Một số giang hồ mạng: Phúc “XO”, Ngọc “Rambo” đã bị bắt giữ, xử lý.
Ngọc “Rambo” được nhiều cư dân mạng biết đến là một YouTuber có nhiều "video giang hồ" đăng trên YouTube. Và có lẽ chính vì thế, tài khoản YouTube của anh ta có hơn 450.000 người đăng ký theo dõi.
Mỗi khi xuất hiện trên tài khoản riêng của mình, Ngọc “Rambo” thường khoe cơ thể trần trụi với nhiều dây chuyền vàng to cùng nhiều hình xăm… Nhìn hình ảnh của Ngọc “Rambo”, nhiều người lại nhớ đến Trần Ngọc Phúc, tức Phúc “XO” – người cách đây chưa lâu đã bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 12 năm tù vì chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy. Trước khi bị bắt, Phúc “XO” cũng được xem là một “giang hồ mạng” gắn với sự phô trương khi trên cổ, trên tay lúc nào đeo đầy vàng (sau đó, được xác định hầu hết là vàng giả).
Trước câu chuyện của Phúc “XO” là câu chuyện Khá “bảnh” (Bắc Ninh). Khi “Khá “bảnh” bị bắt (sau đó bị Tòa tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù), nhiều cư dân mạng xôn xao bởi đây là một nhân vật mang tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, với số lượt theo dõi trên kênh YouTube riêng gần 2 triệu lượt đăng ký. Một số “giang hồ mạng” khác như Dũng “trọc” (Hà Đông) – bố nuôi của Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng” (Yên Bái) cũng thế…
Qua một số vụ việc liên quan đến “giang hồ mạng”, vấn đề được đặt ra chính là sự lệch lạc về nhận thức trong không ít người trẻ khi cho rằng, những “giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Phúc “XO”,… là thần tượng, có khả năng “truyền cảm hứng”. Từ sự nhận thức lệch lạc này, nhiều người trẻ còn văng tục, chửi thề, hoặc có hành vi thái quá ủng hộ các “thần tượng” của mình. Nguy hiểm hơn khi xu hướng lệch lạc và thứ văn hóa - nhận thức rất đáng lo ngại này có chiều hướng phát triển, gia tăng.
Trong thời đại của thế giới phẳng, thời của công nghệ 4.0, của Internet đã và đang tồn tại thực tế khi mà có những người không có gì nổi trội (theo nghĩa tích cực) lại dễ dàng được nhìn nhận là “người của công chúng”. Và đang có rất nhiều người sở hữu một lượng lớn người theo dõi trên các tài khoản cá nhân của Facebook, YouTube, Instagram.
Không ít phụ huynh ngơ ngác khi được chúng tôi đặt câu hỏi vì sao con em họ lại thần tượng những người như thế? Khi chúng tôi phân tích, nhiều người mới giật mình nhận ra thực tế khi con, em họ lại mất thời gian, trí tuệ để thích, tương tác sự ủng hộ những kẻ thích nổi tiếng bằng… tai tiếng, bằng những trò nhố nhăng, quái dị, “khác người”, thậm chí là vô văn hóa và tất nhiên là không có mục đích giáo dục.
Nhưng trớ trêu thay, trong số hàng triệu lượt người đăng ký theo dõi kênh – tài khoản của những người như thế, lại có con em của họ - những người trẻ. Và chính vì sự nhận thức lệch chuẩn này đã giúp cho các “giang hồ mạng” dễ dàng kiếm được tiền, như Khá “bảnh” thu được từ 350 triệu đồng cho đến 5,5 tỷ đồng/tháng.
So sánh với công sức, mồ hôi của một người lao động nghiêm túc như bạn tôi - một nghiên cứu viên của một Viện, mỗi tháng chị chỉ được trả mức lương 3,5 triệu đồng, tôi lại thấy điều đó như một nghịch lý – nghịch lý chua chát.
Không phải đợi đến thông tin khi lực lượng Công an bắt giữ những “giang hồ mạng” như Ngọc “Rambo”, Phúc “XO”, Khá “bảnh”, dư luận thêm một lần ồ lên, mà từ lâu, người ta đã nhận định được hiện trạng đáng buồn, đáng lo ngại liên quan đến những hành vi lệch lạc văn hóa đầy rẫy trên mạng xã hội.
