Theo Sputnik, chia sẻ trên Twitter hôm 16/3, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, các chiến hạm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ USS America (LHA-6) đã cùng di chuyển trên Biển Đông vào ngày 15/3 trong khuôn khổ tập trận.
Đây là lần thứ ba chỉ trong vòng một tuần các tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông . Trước đó, vào ngày 10/3, Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS McCampbell (DDG 85) của hải quân Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông khi xem đây là hành động khiêu khích. Hôm 13/3, tàu tác chiến ven bờ Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ cũng đã có mặt trên Biển Đông.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết, để ngăn chặn hoạt động của dàn chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc đã tính tới nhiều phương án trong đó bao gồm sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP).
Theo ông Song, việc nổ súng nhắm bắn các chiến hạm của Mỹ không phải là lựa chọn hay trừ khi Mỹ nổ súng khơi mào. Tuy nhiên, màn đáp trả này sẽ có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ - Trung.
Cũng theo ông Song, đâm húc các chiến hạm Mỹ, Trung Quốc cũng không phải là đối thủ. Đây là bài học kinh nghiệm mà Trung Quốc rút ra được từ vụ va chạm trên Biển Đen giữa chiến hạm Mỹ và Liên Xô cũ hồi năm 1988.
Trong khi đó, việc sử dụng vũ khí EMP bao gồm các thiết bị laser năng lượng thấp có thể khả thi khi làm gián đoạn tạm thời hệ thống kiểm soát và vũ khí trang bị trên tàu chiến Mỹ. Phương pháp này cũng sẽ không làm bùng nổ một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ - Trung, đồng thời giúp Trung Quốc có thể gửi đi thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ tới quân đội Mỹ.
Giới quan sát quân sự nhận định, EMP có thể phóng ra sóng điện từ gây nhiễu các thiết bị điện tử dùng để nhắm mục tiêu trên tàu chiến, nhưng lại không gây ra thương vong cho con người.
Trong quá khứ, Mỹ từng vài lần lên tiếng chỉ trích việc quân đội Trung Quốc chiếu laser vào máy bay quân sự và chiến hạm.
Cụ thể, hồi cuối tháng Hai, trong một tuyên bố, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bị tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 161 của hải quân Trung Quốc chiếu “laser cấp độ quân sự” khi hoạt động cách phía tây đảo Guam khoảng 380 dặm vào ngày 17/2.
Bằng "mắt thường" không thể phát hiện laser chiếu vào P-8A Poseidon mà "bộ cảm biến" trên máy bay đã phát hiện được vụ việc.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, hành động của tàu khu trục Type 052D đã vi phạm Bộ Quy tắc về các vụ chạm trán không mong muốn trên biển (CUES) và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Theo ông Song, đây là ví dụ điển hình về việc Trung Quốc dùng EMP để ngăn chiến hạm cũng như máy bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông . Và trong tương lai, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể tái áp dụng phương pháp này.
Liên quan tới hoạt động di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3 của tàu khu trục USS McCampbell, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc, Đại tá Li Huamin tuyên bố “quân đội Trung Quốc đã giám sát một tàu chiến Mỹ, Quân đội Trung Quốc đã theo dõi, xác định và phát đi cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực”.
“Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao để ngăn chặn mọi vụ việc có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Trung Quốc”, Philstar dẫn lời ông Li. Bắc Kinh còn vô lý cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Về phần mình, hải quân Mỹ khẳng định tàu khu trục USS McCampbell đã tiến hành “hoạt động đảm bảo an ninh và ổn định trong quá trình di chuyển qua Biển Đông”.
Hiện phía quân đội Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận sau hoạt động của các chiến hạm Mỹ trên Biển Đông trong hai ngày 13 và 15/3.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.