Càn Long Hoàng đế và Từ Hy Thái hậu là hai nhân vật nổi tiếng Thanh triều. Danh tiếng của hai đại nhân vật này không chỉ được tạo nên nhờ quyền lực trên vạn người mà còn bởi số tài sản kếch xù do họ sở hữu.
Chính vì lý do này, lăng mộ của Càn Long và Từ Hy đã từng trở thành tiêu điểm đục khoét của giới mộ tặc. Nghiêm trọng hơn cả chính là vụ trộm do Tôn Điện Anh cầm đầu xảy ra vào năm 1928.
Tương truyền rằng, khi Tôn Điện Anh cùng thủ hạ dùng đại pháo phá cửa vào lăng mộ của Càn Long, nhóm người này đã bị cảnh tượng trong đó dọa tới mức "kinh hồn bạt vía".
Cũng từ sau vụ trộm ấy, Dụ Lăng nơi Hoàng đế Càn Long và phi tần yên nghỉ dần gắn liền với giai thoại có "người sống" nằm ngủ trong quan tài.
Câu chuyện về "người sống" trong lăng mộ Càn Long
"Người sống" nằm trong quan tài được lưu truyền qua câu chuyện được lan truyền trong dân gian là thi thể của mẹ ruột vua Gia Khánh – Hiếu Thuần Nghi Hoàng hậu.
Sinh thời, Hiếu Thuần Nghi Hoàng hậu được biết đến với danh phong Lệnh Ý Hoàng quý phi, sử cũ thường gọi là Lệnh Phi.
Hình tượng hiền đức của bà cũng đã được đưa vào nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, mà tiêu biểu là nhân vật Lệnh phi (bên phải) trong bộ phim "Hoàn Châu cách cách" nổi tiếng.
Lệnh phi tên thật là Ngụy Tiểu Ngọc, là một trong những phi tần được Hoàng đế Càn Long sủng ái nhất. Sử cũ ghi rằng, bà vô cùng xinh đẹp, tinh thông cầm kỳ thi họa, lại thấu hiểu lòng người, được nhà vua coi như tri kỷ.
Lệnh phi qua đời vào ngày 29 tháng 1 năm Càn Long thứ 40 (1775), hưởng dương 49 tuổi. Bà được an táng tại "phi viên tẩm" trong Dụ lăng cùng những phi tần từng được Hoàng đế sủng ái nhất lúc sinh thời.
Năm Càn Long thứ 60, Hoàng đế Càn Long phong con ruột của Lệnh phi là Thập ngũ a ca Ngung Diễm làm Hoàng Thái tử. Nhà vua cũng phá lệ truy phong Lệnh phi trở thành Hoàng hậu.
Những tưởng vị Hoàng hậu hiền đức ấy đã mãi yên giấc ngàn thu trong Dụ lăng cùng Hoàng đế, không ngờ 153 năm sau, vào tháng 7/1928, nơi an nghỉ của Càn Long và các phi tần bị Tôn Điện Anh ngang nhiên dẫn người tới xâm phạm.
Chuyến vơ vét đêm hôm ấy của đám mộ tặc đã mang lại cho bọn chúng khối gia sản kếch xù, nhưng cũng để lại trong tâm trí những kẻ ấy nỗi khiếp đảm và ám ảnh về một "người sống" nằm ngủ trong quan tài đặt tại Dụ Lăng.
Tháng 8/1928, nghe tin lăng mộ tổ tiên bị đào bới, vua Phổ Nghi vô cùng phẫn nộ và lập tức hạ lệnh cho hạ thần xử lý. Trong số những người tới lăng tẩm của Càn Long xử lý, có đại thần Bảo Hi bấy giờ đang giữ chức Tổng quản phủ Nội vụ.
Sau này, Bảo Hy cùng cộng sự đã ghi chép lại toàn bộ công tác xử lý Dụ lăng sau vụ trộm trong cuốn "Đông Lăng nhật ký".