Tôi vẫn nhớ bà Johana Son, chuyên gia từ Viện Truyền thông Fojo, Thụy Điển, có lần cảnh báo các phương tiện ra đời trong môi trường kỹ thuật số rằng, phải nỗ lực để tránh bị lún sâu vào nền văn hóa tự sướng, cơn nghiện tốc độ, và cơn nghiện câu “like” trên các nền tảng xã hội. Bà nhận định rất đúng khi cho rằng mạng Internet và điện thoại thông minh đã mở ra một thế giới hầu như không có giới hạn về sự kết nối giữa người với người.
Theo “Báo cáo thường niên về hiện trạng số hóa trên toàn cầu”, tại Việt Nam, hiện có gần 69 triệu người dùng Internet (70%) và con số kết nối mạng điện thoại di động vào khoảng 150% dân số. Giờ ai cũng có thể tự tạo nội dung gì đó rồi chia sẻ lên mạng xã hội, với nhiều dụng ý khác nhau. Câu lượt xem, tạo tương tác, để nổi tiếng, để kiếm tiền bây giờ là chuyện không mới và không khó nữa với không ít người.
Ai cũng có thể chia sẻ, hay xuất bản tin tức trong tích tắc. Cơ chế theo đuổi lợi nhuận quảng cáo của các nền tảng công nghệ phổ biến tại Việt Nam hiện nay như Google hay Facebook dễ dàng tạo điều kiện và là mảnh đất màu mỡ cho ai cũng có thể trở thành người sáng tạo hay phát tán thông tin.
Cũng thông qua nền tảng này, không khó để người ta nhận ra một sự lệch lạc, méo mó trong cách tiếp nhận thông tin trên mạng. Đáng lo ngại hơn nữa, nhiều người trẻ hằng ngày phải đọc, xem những video với giá trị giáo dục bị lu mờ hay không có chức năng giải trí lành mạnh. Các video, nội dung nhạy cảm, bạo lực, trò lố, không phù hợp cho sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ngập ngụa trên mạng.
Nhiều người thật sự lo ngại khi nhận ra đây chính là nguyên nhân đẩy nền đạo đức và giáo dục vào vũng lầy tha hóa. Đây cũng là mối quan tâm của cả xã hội, là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh khi mà con em họ học được hay có được những niềm vui trong không gian số thì ít mà lại bị quá nhiều thông tin xấu, độc hại vây quanh. Họ hỗn loạn và sợ hãi nhiều thứ.
Trong môi trường ngồn ngộn biển thông tin hiện nay, không ngạc nhiên khi người ta cảm thấy như bị “ngộp” trước biển thông tin bẩn. Khía cạnh khác, đây không phải là chuyện của giới giang hồ mạng, là mối bận tâm của các bậc phụ huynh có con nhỏ, những thế hệ dành khá nhiều thời gian trên không gian mạng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định mới này của Chính phủ quy định rõ các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay đó chính là ý thức, sự nhận thức của mỗi người. Luật pháp dù có chặt chẽ đến đâu nhưng nếu ý thức không tốt thì vẫn là yếu tố “tiếp sức” cho những “giang hồ mạng” tiếp tục ra đời, tồn tại, ngày đêm tạo ra “rác”, gây ô nhiểm không gian mạng – không gian mà giờ đây và chắc chắc trong tương lai, con người ta dành nhiều thời gian vào đó vì yêu cầu của công việc, nhu cầu cuộc sống.
Câu chuyện phía trước vẫn còn dài. Bài toán vẫn còn khó trong việc tìm ra lời giải. Đi song hành cùng việc thực thi pháp luật, có lẽ vẫn là đạo đức, ý thức và việc nâng cao nhận thức của người dân, nhất là cho người trẻ.
Cần làm gì để góp phần “gạn đục khơi trong” môi trường số ở Việt Nam hiện nay? Nhiều người đặt câu hỏi như thế nhưng vẫn chưa thể có ngay lời giải đáp. Và từng người chúng ta không tự tìm câu trả lời đúng cho mình, những người xung quanh mình, câu hỏi đó chắc vẫn sẽ tiếp tục vang lên trong sự lo lắng mỗi khi thấy màn hình của thiết bị di động, máy tính sáng lên.