gười ta nhắc nhiều đến thành tích của futsal Việt Nam ở World Cup như một cơn địa chấn và điều gì đó không tưởng. Nhưng đó là thành quả của một quá trình dài mà ông bầu Trần Anh Tú đã phải theo đuổi kiên trì, tốn rất nhiều tiền của để làm tới cùng.
Mà đâu chỉ riêng futsal, cuộc đời của bầu Tú gắn liền với nguyên tắc: "Chậm và chắc". Ông bảo: "Cái gì biết... mới làm. Nhưng đã làm phải theo đuổi tới cùng". Ông rút được điều ấy từ chính bản thân mình, một người phụ bếp trên tàu, làm bảo vệ, tư vấn luật rồi đi bán hàng trước khi trở thành doanh nhân. Giờ đây doanh nghiệp của ông từ những bước đi chậm rãi ấy đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn của cả nước.
Ngay cả khi ông làm Chủ tịch HFF, thì triết lý ấy cũng không thay đổi, ông gây dựng bóng đá nữ và bóng đá nam từ đào tạo trẻ để bây giờ, đội nữ TPHCM có thế hệ kế cận xuất sắc cho bóng đá nữ Việt Nam, còn đội nam đã có suất dự V.League sau gần 4 năm "xóa đi xây lại".
Nhưng cũng chính vì cái nguyên tắc "làm cái gì cũng phải tới cùng" của ông mà bây giờ ông không thể buông bỏ. Futsal càng thành công, gánh nặng trên vai ông càng lớn, số tiền đầu tư cũng phải càng tăng. Không những vậy, người ta cũng kỳ vọng nhiều hơn ở đóng góp của bầu Tú ở môn bóng đá 11 người, từ HFF tới VFF, khiến ông bầu gắn liền với futsal không thể không đưa bàn tay của mình ra, và vì thế thời gian của ông dành cho chính mình cũng chẳng còn nữa.
Ông bảo những gì ông đã bỏ ra thật khó có thể đong đếm và tính là lời hay lãi, nhưng những gì đã có, buộc ông phải tiếp tục và không được phép dừng lại.
Tôi hy sinh rất nhiều thời gian, tiền bạc của mình, chịu đựng áp lực rất lớn của công việc và của cả truyền thông nữa. Nhưng đổi lại tôi cũng được rất nhiều. Đó là thành công của tôi trong kinh doanh và bóng đá, hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho rất nhiều người.
Công ty phát triển, futsal Việt Nam tiến bộ vượt bậc, gây ấn tượng trên đấu trường quốc tế, bóng đá TP.HCM cũng đã bước đầu thành công trở lại. Những cái đó đâu phải cứ có tiền là có được."
Lần đầu tiên tôi hẹn gặp bầu Tú để phỏng vấn đó là những năm 2012, khi ấy ông bầu của Thái Sơn Nam mới bắt đầu công việc của mình ở HFF chưa được bao lâu. Những ngày cuối năm ấy, ông Tú bận rộn giải quyết việc kinh doanh nhưng vẫn đồng ý cho tôi 1 tiếng để gặp mặt tại một quán cà phê ở Quận 1 (TP.HCM) trước giờ ông ra sân bay đi Hà Nội.
Hôm ấy, cuộc trò chuyện đã bị "lố" giờ khi kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, ông Tú rời khỏi quán nhưng vẫn hết sức thong dong và thoải mái. Nhưng bây giờ, những ngày cuối năm của 4 năm sau, để hẹn được bầu Tú vài phút trò chuyện quả thực khó như lên trời. Một tiếng đồng hồ bị "lố" ngày trước giờ đây giống như một câu chuyện không tưởng.
Lần gần nhất gặp bầu Tú là trên sân Thống Nhất khi ông đến dự một trận đấu ở giải U21 Quốc tế 2016, nhưng cũng rất nhanh ngay trong hôm ấy, ông phải cố gắng tận dụng thời gian để gặp gỡ BHL CLB TPHCM để bàn thảo kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải 2016. Ông Tú giờ đây không chỉ lo mỗi chuyện kinh doanh và futsal, mà ông còn phải lo cho cả CLB bóng đá TPHCM rồi công việc ở VFF.