Cũng trong cuốn sách ấy, Bảo Hy có thuật lại chi tiết kỳ lạ về ngọc thể của Lệnh phi bằng đôi dòng dưới đây:
"[...] Quan tài đặt trên thạch sàng (giường đá) nằm ở giữa gian phòng phía Tây có phát hiện ngọc thể của một vị phi tần.
Ngọc thể may mắn không hề phân hủy, người nằm trong quan tài có nét mặt sang quý, cằm nhiều nếp nhăn, răng chưa rụng hết, tựa như người 50-60 tuổi, xương và da đều còn nguyên vẹn, không chút hư tổn, nụ cười phúc hậu tựa như Bồ Tát.
Đây quả thực là chuyện vô cùng kỳ lạ…"
Những bí ẩn chưa lời giải về nơi an nghỉ của vua Càn Long
Dụ lăng là nơi an nghỉ của vua Càn Long và một số phi tần được ông sủng ái. Bên trong lăng mộ này có 6 chiếc "thạch sàng" (giường đá) đặt 6 quan tài. Trong đó có quan tài của Hoàng đế, 2 vị Hoàng hậu và 3 vị Hoàng phi.
Quá trình mai táng và phong tỏa của khu lăng mộ này cũng có điểm đặc biệt.
Thông thường, trước khi Hoàng đế qua đời, các vị phi tần được phê chuẩn an táng trong lăng mộ nhà vua sẽ được đặt quan tài vào lăng, nhưng cửa đá bảo vệ sẽ chưa đóng, đường vào lăng cũng không bị phong tỏa.
Chỉ sau khi Hoàng đế qua đời và được chôn cất, nơi an nghỉ của nhà vua và các phi tần mới chính thức trở thành nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Bên trong Dụ lăng là nơi đặt quan quách của nhà vua cùng các vị phi tần được sủng ái. (Ảnh: Nguồn Internet).
Nhắc tới Dụ lăng, hậu thế còn không thể quên được nhiều giai thoại rùng rợn khác xoay quanh nơi an nghỉ của một trong những vị Hoàng đế nổi tiếng nhất Thanh triều.
Cách đây nhiều năm, khu lăng mộ này từng gây xôn xao dư luận bởi chiếc quan tài đựng thi hài Càn Long có khả năng di chuyển.
Lần di chuyển thứ nhất được ghi nhận vào năm 1928 khi Tôn Điện Anh dẫn người vào Dụ lăng trộm mộ. Chiếc quan tài của nhà vua đã di chuyển rời khỏi thạch sàng và chắn ngang cửa vào để ngăn chặn đám mộ tặc.
Gần nửa thế kỷ sau, vào năm 1975, chiếc quan tài này lại một lần nữa di chuyển chắn ngang cửa vào khi Cục văn vật quốc gia nước này bắt đầu tiến hành khai quật Dụ Lăng.
Chưa dừng lại ở đó, lăng mộ Càn Long còn nổi tiếng về một "lời nguyền" chết chóc ẩn chứa bên trong thanh "Cửu long bảo kiếm".
Nhiều người tin rằng, thanh bảo kiếm này là đồ vật tà môn chứa sức mạnh bí ẩn vô cùng đáng sợ, được đặt trong Dụ lăng để canh giữ giấc ngủ ngàn thu cho Càn Long và các vị phi tần.
Năm xưa, thanh kiếm quý này đã bị trộm khỏi lăng mộ Càn Long. Sau đó, những người tiếp xúc với thanh kiếm này đều qua đời một cách bí ẩn.
Cho tới ngày nay, Dụ lăng vẫn là một trong những địa danh lịch sử ẩn chứa nhiều bí mật chưa có lời giải đáp.
Những giai thoại kỳ lạ ấy tựa như một tấm màn trướng bao phủ lên nơi an nghỉ của Càn Long và các vị cung phi, cũng tạo nên một sức hấp dẫn riêng của khu lăng mộ này đối với hậu thế.