa. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ rằng sử dụng cần sa thường xuyên có thể làm tăng chứng lo âu xã hội. Nguồn: thegreenfund.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy cần sa có thể làm giảm các triệu chứng của chứng lo âu xã hội (cảm thấy sợ hãi khi bị nhiều người chú ý hoặc lo ngại bị phê bình). Nhưng một lần nữa, điều này lại trái ngược với đánh giá của Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ, vì họ phát hiện những người sử dụng cần sa thường xuyên có thể tăng nguy cơ bị chứng lo âu xã hội.

Bệnh ung thư

Theo tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ, có bằng chứng cho thấy cannabinoid đường uống chống lại cảm giác buồn nôn và nôn do hóa trị hiệu quả. Một số nghiên cứu nhỏ khác cho thấy cần sa dạng hút cũng có thể giúp giảm bớt những triệu chứng này.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 4.

Năm 2019, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Rangsit, một trường đại học tư nhân ở Pathum Thani, Thái Lan, đã tiết lộ rằng hai chất chiết xuất từ ​​cần sa có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư phổi ở chuột. Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch chuyển sang thử nghiệm trên người.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu nuôi cấy tế bào ung thư cho thấy cannabinoid có thể làm chậm sự phát triển hoặc tiêu diệt một số loại ung thư. Mặc dù thế, các nghiên cứu ban đầu trên người cho thấy cần sa không có hiệu quả trong việc kiểm soát hoặc chữa khỏi bệnh ung thư.

Bệnh đa xơ cứng

Việc sử dụng cannabinoid đường uống trong thời gian ngắn có thể cải thiện các triệu chứng co cứng ở những người bị bệnh đa xơ cứng, nhưng hiệu quả chỉ rất khiêm tốn.

Động kinh

Vào tháng 6 năm 2018, FDA đã phê duyệt sử dụng một loại thuốc có chứa cannabidiol (CBD) để điều trị hai loại động kinh hiếm gặp, nghiêm trọng và khó kiểm soát: hội chứng Lennox-Gastaut và hội chứng Dravet. Thuốc này tên là Epidiolex, có chứa CBD tinh khiết (CBD là một trong nhiều chất có hoạt tính có trong cần sa và không gây nghiện). Việc phê duyệt sử dụng CBD trong điều trị động kinh được dựa trên các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng được thực hiện nghiêm ngặt, không phải từ những "quan sát" trong dân gian.

Cụ thể, một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 cho thấy trẻ em mắc hội chứng Dravet được cho sử dụng CBD thì ít co giật hơn so với trẻ em sử dụng giả dược.

Trong nghiên cứu này, 120 trẻ em và thanh thiếu niên mắc hội chứng Dravet từ 2 đến 18 tuổi được chỉ định ngẫu nhiên để dùng CBD đường uống hoặc giả dược trong 14 tuần, đồng thời vẫn duy trì thuốc điều trị thông thường của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những đứa trẻ được uống CBD đã giảm từ khoảng 12 cơn co giật xuống trung bình còn 6 cơn co giật mỗi tháng. Đặc biệt, có ba trẻ trong nhóm được điều trị CBD không hề bị co giật.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 5.

Nguồn: dravetsydromenews.

Các cơn co giật do hội chứng Dravet kéo dài, lặp đi lặp lại và có khả năng gây tử vong. Trên thực tế, 1/5 trẻ em mắc hội chứng Dravet không sống đến 20 tuổi. Do vậy, việc giảm co giật là rất quan trọng.

Những trẻ dùng giả dược cũng giảm các cơn co giật, nhưng chỉ giảm nhẹ từ 15 cơn/tháng xuống còn 14 cơn.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc giảm 39% tần suất co giật này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy hợp chất CBD có hiệu quả trong việc điều trị hội chứng Dravet. Đây là những dữ liệu khoa học nghiêm ngặt đầu tiên chứng minh điều này.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy dùng CBD có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Hơn 90% trẻ em được điều trị bằng CBD gặp phải các phản ứng phụ, phổ biến nhất là nôn mửa, mệt mỏi và sốt. Tờ rơi thông tin sản phẩm Epidiolex cũng cảnh báo các tác dụng phụ như tổn thương gan, gây mê và khiến người dùng có ý định tự tử.

