Như đã nói, cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lẫn HLV Troussier đều đang "đặt cược" vào những cầu thủ trẻ, mà đã là người trẻ thì việc trận này hay, trận kia dở; lúc này tốt, lúc kia xấu… là điều rất dễ xảy ra. Hai thái cực khác nhau ở hai trận đấu liên tiếp với Nhật Bản (thua ấn tượng) và Indoensia (thua khá toàn diện) chứng minh điều đó.
Pha kéo áo của Nguyễn Thanh Bình dẫn đến quả phạt 11 m trong trận gặp Indonesia và pha tung chân phạm lỗi của Khuất Văn Khang dẫn đến tấm thẻ đỏ trong trận gặp Iraq cũng chứng minh điều đó. Nhiều người đã phân tích hai "điểm chết" này ở góc độ chuyên môn, nhưng thật ra những chỉ dấu chuyên môn chỉ là hệ quả của những biến động tâm lý. Cái tay kéo áo của Nguyễn Thanh Bình và cái chân phạm lỗi của Khuất Văn Khang chỉ diễn ra sau những mệnh lệnh phát đi từ hai cái đầu và hai trái tim.
Với trường hợp của Thanh Bình, đấy là tâm lý lo lắng thái quá trong tình thế đối thủ đang ép sân dữ dội. Với Khuất Văn Khang, đấy là một cái đầu hưng phấn, quyết liệt thái quá khi đội nhà bất ngờ dẫn bàn và chơi khá trơn tru trước một đối thủ mạnh. Lo lắng thái quá và hưng phấn thái quá đều rất nguy hiểm. Phải quản trị được sự lo lắng và hưng phấn mới giúp cầu thủ có khả năng làm chủ với quả bóng, thực hiện đúng ý đồ chiến thuật của HLV. Không biết trong công tác chuẩn bị, hàng loạt cầu thủ trẻ Việt Nam đã được hướng dẫn những kỹ thuật quản trị tâm lý này chưa?
Tôi rất chú ý tới phát biểu của trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh sau trận gặp Indonesia, rằng toàn đội bị bất ngờ với sự vây ráp và tấn công phủ đầu của Indonesia. Nhìn vào nhân sự ra quân hôm ấy, rõ ràng ta không có ý đồ phòng thủ nhưng sức mạnh vượt trội của Indonesia ép ta phải thủ, do vậy sự "bất ngờ" mà Việt Anh nói đến là rất logic. Trong bóng đá cũng như đời sống, tình huống bất như ý luôn có thể xảy ra nhưng không phải ai cũng biết cách ứng xử tốt với bất như ý.
Tôi có cảm giác, trước trận đấu chúng ta mới chỉ lên các kịch bản "như ý", chứ chưa lên các kịch bản "bất như ý" và các cầu thủ cũng chỉ có khả năng thực hiện chiến thuật trong các tình huống "như ý", chứ chưa biết cách ứng xử với "bất như ý". "Bất như ý" đến, ta gãy đổ hoàn toàn. Ứng xử với bất như ý, do vậy cũng là một thao tác tâm lý mà các cầu thủ trẻ cần phải được trang bị.
Không biết HLV Troussier - người có kinh nghiệm làm việc với các cầu thủ trẻ ở các nền bóng đá khác nhau - và cộng sự có trang bị kiến thức tâm lý này cho học trò mình không?
Có cảm giác chính nhà cầm quân người Pháp trong những thời điểm đây đó cũng có những biểu hiện không thoải mái về tâm lý. Nhìn gương mặt có phần hồi hộp của ông trong trận gặp Iraq và nhớ lại việc ông nói: "80% người hâm mộ muốn tôi từ chức" trước khi dự giải khiến tôi phải nghĩ đến điều này. Ông Troussier đã gần 70 tuổi, đang phải chịu sức ép rất lớn từ một bộ phận người hâm mộ "chỉ thích bóng đá chiến thắng". Do vậy, ông cũng cần trải nghiệm những kỹ thuật tâm lý để giải phóng sức ép, từ đó đưa bộ não trở lại trạng thái tĩnh nhất và sáng nhất cho những trận đánh quyết định sắp tới tại vòng loại World Cup 2026.
Hơn lúc nào hết, đội tuyển Việt Nam của một HLV lão làng và hàng loạt cầu thủ mới ngoài 20 tuổi cần những liệu pháp tâm lý cho một cuộc cách mạng đường dài!