"Thời gian làm việc của tôi thường kéo dài khoảng 12 - 13 tiếng mỗi ngày, không thể rành mạch để chia thời gian cho kinh doanh và thể thao, nhưng nói chung là 50-50. Việc kinh doanh và làm bóng đá, và bây giờ thêm bóng rổ nữa lúc nào cũng khó khăn.
Nói theo kiểu duy vật biện chứng thì khó khăn này giải quyết xong thì lại xuất hiện khó khăn khác. Cuộc sống vận động không ngừng nên mình không thể dừng lại mà phải luôn tìm cách giải quyết khó khăn, đó là lẽ đương nhiên."
Có lẽ, giờ đây giây phút mà người ta nhìn thấy bầu Tú thư thái nhất là từ những hình ảnh, những status được đăng tải của ông trên facebook cá nhân, nơi ông dùng nhằm cập nhật thông tin phục vụ cho công việc của mình. Nhưng ngay cả dòng trạng thái ấy cũng được viết vội ở trong một phòng họp, hoặc có khi lúc đang ngồi xe di chuyển trên đường.
Ông thừa nhận, lúc này mình rất thèm có được 1 tiếng đồng hồ để có thể ngồi trong phòng, bật nhạc cổ điển nghe để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, nhưng ngay cả nguyện vọng nhỏ ấy cũng không thực hiện được.
Một trong những nguyên nhân giúp futsal tạo nên kỳ tích ở World Cup, không thể không nhắc đến chuyện các cầu thủ được phục vụ dinh dưỡng một cách tốt nhất với đầu bếp riêng luôn đi theo đội. Thậm chí, người ta chính ông bầu Trần Anh Tú cũng xắn tay vào bếp để chuẩn bị bữa ăn cho các cầu thủ.
Ông Tú từng làm phụ bếp trên tàu, thế nên ông có niềm đam mê đặc biệt với nấu ăn.
Cũng chính từ những buổi vào bếp nấu cho cầu thủ ăn mà ông Tú hiểu được sự quan trọng của dinh dưỡng đối với các cầu thủ như thế nào. Thế nên, đội futsal Việt Nam có lẽ là đội thể thao đầu tiên ở Việt Nam mà cứ mỗi lần thi đấu quốc tế đều có đầu bếp riêng đi cùng.
"Phải nói là khi đi tập huấn nước ngoài, nhất là châu Âu, mặc dù thức ăn của họ rất đảm bảo về dinh dưỡng nhưng lại không hợp khẩu vị với người Việt Nam nên các cầu thủ rất khó ăn. Xuất phát từ việc đó, tôi phải liên hệ với khách sạn nơi đội ở cho mình chủ động chế biến thức ăn.
Dần dần, qua những chuyến tập huấn và thi đấu, tôi luôn liên hệ trước khách sạn để yêu cầu họ cho mình chủ động chuyện ăn uống của đội. Tất nhiên là không phải nơi nào cũng có thể chủ động hoàn toàn, nhưng bằng mọi cách tôi vẫn cố gắng đảm bảo cho cầu thủ ăn no và đầy đủ dinh dưỡng."
Việc quan tâm đến bữa ăn của cầu thủ không chỉ thể hiện chuyên nghiệp và giúp toàn đội nâng cao về thể chất, mà chính những bữa ăn ấy, ông Tú đã khiến các cầu thủ thực sự cảm phục. Họ không gọi ông là "ông bầu" hay "sếp" mà gọi ông là "thầy" dù ông chẳng phải là HLV. Đó là điều đặc biệt của bầu Tú so với những ông bầu bóng đá khác.