Những nguy cơ về sức khỏe của cần sa

Song song với những thông tin về hiệu quả tích cực của cần sa trên một số đối tượng nhất định, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ của việc sử dụng cần sa lên sức khỏe.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần

Sử dụng cần sa hằng ngày sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của người bệnh rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, ở những người không mắc bệnh thì chưa có đủ bằng chứng cho thấy cần sa có thể gây ra bệnh (báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ).

Sử dụng cần sa có khả năng làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần, bao gồm cả tâm thần phân liệt. Có đủ bằng chứng cho thấy những người sử dụng cần sa thường xuyên hay có ý nghĩ tự tử hơn và có nguy cơ trầm cảm tăng nhẹ.

Nhưng một phát hiện đáng chú ý là những người bị tâm thần phân liệt và các chứng loạn thần khác có vẻ làm tốt các bài kiểm tra đánh giá khả năng học tập và trí nhớ hơn nếu từng sử dụng cần sa trong quá khứ.

Ung thư tinh hoàn

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ mắc bệnh đối với hầu hết các bệnh ung thư, nhưng Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã tìm ra những bằng chứng cho thấy cần sa làm tăng nguy cơ bị u tinh bào (seminoma) loại phát triển chậm của ung thư tinh hoàn. U tinh bào (seminoma) là khối u xuất hiện từ tế bào mầm ở tinh hoàn, có thể lành tính hoặc ác tính, nhưng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.

Bệnh hô hấp

Hút cần sa thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho mạn tính. Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu hút cần sa có làm suy giảm chức năng phổi hay tăng nguy cơ mắc bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính hoặc hen suyễn hay không.

Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Current Opinion in Pulmonary Medicine cho thấy hút cần sa có khả năng góp phần gây ung thư phổi, mặc dù dữ liệu nghiên cứu chưa đủ để xác định mối liên hệ này một cách rõ ràng,

Các tác giả của nghiên cứu trên đã kết luận:

"Có bằng chứng rõ ràng cho thấy hút cần sa thường xuyên hoặc đều đặn không phải là vô hại. Cần cẩn trọng khi sử dụng cần sa thường xuyên."

"Việc sử dụng cần sa trong y tế với liều lượng tích lũy thấp không gây hại cho phổi. Nhưng giới hạn liều lượng cần được xác định. Sử dụng cần sa với mục đích giải trí không giống với sử dụng trong y tế, nên không được khuyến khích".

Vậy cần sa tốt hay xấu?

Như đã trình bày bên trên, hiện đã có các bằng chứng chứng minh cả lợi ích lẫn tác hại của cần sa. Tuy nhiên, mặc dù đã có các đánh giá rất toàn diện, cập nhật về các nghiên cứu khoa học trong vài năm qua, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định đầy đủ các tác động của cần sa đến sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh việc sử dụng cần sa ngày càng tăng hiện nay.

Cần sa tốt hay xấu - tranh cãi bất phân thắng bại: Câu trả lời bất ngờ từ nhà khoa học - Ảnh 6.

Nhiều nhà khoa học và cơ quan y tế, bao gồm cả Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), ủng hộ nghiên cứu sâu hơn việc dùng cần sa và cannabinoid trong điều trị y tế.

Nếu tình cờ sống trong nơi cho phép sử dụng cần sa trong y tế một cách hợp pháp, bạn cần phải xem xét và cân nhắc cẩn thận các yếu tố trên đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này. Ví dụ, cần sa có thể giảm đau nhưng nếu có vấn đề sức khỏe tâm thần thì bạn cần tránh xa.

Còn tại Việt Nam hiện nay, cần sa vẫn là chất cấm, tuyệt đối không nên sử dụng.

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

Tài liệu tham khảo:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/320984#What-are-the-medical-benefits-of-marijuana?

https://vaac.gov.vn/can-sa.html

https://hoithankinhhocvietnam.com.vn/co-cau-ty-le-va-cac-yeu-lien-quan-den-dau-man-tinh-tai-thanh-pho-ho-chi-minh/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại