Theo hãng tin RT, sau một thời gian giữ im lặng, lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cũng lên tiếng xác nhận căn cứ không quân Al-Watiya bị tập kích vào chiều tối ngày 5/7 (theo giờ địa phương). Tuy nhiên, GNA lại không công bố các thông tin chi tiết về cuộc tấn công này.
Trước đó, một số kênh truyền thông Libya thân với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar đều đồng loạt đưa tin Al-Watiya bị không kích, các hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk vừa được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tới căn cứ này đều bị phá hủy.
Truyền thông Ả Rập đưa tin LNA không kích tiêu diệt hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ ở Al-Watiya.
Còn chuyên trang hàng không Avia.Pro của Nga dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Không quân LNA đã sử dụng các chiến đấu cơ MiG-29 cho cuộc không kích vào căn cứ Al-Watiya vào chiều tối qua. Được biết, những chiếc MiG-29 này vừa được Nga chuyển giao cho quân của tướng Haftar trong tháng 6.
Cũng theo Avia.Pro, phi đội MiG-29 của LNA đã phóng đi 9 tên lửa nhằm vào các trận địa phòng không và một số nhà chứa máy bay bên trong Al-Watiya. Cuộc tấn công đã phá hủy hoàn toàn bốn hệ thống phòng không MIM-23 Hawk, hai xe tăng và một số máy bay không người lái của quân Thổ.
Hiện vẫn chưa rõ thương vong về người của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA sau cuộc không kích.
Điều đáng nói là các hệ thống phòng không MIM-23 Hawk của Thổ Nhĩ Kỳ ở Al-Watiya gần như không có hành động đánh trả phi đội MiG-29, thậm chí chúng còn không biết tới sự xuất hiện của các chiến đấu cơ LNA trong khu vực. Điều này đã giúp MiG-29 LNA diệt gọn các mục tiêu và rút đi an toàn chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng các hệ thống MIM-23 Hawk của Thổ ở Al-Watiya chưa trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nên mới bị tiêu diệt dễ dàng.
Kênh truyền hình Libya Alhadath dẫn lời một nguồn tin từ LNA cho biết, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu triển khai các hệ thống phòng không MIM-23 Hawk và hệ thống tác chiến điện tử Koral đến căn cứ Al-Watiya từ hôm 2/7. Kèm theo đó là các bức ảnh vệ tinh để chứng minh LNA luôn nắm rõ toàn bộ hoạt động của quân Thổ trong khu vực.
Theo một số nguồn tin, có ít nhất 4 chiếc MiG-29 của Không quân LNA tham gia cuộc không kích Al-Watiya vừa qua. Thế nhưng việc Nga có chuyển giao MiG-29 cho quân của tướng Haftar vẫn chưa xác thực, khi Moscow và LNA đều giữ thái độ im lặng trước vấn đề này.
Xoay quanh câu chuyện ai đã tấn công Al-Watiya, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng Không quân UAE đứng sau vụ tập kích, bằng các chiến đấu cơ Mirage 2000 đang đóng tại căn cứ không quân Sidi Barrani của Ai Cập nằm cách biên giới Libya chỉ hơn 90km.
Hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Al-Watiya vài ngày trước, có ít nhất hai hệ thống phòng không MIM-23 Hawk được quân Thổ triển khai tới căn cứ này. Ảnh: Libya Alhadath.
Một số chuyên gia quân sự nhận định, việc tướng Haftar tấn công phủ đầu căn cứ Al-Watiya ngay trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đến Libya là lời cảnh cáo giành cho Ankara. Nhất là sau thỏa thuận hợp tác quân sự giữa GNA và Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép người Thổ hiện diện quân sự lâu dài ở quốc gia Bắc Phi này.
Dĩ nhiên, phía LNA không công nhận thỏa thuận trên, đồng thời xem Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ xâm lược.