Tuy nhiên, điều thú vị là dù đam mê nấu ăn, và cũng từng nhiều lần vào bếp nấu ăn cho các cầu thủ, nhưng bầu Tú lại không thể nấu ăn cho gia đình của mình vì một điều đơn giản là mỗi lần ông về nhà đều đã quá thời gian bữa cơm: "Nếu cả nhà đợi tôi về nấu thì bụng đói meo luôn".
Những gì mà futsal làm được năm 2016 thực sự là kỳ tích lớn mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là sau niềm vui ấy, sự kiện lịch sử ấy, rất nhanh chóng futsal lùi vào phía sau và trở lại như vị trí trước đó của mình. Những cảm xúc mà chiến tích ấy mang lại không đủ để cho người hâm mộ có cảm giác hưng phấn và sung sướng kéo dài như một chiến thắng của ĐTQG chỉ cần ở đấu trường Đông Nam Á.
Ông Tú cũng thừa nhận, nhiều lúc khi nghĩ đến điều ấy ông cũng chạnh lòng, nhưng với ông đó là điều lẽ nhiên phải thế, khi lúc này futsal vẫn chưa thể lấy trọn trái tim người hâm mộ, để họ quan tâm thực sự đời sống của môn thể thao này chứ không phải chỉ như những cơn gió thoảng qua sau mỗi chiến thắng lớn.
"Đó là động lực để tôi cũng như những người làm futsal phải cố gắng hơn. Thực ra, futsal có những lợi thế để thu hút người hâm mộ, bởi đây là môn chơi trong khoảng không gian hẹp, dễ tạo nên không khí cuồng nhiệt. Tôi đến xem bóng rổ, và bị thuyết phục bởi không khí của những trận đấu bóng rổ mang lại như ở giải VBA vừa qua. Ngoài việc nâng cao chuyên môn, thì công tác tổ chức giải bóng rổ VBA sẽ là mô hình tổ chức để futsal học và làm theo để kéo người hâm mộ đến sân."
Không chỉ nhiệm vụ kéo người hâm mộ tới sân, mà giữ được vị thế và những thành tích đã đạt được ở FIFA Futsal World Cup vừa qua cũng là điều mà ông Tú cũng phải tính tới.
Tạo nên một giải VĐQG futsal chất lượng, nơi mà sẽ phải có nhiều đội bóng cạnh tranh không chỉ bầu Tú và Thái Sơn Nam là điều đầu tiên mà ông Tú mong muốn, sau đó là tạo dựng một ĐTQG mạnh với 1 HLV đủ tầm thay thế ông Bruno Garcia Formoso.
"Tìm một HLV ngoại thay thế ông Bruno không khó và nằm trong khả năng của tôi. Cái khó là làm sao các CLB futsal phát triển thì đội tuyển quốc gia mới mạnh được. CLB Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc thì không đáng lo, còn các CLB khác thì không gặp vấn đề này thì lại vướng vấn đề khác.
Tôi đang cố gắng, nếu việc vận động một số nhà đầu tư tham gia làm ông bầu futsal thành công thì đến năm 2018 sẽ có giải futsal chuyên nghiệp, thuê cầu thủ nước ngoài để nâng cấp chuyên môn lên. Tôi vẫn tin tưởng là đội tuyển futsal Việt Nam sẽ lọt vào WC 2020 nếu mọi việc mà tôi dự kiến được thực hiện thành công."
"Vua một cõi" trong futsal với dấu ấn thành công đậm nét, và cũng đổ không ít tiền vào cả bóng đá sân cỏ trong đó có bóng đá nữ và bóng đá trẻ. Nhưng người ta vẫn thấy một bầu Tú thầm lặng và giản dị. Nhưng khi vào VFF với chức danh phó chủ tịch VFF thì ông cũng phải đối mặt với không ít những thị phị, trong đó đỉnh điểm là những bất đồng quan điểm với những vị Phó chủ tịch khác của VFF về bóng đá Việt Nam.
Trong năm qua, cuộc tranh cãi giữa bầu Tú với một phó chủ tịch khác của VFF cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, thậm chí VFF đã tổ chức hẳn 1 cuộc họp báo với sự xuất hiện của 2 nhân vật chính để trả lời truyền thông.
