Có gì dưới lớp đá?
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, chiều 23/11, đoạn vỉa hè trước cửa Trung tâm bảo dưỡng xe máy (tầng 1, nhà C, đường Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đã hoàn thiện.
Một hố ga chưa có nắp được chăng dây xung quanh cảnh báo người dân. Cạnh đó, một vài chiếc ô tô, cả xe biển xanh, biển trắng chễm trệ đậu trên vỉa hè vừa lát. Quanh hố ga nói trên, nhiều viên đá lát khá hời hợt.
Thậm chí, chỉ cần dùng lực khá nhẹ, người viết đã lật được 3 viên đá ngay cạnh mép cống dưới sự chứng kiến của nhân viên cửa hàng sửa xe.
Điều lạ là khi lật viên đá lên, mặt dưới những viên đá này còn khô nguyên, không hề kết dính với cốt nền. Một viên đá chỉ chạm nhẹ xuống nền đã vỡ làm đôi.
Dọc đoạn vỉa hè, phóng viên cũng ghi nhận, hầu hết các mạch giữa các viên đá không có vữa, một số đoạn mạch có vữa nhưng khoảng rộng của mạch rất không đều nhau, nơi khe hở lớn, nơi thì khít chặt vào nhau.
Có kẽ hở thậm chí đút vừa ngón tay người lớn. Nhiều viên đá chỉ cần người bước nhẹ vào đã cập kênh, thậm chí, nếu dùng móc đeo chìa khóa nhỏ, có thể nhấc viên đá lên được.
Đúng thời điểm phóng viên Tiền Phong đi khảo sát, một đội công nhân mặc áo ghi Cty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hòa Nam đang thi công một đoạn vỉa hè.
Theo một công nhân ở đây, họ không nắm được đơn giá một m2 lát đá trên vỉa hè, chỉ biết nhận thầu và thi công. Người này khẳng định, tỷ lệ vữa lát đá 1 xi măng, 2 cát, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, độ kết dính giữa vữa và viên đá rất kém, vữa trộn ẩu nên không dẻo.
Giải thích việc các mạch giữa viên đá không được kết nối, người này cho biết, sau khi lát xong sẽ có người đi quét xi măng. Quan sát người này làm việc một lát, trong 2 viên đá được lát, một viên chỉ gõ nhẹ bằng thanh gỗ đã vỡ làm đôi.
Dọc tuyến phố này, tình trạng đá lát xong bị vỡ hoặc xô lệch khá nhiều. Bề mặt cốt nền trước khi lát đá lên trên được xử lý khá cẩu thả.
UBND quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận có 3 dự án lát đá vỉa hè gồm: dự án cải tạo, duy tu mặt đường, vỉa hè đường từ cầu Đền Lừ đến ngã 3 hồ Đền Lừ; cải tạo vỉa hè đường Giải Phóng, đoạn từ phố Tương Mai đến đường vành đai 3; cải tạo vỉa hè đường Kim Đồng đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Giáp Bát.
Chủ đầu tư của 3 dự án này là UBND quận Hoàng Mai. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai. Đơn vị tư vấn thiết kế là Cty Cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội.
Đơn vị tư vấn giám sát là Cty Cổ phần đầu tư và thiết kế kiến trúc xây dựng Thăng Long. Đơn vị thi công là Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Hòa Nam. Với tuyến phố Đền Lừ, ngày bắt đầu thi công từ 27/9/2017 và dự kiến hoàn thành sau 120 ngày.
Cận cảnh mặt dưới viên đá lát trên vỉa hè tuyến phố Đền Lừ (Hoàng Mai).
Nhiều tuyến vừa làm xong đã xuống cấp
Ở quận Hai Bà Trưng, tuyến phố Đại Cồ Việt cũng đang được lát đá trên vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều vị trí cũng gặp vấn đề tương tự như ở Hoàng Mai.
Nhiều viên đá được lát xong chỉ cần dùng một lực khá nhỏ cũng có thể nhấc lên được. Đơn cử như trước cửa số 97 Đại Cồ Việt, nhân viên của quán có thể nhấc được 2 viên đá khá dễ dàng.
Theo quan sát, mặt sau viên đá cũng không hề kết dính với cốt nền. Ở một số vị trí khác cũng gặp tình trạng tương tự, khi viên đá dù mới được lát đã bị cập kênh.
Tình trạng tương tự cũng được phóng viên Tiền Phong phát hiện ở đường Trần Phú (Hà Đông). Đầu đường có tấm biển khá to giới thiệu dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A.
Theo đó, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông.
Ngay khu vực tấm biển, hàng chục viên đá lát trên vỉa hè đã vỡ, gãy thành nhiều mảnh. Nhiều viên đá khác cũng cập kênh, gây khó khăn cho người đi bộ.
Ở trước số nhà 41, 33 Trần Phú cũng có nhiều viên đá đã vỡ nát. Khá dễ dàng để nhấc những viên đá này lên vì không có sự kết dính với nền...
Lát đá vỉa hè đường Nguyễn Trãi hết hơn 100 tỷ đồng
Ở quận Thanh Xuân, hiện đã lát đá vỉa hè 3 tuyến phố gồm Nguyễn Trãi, Hạ Đình, ngõ 136 Nguyễn Ngọc Nại.
Riêng đường Nguyễn Trãi, việc lát đá vỉa hè toàn tuyến hết hơn 100 tỷ đồng.
Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân lý giải, chi phí lớn như vậy vì toàn tuyến Nguyễn Trãi dài hơn 7km, vỉa hè rộng, phải đồng bộ cả chiếu sáng, hạ ngầm, cây xanh...
Vị này cũng thừa nhận, sau khi lát đá, hiện đã có tình trạng một số viên đá bị nứt. "Thi công xong phải mất từ 8-10 giờ mới đảm bảo cường độ của bê tông, đá. Nhưng mới thi công xong, người dân đi cả xe máy, ô tô lên mặt đá chưa kịp đông cứng với bê tông nên bị nứt.
Chúng tôi đã đi kiểm tra, sẽ tiến hành thay thế, đồng thời đề nghị công an xử lý vi phạm đối với các trường hợp đi xe lên vỉa hè, nhất là ô tô lên vỉa hè", vị cán bộ nói.
Liên quan đến chủ trương lát đá vỉa hè các tuyến phố của quận có "hiểu nhầm chỉ đạo của thành phố", vị cán bộ này cho biết, đây là chủ trương của quận dựa trên văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo đó, văn bản các quận, huyện nhận được đều ghi rằng, để tạo độ bền vững, mỹ quan đô thị, vỉa hè lát đá có độ bền 50 – 70 năm.
Tuyến Nguyễn Trãi thực hiện theo văn bản 2340 của UBND thành phố, có cuộc họp và được sự đồng ý của thành phố thì mới triển khai. Vị cán bộ này cũng cho biết, dự kiến trong năm 2018, quận đang xin chủ trương sẽ tiếp tục lát đá vỉa hè các tuyến phố chính như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm.
Trường Phong