Trao đổi với phóng viên luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM khẳng định, cơ chế giám sát công tác tiếp nhận, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ trẻ em là rất quan trọng, và cần làm thực chất.
PV: Trước nghi vấn ăn chặn tiền hỗ trợ cho học sinh tại 1 trường học ở Lào Cai gần đây, với cương vị là người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, và cũng là luật sư, bà có suy nghĩ gì sau khi biết về vụ việc này?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Qua csự việc nêu trên thì tôi thật sự rất là buồn và đau lòng. Khi mà nghe tin qua truyền thông thì tôi cũng cảm ơn cơ quan truyền thông đã có tấm lòng và nghiệp vụ phóng sự điều tra để kịp thời đưa đến dư luận xã hội. Ai xem hoặc nghe việc này thì cũng đều rất phẫn nộ và tin tưởng chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm khắc.
Là người luật sư thì tôi tâm huyết với vụ này. Tuy hiệu trưởng phủ nhận hành vi cắt xén khẩu phần ăn của các em nhưng mà địa phương đã tạm đình chỉ công tác để xác minh làm rõ, thì theo tôi nghĩ có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận điều tra, xử lý theo pháp luật. Chúng tôi thấy công dân phải bình tĩnh và chờ kết quả xác minh, xử lý của cơ quan chức năng.
Thứ hai, nếu thật sự xác minh xảy ra như vậy thì tôi đề nghị phải xử lý nghiêm khắc cũng như là sẽ rút kinh nghiệm qua vụ việc này.
PV: Không loại trừ khả năng đâu đó đang có những vụ việc tương tự mà chưa bị phát hiện. Theo bà, cần chỉ rõ những vấn đề, tồn tại nào dẫn tới vấn nạn ăn chặn nguồn kinh phí hỗ trợ hoc sinh/trẻ em vùng cao, những nơi mà điều kiện để giám sát còn hạn chế?
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Trẻ em có Luật trẻ em 2016, hiệu lực từ ngày 1/6/2017, thì theo đó trẻ em là đối tượng đặc biệt được Nhà nước cũng như Quốc hội quan tâm, và sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em thì cần phải được bảo vệ.
Chúng ta thấy những kẽ hở hay thiếu sót là nguyên nhân dẫn đến sự việc thì chúng ta không thể phủ nhận nguyên do sâu xa vẫn là con người đang điều hành, lãnh đạo trường học. Tất nhiên không chỉ vì một vài trường hợp thì chúng ta đánh đồng tất cả. Không chỉ vùng cao, vùng xa mà ở tại những thành phố cũng có hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi.
Do đó yếu tố con người, cơ chế kiểm tra trong nội bộ, vận hành quy chế giám sát trong đơn vị cũng như xã hội nếu được quan tâm, hoạt động tốt hơn thì sẽ hạn chế được hành vi tiêu cực, tham ô hoặc lợi dụng chức vụ trong trường học.
Bất cứ việc gì trong luật pháp cũng phải giám sát, kiểm tra thường xuyên chứ không phải khi có một vụ việc thì chúng ta mới giám sát. Chúng ta muốn làm tốt thì phải đào từ gốc, còn nếu chúng ta cứ chặt ngọn, chặt ngọn thì nó cứ mọc lên, chặt ngọn lại mọc lên thì không được.”
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, không thể vì một vài sự việc mà ảnh hưởng đến nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em:
"Tôi nghĩ rằng đây là việc rất tệ hại và việc làm này còn ảnh hưởng đến nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ nhiều năm nay. Nếu qua điều tra mà có thật thì tôi thấy nó đi ngược lại nỗ lực của toàn thể đất nước chúng ta trong chăm lo bảo vệ quyền trẻ em.
Cho nên kiến nghị của tôi, thứ nhất, chúng ta phải thực sự nghiêm khắc trong xử lý. Bởi vì nếu chúng ta không nghiêm khắc xử lý thì những sai phạm tương tự rất khó ngăn chặn, đẩy lùi.
Và thứ hai là trong công tác chăm sóc trẻ em thì chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa đến việc kiểm tra, giám sát các nguồn lực, việc sử dụng các nguồn lực xã hội dành cho trẻ em, đặc biệt là với đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Và trong quá trình giám sát đó, tôi nghĩ rằng việc chúng ta chăm lo cho trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em phải thực hiện thực chất chứ không phải là chỉ hô hào khẩu hiệu chung chung".