Vịnh Du Lâm ở phía đảo cực nam Hải Nam, Trung Quốc, là căn cứ có vai trò chiến lược cho các tàu ngầm nước này, đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân, giúp chúng có thể luồn lách dưới biển mà không bị phát hiện hoặc đánh chặn, theo Diplomat.
Ảnh hưởng chiến lược
Tình báo Mỹ phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 1/9 năm ngoái, nhận định rằng Du Lâm ngày càng có ý nghĩa cốt yếu với Trung Quốc, từ khi nó được xây dựng vào năm 2001. Du Lâm cũng là yếu tố chiến lược trong cuộc cạnh tranh giành ngôi vị cường quốc biển khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Du Lâm được coi là căn cứ tàu ngầm mang tên lửa đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Nơi này có một đường hầm làm bãi đỗ và sửa chữa tàu ngầm. Nó giúp tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng xâm nhập Biển Đông rồi từ đó qua Ấn Độ Dương (IOR), sau đó quay lại châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tại, đây là căn cứ duy nhất được biết tới của Trung Quốc, triển khai các tàu ngầm lớp Tấn 94 (Type 94 Jin) và lớp Hán 91 (Type 91 Han) hoặc lớp Thương 93 (Type 93 Shang).
Giới quan sát nhận định Hải quân nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang ngày càng nguy hiểm hơn với việc dùng Du Lâm để giám sát hoạt động của hải quân Ấn Độ, đặc biệt là khả năng tấn công hạt nhân của New Delhi trên biển.
Du Lâm cũng giúp PLAN đưa tàu ra đối kháng với các mục tiêu của Ấn Độ, cả trên không lẫn trên đất liền.
Tầm quan trọng của vịnh Du Lâm trở thành tâm điểm chú ý của thế giới vào ngày 1/4/2001, khi một máy bay do thám của hải quân Mỹ bị buộc hạ cánh xuống sân bay Lăng Thủy của Trung Quốc sau vụ va chạm với chiến đấu cơ của Bắc Kinh. Lúc đó, máy bay Mỹ đang giám sát việc Trung Quốc xây đường hầm chiến lược ở vịnh Du Lâm.
Hệ thống radar dẫn đường AN/APS-115 trên máy bay Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ va chạm, buộc nó phải hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc. Phi hành đoàn được thả về Mỹ sau các nỗ lực ngoại giao, song chiếc máy bay do thám bị giữ lại. Điều này khiến chương trình thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc tăng trưởng đáng kể.
Điểm yếu
Căn cứ tàu ngầm Du Lâm nằm cách cảng Du Lâm khoảng 15km về phía đông, thuộc thành phố Tam Á, trên mũi đảo Hải Nam. Việc xây dựng được cho là bắt đầu từ năm 2000 đến năm 2007. Việc mở rộng và phát triển kéo dài đến năm 2010.
Một tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc ở Du Lâm |
Kiến trúc ngầm trong núi của cảng vừa che mắt được vệ tinh quân sự của Mỹ, vừa bảo đảm cung ứng và phòng vệ cho lực lượng tàu ngầm chiến lược trước đe doạ các loại tên lửa tầm xa.
Căn cứ này có hai đê chắn sóng, một đường hầm cho tàu ngầm, 4 bến tàu ngầm chính, một bến phụ dùng cho duy tu, bảo dưỡng và hai bến cho hạm đội hỗ trợ. Người ta cho là Du Lâm có 7 kho chứa với mái vòm, có thể dùng để lưu trữ và sửa chữa tên lửa.
Đường hầm cho tàu ngầm rộng khoảng 16 - 20m, dài 900 - 1.000m, đủ chỗ cho 5 - 6 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, theo tình báo Mỹ. Việc xây dựng đường hầm này dựa trên thiết kế của Nga.
Nơi này cũng có khoảng 30 đường hầm, có thể thông nhau và thông với đường hầm cho tàu ngầm. Có một con đường rộng 7m, dài 1.450m giữa các đường hầm, được bảo vệ bởi hệ thống phòng không. Các chuyên gia quân sự cho rằng nó được dùng làm tuyến vận chuyển đạn dược.
Căn cứ này cũng là nơi Trung Quốc dùng để khử từ, biện pháp duy nhất giúp tàu ngầm tránh thủy lôi và bị phát hiện bởi các tàu hay máy bay săn ngầm.
Cơ sở khử từ tại Du Lâm được xây từ năm 2007 đến 2008, khi tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Type-94 của Trung Quốc lần đầu đến đây. Du Lâm cũng được một số chuyên gia quân sự coi là nơi khử từ duy nhất cho tàu ngầm Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh ngày 23/10/2017 của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã đưa máy bay cảnh báo sớm KQ-200 hoặc Y-8GX6 tới Du Lâm, động thái được cho là chống lại những mối đe dọa từ trên không, mặt đất hoặc dưới biển. Trung Quốc dường như cũng đã đưa 5 xe satcom, một phần trong hệ thống điều khiển mặt đất để kiểm soát các thiết bị bay không người lái tới Du Lâm.
Trang mạng quân sự Tiexue của Trung Quốc có không ít bài ca ngợi Du Lâm, song nhiều chuyên gia quân sự thế giới và cả của nước này, cho rằng căn cứ tàu ngầm bị định vị quá rõ ràng lại là điểm yếu chết người, mục tiêu tấn công dễ dàng cho tên lửa chiến thuật, chiến lược của đối phương.
Đó là chưa kể đến việc Du Lâm cũng dễ bị tổn thương bởi các cuộc không kích. Những năm qua Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Hải Nam, song khả năng tự vệ của Du Lâm vẫn bị phương Tây đánh giá thấp.