Đấy là cái giá mà một doanh nhân như ông Tú phải trả khi bước chân vào VFF. Ông Tú bảo: "Doanh nhân hay bất cứ ai làm việc ở VFF đều phải chịu áp lực rất lớn về hình ảnh cá nhân của mình, vì hình ảnh của VFF trong thời gian trước đây không đẹp trong lòng nhiều người hâm mộ và cả truyền thông".
Nhưng điều quan trọng hơn cả mà ông Tú nghiệm được khi vào VFF là ông nhận ra rằng, ở đây có không ít những người mạnh miệng và nói rất nhiều nhưng lại không chịu làm và đóng góp, đó chính là điều nảy sinh những mâu thuẫn.
"Ai cũng nói là tham gia VFF là để đóng góp cho bóng đá Việt Nam, tuy nhiên thực tế không hẳn là như vậy bởi vì giữa lời nói và hành động còn khác nhau. Bản thân tôi tham gia vào VFF là sự tự nguyện của mình vì khi tôi có vai trò ở VFF, tôi sẽ làm được rất nhiều cho futsal Việt Nam nói riêng và bóng đá nói chung.
Trong hơn gần 3 năm tham gia vào BCH VFF và là UV thường trực BCH VFF, kết quả thực tế đúng như vậy. Futsal kết quả thế nào thì ai cũng thấy, còn việc tài trợ bóng đá nữ, các giải trẻ U15, U17 hiệu quả hơn rất nhiều."
Nhắc lại câu chuyện tranh cãi giữa ông và một Ủy viên BCH khác trong Liên đoàn, mà cụ thể là ông Nguyễn Xuân Gụ - PCT VFF phụ trách truyền thông, khi ông Gụ kể xấu VFF trước truyền thông. Ông Tú khẳng định việc ông lên tiếng để phản ứng là không muốn câu chuyện bị đẩy quá xa khiến hình ảnh VFF vốn dĩ đã không đẹp nay còn xấu hơn.
"Tôi phản ứng với một ủy viên khác trong liên đoàn là sự đấu tranh để xây dựng VFF. Người ngoài VFF có thể nói này nói nọ, nói ra nói vào, chê bai VFF. Còn khi mình tham gia VFF, VFF có những điều chưa tốt thì mình phải góp phần vào xây dựng cho tốt lên bằng những đóng góp cụ thể chứ đâu phải gây ra những scandal để làm suy yếu VFF."
Cuộc tranh cãi giữa ông Tú với ông Gụ là lần hiếm hoi mà người ta nhìn thấy ở con người ít nói và làm nhiều như ông Tú thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình một cách gai góc nhất.
Điều ấy càng cho thấy những áp lực và gánh nặng trên vai của ông bầu futsal này không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm sao để lo cho đội futsal tiếp tục phát triển và nuôi hy vọng chinh phục đấu trường thế giới mà trên vai ông lúc này là rất nhiều những công việc có cả kỳ vọng và áp lực mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang tin tưởng và hy vọng ở ông.
Có lẽ, một phút nào đó khi ngẫm lại, bầu Tú cũng sẽ mong mình sẽ trở lại những ngày của 4 năm về nước, kinh doanh và xem futsal như một đam mê, còn lại những phút rãnh rỗi ngồi trong phòng nghe những bản nhạc cổ điển, tự làm những món mình thích để nhâm nhi. Nhưng "cây cao thì đón gió" - những thành công và sự kỳ vọng, không cho phép bầu Tú dừng lại.
Niềm vui của ông không còn chỉ là sự thích thú từ bản nhạc nghe được trong phòng kín, mà niềm vui ấy của ông sẽ được thay bởi những giọt nước mắt vỡ òa, những tràng vỗ tay nụ cười hạnh phúc triệu người hâm mộ bóng đá. Sự đánh đổi ấy, dù áp lực có nặng hơn, cũng đáng lắm!