Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng cơ sở quân sự trên đảo Mayun. Ảnh: AP
Hãng AP đưa tin mặc dù chưa có quốc gia nào tuyên bố chủ quyền với căn cứ không quân trên đảo Mayun thuộc vùng Eo biển Bab el-Mandeb, nhưng dữ liệu theo dõi hoạt động giao thông vận tải liên quan đến việc xây dựng đường băng khổng lồ trên hòn đảo dài 56km này từ cách đây nhiều năm đã dẫn ngược trở lại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các quan chức trong chính phủ Yemen cũng khẳng định UAE đứng đằng sau hoạt động xây dựng này, mặc dù Abu Dhabi từng tuyên bố vào năm 2019 rằng họ sẽ rút quân khỏi chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.
Một quan chức quân sự Yemen giấu tên cho biết những tuần gần đây, các tàu của UAE đã vận chuyển vũ khí, thiết bị cùng binh sĩ đến Mayun. Nhân vật này cũng tiết lộ tình trạng căng thẳng gần đây giữa UAE và Tổng thống Yemen một phần là do nước này yêu cầu chính phủ của ông ký thỏa thuận cho thuê đảo Mayun trong 20 năm song không thành công.
Là người theo dõi hoạt động xây dựng trên đảo Mayun nhiều năm nay, ông Jeremy Binnie, biên tập viên về Trung Đông tại công ty tình báo nguồn mở Janes, nhận xét: “Đây dường như là một mục tiêu chiến lược dài hạn nhằm thiết lập sự hiện diện tương đối lâu dài”. Theo ông, mục đích lập căn cứ ở Mayun không chỉ liên quan đến cuộc chiến ở Yemen mà còn cả vị trí huyết mạch của nơi đây.
Đường băng trên đảo Mayun cho phép chủ sở hữu có sức mạnh bao trùm cả vùng Eo biển Bab el-Mandeb, đồng thời dễ dàng không kích vào đất liền Yemen. Nó cũng sẽ trở thành cơ sở thuận tiện cho bất kỳ chiến dịch nào nhắm đến Biển Đỏ, Vịnh Aden cùng vùng Đông Phi lân cận.
Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs do AP thu thập được cho thấy các phương tiện xây dựng đang xây dựng một đường băng dài 1,85km trên đảo vào ngày 11/4. Đến ngày 18/5, đường băng đó đã hoàn thành cùng với ba nhà chứa máy bay. Với độ dài như vậy, đường băng này hoàn toàn có thể phục vụ máy bay tấn công, máy bay trinh sát và máy bay vận tải.
Mayun, hay còn gọi là Perim, chỉ cách bờ Tây Nam của Yemen khoảng 3km. Các cường quốc trên thế giới đã công nhận vị trí chiến lược của hòn đảo suốt hàng trăm năm nay. Mayun phân chia Eo biển Bab el-Mandeb thành hai tuyến kênh, một trong đó là kênh đào Suez nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Bà Eleonora Ardemagni, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy, cho hay trong khi Vùng sừng châu Phi trở thành một nơi nguy hiểm đối với UAE do các rủi ro từ nội chiến và những đối thủ cạnh tranh, Mayun có nền dân số ít ỏi, đồng thời cung cấp cơ sở chiến lược để giám sát Biển Đỏ. Khu vực này cũng gia tăng xuất hiện nguy cơ về các vụ tai nạn và tấn công giữa các bên.
Theo bà Ardemagni, UAE đang chuyển từ chính sách đối ngoại viễn chinh sang chính sách đối ngoại bảo vệ quyền lực. Động thái này nhằm tăng cường năng lực trong việc giám sát và phòng ngừa các mối đe dọa tiềm tàng.