Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền

ĐINH ANH |

Với thiết kế hoàn hảo, sống trong những căn hộ tại thành phố nổi bạn sẽ không cảm thấy say sóng như đi tàu. Đội ngũ thiết kế đảm bảo bạn cũng có được cảm giác an toàn như trên đất liền dẫu phải chịu cơn sóng to nhất.

Là thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc, Busan còn sở hữu cảng biển lớn nhất tại quốc gia này. Dẫu nằm ở ven biển sở hữu hàng loạt các lợi thế song thành phố này thường phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng và biến đổi khí hậu đe doạ đến cuộc sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền thành phố Busan, UN-Habitat và Oceanix đã thiết kế thành phố nổi Oceanix Busan. Theo bản thiết kế, đây là thành phố nổi trên một cụm các nền tảng kết nối với nhau rộng hơn 62.000 m2, có thể tự sản xuất năng lượng, thực phẩm mà không phụ thuộc vào tài nguyên trên đất liền.

Bản thiết kế thành phố mang tên Oceanix Busan cũng được trưng bày tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 26/4 và dự kiến được hoàn thành năm 2025. Công trình được kì vọng là công nghệ đột phá cho các thành phố ven biển đang đối mặt với tình trạng thiếu đất trầm trọng do biến đổi khí hậu.

Nếu thành công, các nền tảng tương tự có thể được xây dựng và đưa vào vận hành ở nhiều khu vực như Maldives, Dubai, Monaco, Lagos, Rio de Janeiro, Miami hoặc New York.

Theo thiết kế, thành phố được xây dựng trên các bệ rỗng, dày được làm bằng bê tông, có khả năng giữ được không khí bên dưới để duy trì toàn bộ cơ chế nổi trên mặt nước.

Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền - Ảnh 1.

Độ sâu của bệ tạo ra một khoảng trống lớn trong thân, gần giống như một tầng hầm chứa chủ yếu là không khí để chống lại sức nặng của các toà nhà bên trên. Không gian này cũng có chức năng như một khu vực lưu trữ năng lượng và quản lý chất thải'', Daniel Sundlin, đại diện của BIG-Bjarke Ingels Group cho biết.

Chia sẻ với Insider, Matteo Pietrobelli, kỹ sư trưởng của Oceanix cho biết một hệ thống cọc neo kết nối các đảo nổi với đáy biển để giảm thiểu chuyển động ngang. ''Thành phố có khả năng chống ngập nước. Khi mực nước dâng các bệ có thể nổi và nền móng của chúng cũng sẽ thích ứng với mực nước'', ông chia sẻ thêm.

Các nhà thiết kế khẳng định, ở thành phố nổi này sẽ cho bạn cảm giác như ở trong đất liền ngay cả khi có những đợt sóng cao nhất. Điều này minh chứng rằng dẫu là thành phố nổi nhưng những cư dân trên đảo sẽ không cảm thấy buồn nôn vì say sóng như đi tàu.

Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền - Ảnh 3.

Các nhà phát triển dự định sử dụng một phần nền tảng dưới nước để thu hút sinh vật biển và tạo môi trường sinh sống cho các rạn san hô. ''Một dòng điện yếu được đưa qua thanh kim loại trong nước để hút khoáng chất và hình thành nên lớp đá vôi, khiến nó trở thành chất nền hoàn hảo cho sự phát triển của các rạn san hô'', kỹ sư trưởng Pietrobelli nói.

Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền - Ảnh 4.

Nguyên mẫu của thành phố nổi có thể là nơi sinh sống của 12.000 cư dân. Song do đây là nền tảng mô-đun vì thế nó có thể được mở rộng và chứa tới 100.000 người.

Theo chia sẻ của Sundlin, ban đầu nhóm nghiên cứu xem xét việc xây dựng thành phố theo hình tròn, có thể chịu được sóng gió từ mọi hướng. Tuy nhiên, phương án này tốn kém và khó kết nối. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ tổ ông để kết nối các đảo nổi theo hình lục giác.

Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền - Ảnh 5.

Theo trang web của Oceanix, nguyên mẫu của thành phố này gồm 3 nền tảng với các mục đích sử dụng cụ thể: dân sư, sinh hoạt hàng ngày và nghiên cứu. Các nền tảng nhà ở sẽ cung cấp một loạt các lựa chọn nhà ở gồm căn hộ và khách sạn. Khu phố trên nền tảng sinh hoạt sẽ tương tự như đường phố ở Busan với các con hẻm, cửa hàng bán thực phẩm hay những cơ sở kinh doanh khác nhau. Nền tảng nghiên cứu sẽ là trung tâm nghiên cứu hàng hải và môi trường.

''Mỗi nền tảng sẽ có một gian hàng di động, nơi bạn có thể chuyển đổi các phương tiện trên cạn và mặt nước. Bạn cũng có thể đi bộ từ nhà mình hoặc sử dụng thuyền hay phà để di chuyển giữa các sân ga khi thành phố phát triển'', Sundlin nói.

Các tòa nhà trên thành phố nổi được thiết kế cao 5 tầng, trên mái của các tòa nhà sẽ có các tấm pin mặt trời để tạo ra năng lượng, có các khu vực dành riêng cho các trang trại khí canh và thủy canh. Nhóm nghiên cứu dự án cũng có kế hoạch sẽ lắp đặt các nhà máy tái chế nước.

Cận cảnh thành phố nổi chống ngập ở Hàn Quốc có sức chứa tối đa lên đến 100.000 người, hoạt động tách biệt hoàn toàn với đất liền - Ảnh 6.

Kỹ sư trưởng của công trình này cho biết Oceanix Busan về cơ bản là hoạt động độc lập với đất liền. Thành phố nổi đang được thiết kế như một giải pháp thay thế cho việc cải tạo đất, đặc biệt là đối với các thành phố ven biển cần mở rộng do dân số ngày càng tăng. Cũng nhờ đó, có thể cải thiện vấn đề môi trường vì nền của bệ sẽ giúp thu hút sinh vật biển.

Tuy nhiên, thành phố nổi vẫn sẽ được gắn với các lưới năng lượng và hệ thống nước từ đất liền trong trường hợp khẩn cấp, các nhà thiết kế cho biết.

Nhóm nghiên cứu hy vọng giải pháp quy hoạch thành phố nổi có thể được áp dụng rộng rãi. ''Chúng tôi không làm điều này vì lợi ích phát triển bất động sản trên mặt nước. Chúng tôi làm là để đảm bảo sự sống của loài người khi đang phải đối mặt các hiện tượng biến đổi khí hậu'', Pietrobelli nói.

Theo Insider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại