Đoàn lô tô Hoàng Anh. Đó là đoàn lưu động trong phạm vi ngắn, thuộc chuỗi đoàn lô tô do những người anh em trong một gia đình nắm giữ. Họ không di chuyển nhiều, một tháng ở nơi này rồi tháng sau lại ở nơi khác nhưng chỉ trong địa phận Long An, cứ luân phiên như thế.
Là đoàn ca múa nhạc ngoài trời nên mùa mưa, mọi người trong đoàn phải nghỉ. Người về thăm gia đình, chi tiêu dè xẻn đồng tiền kiếm được trước đó, người khác quay lại với nghề bốc vác, người khác nữa về giúp con gái bán phở...
Cứ thế, họ chờ ngày nắng lên.
Đoàn lô tô Hoàng Anh vào lúc 3h chiều. Những gian hàng chưa được mở nhưng chỉ vài tiếng nữa, khi những thành viên trong đoàn ăn xong bữa cơm chiều, nơi ấy sẽ sáng đèn.
"Pê đê", những người làm nên linh hồn của đoàn chỉ có vài người, họ đều có cuộc sống riêng. Số phận của họ không nghiệt ngã như Lệ Liễu của NSƯT Hữu Châu trong phim Lô tô, nhưng có những góc đời không phải ai cũng dễ thấy. Có nước mắt đắng cay, có nụ cười hạnh phúc thật hiếm, của những phận người bao năm vẫn như lạc giữa cuộc đời này.
Nini An, một nữ ca sĩ chuyển giới mà mỗi khi bị hỏi tuổi sẽ mỉm cười tủm tỉm rồi im lặng. Đó là cô gái sinh ra trong thân thể của một chàng trai, là người đã nhận ra mình có gì đó khác biệt khi chỉ vài ba tuổi và là người con đã gạt nước mắt sững sờ nhận ra, dù cho mẹ có thoải mái để cô sống với chính mình đi chăng nữa thì đến cuối đời, bà vẫn mong mỏi một đứa cháu nội.
Nini An, một nữ ca sĩ chuyển giới. Cô được là chính mình cách đây vài năm, sau khi chắt bóp từng chút một cho những cuộc phẫu thuật hợp pháp có, chui lủi có.
Sân khấu tạm bợ được dựng lên, hình như cũng để dành cho những cuộc sống tạm bợ. Bạn chứng kiến cách họ hát, cách họ biểu diễn, bạn sẽ thấy niềm đam mê là có thật. Và nó không hề tạm bợ.
Bởi họ cũng chẳng có nhiều cơ hội ở những nơi khác. Họ chỉ biến những cái tạm bợ ấy làm nơi thoả đam mê của đời họ: được diễn.
Nhưng không phải đam mê nào cũng được đổi bằng cổ vũ. Bạn xung phong lên hát đám cưới, một bữa tiệc, hát xong còn có tiếng vỗ tay chứ đứng ở vị trí ca sĩ trên cái sân khấu ấy, đừng mong quá nhiều.
Dưới gầm sân khấu có một phòng nhỏ được ngăn tạm bằng vải bạt và chăn để dành cho việc trang điểm của các giọng ca của đoàn. Trong thứ ánh sáng mờ ảo đó, Nini An tự trang điểm cho mình. Trang phục và đồ trang điểm, cái An được đồng nghiệp cho, cái cô tự mua bằng cát-xê mỗi đêm.
Từ hát cho đến quay số, ca sĩ mướt mải mồ hôi trên sân khấu, kết thúc phần trình diễn này sang phần khác, hết người nọ rồi người kia luân phiên nhau, khán giả bên dưới vẫn giữ nguyên thái độ bình thản.
Thậm chí, một gương mặt lâu năm của đoàn Hoàng Anh cũng phải thừa nhận rằng: "Đêm nào có tiếng vỗ tay, anh về đến nhà không tài nào ngủ được vì sung sướng".
Đó, để lấy được tiếng cười, để được khán giả nơi đây yêu mến đôi khi còn khó hơn lên trời.
Nini An được xem là "ca sĩ ngôi sao" của đoàn hát. Cô trang điểm chỉn chu, mỗi đêm diễn 3 tiết mục và quay số 2 lần. Mỗi lần diễn, An thay một bộ trang phục khác nhau, rất kỹ càng như bất cứ ca sĩ chuyên nghiệp nào trên sân khấu.
Các bài hát cô đều chăm chút kỹ. Cô thường chọn những bài dân ca có chiều sâu, hát về Phật pháp biểu diễn cho những người lớn tuổi. Với các bạn trẻ, cô quay cuồng trong những vũ điệu và bốc cháy hết mình với các giai điệu sôi động.
Nhưng bên dưới, vẫn là sự im lặng. Cô bảo, cô và tất cả những ca sĩ hát lô tô, đã quen rồi với điều đó.
Rồi cũng có tiếng vỗ tay vang lên, là lúc Nini An tự hành xác mình bên đám lửa và những trò kinh dị để mua vui cho người đời.
Đêm thứ hai, An múa lửa và nhai than, một tiết mục khá nguy hiểm nên cô thắp hương cúng Tổ, cầu mong được an toàn. Đằng sau lưng An là nữ ca sĩ kiêm MC Trúc Ly, chị năm nay 52 tuổi và mới chuyển giới cách đây vài năm.
Làm xiếc, đó là công việc của những nghệ sĩ bắt đầu vào nghề từ bé và có một thời gian dài khổ luyện. Còn với An, làm xiếc bắt đầu bằng một ngày đang đứng ở cánh gà, bỗng nhiên được MC giới thiệu lên sân khấu với cái biệt tài: Múa lửa, nhai than và lưỡi lam.
Với gương mặt ngơ ngác cô lên sân khấu biểu diễn, đặt hết niềm tin vào đàn chị đi trước chỉ bằng câu nói: "Xiếc đại đi, để chị chỉ cho". Chẳng biết cô đã được chỉ những gì, chỉ biết có lần cô phải nằm bệnh viện Chợ Rẫy cả tháng trời vì sặc dầu lửa, phổi mưng mủ.
Chẳng biết cô đã biểu diễn được bao nhiêu lần, chỉ biết rằng mỗi lần Nini An mang mình ra rà lửa là một lần chồng cô lại thấp thỏm.
Mỗi lần An múa lửa, trợ diễn cho cô chẳng ai khác chính là chồng. Mắt không rời vợ, anh chỉ mong mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Trong khi đó trên sân khấu, An vẫn mải mê, cô cầm hai mồi lửa, hết rà trên tay lại rà lên chân, đỉnh điểm An còn cho mồi lửa vào miệng để châm một mồi lửa khác.
Đêm thứ hai, khi An nói sẽ múa lửa và nhai than, chúng tôi cản. Ê-kíp mong muốn có những bức ảnh đẹp nhưng đó không phải là lý do khiến chúng tôi chấp nhận để An đánh đổi. Những lo lắng được tua đi tua lại, chỉ có An là xua tay: "Em diễn hoài, nghề của em mà". Ở đoàn Hoàng Anh, một phần vì cát-xê bình thường, lại phải trích tiền ra mua dầu lửa và than nên An không diễn, thêm nữa là vì có phần nguy hiểm nên chủ đoàn lô tô không khuyến khích. Phần lớn, An chỉ diễn trong đám tiệc, những nơi nhận được mức cát-xê phù hợp hơn cho những hoạt động nguy hiểm đó. Song lần này, sự có mặt của chúng tôi khiến cô muốn nhớ về những ngày đã cũ, khi nhờ có xiếc mà cô được thêm nhiều người yêu mến.
Chúng tôi có một đêm may mắn, khán giả may mắn vì được thưởng thức một tiết mục nguy hiểm hoàn hảo, ê-kíp may mắn có nhiều khoảnh khắc đẹp.
Còn An, cô bị bỏng - trong miệng - không nhiều nhưng đủ để đau. Xuống sân khấu, người An loang lổ khói dầu, lau nửa hộp khăn ướt vẫn còn mùi khét.
Cát-xê vẫn nguyên như cũ. Ở đây, mỗi năm chủ đoàn lô tô chỉ lên lương một lần cho ca sĩ của đoàn, mỗi lần dao động từ 10.000 - 30.000. Nhưng thỉnh thoảng đêm nào đông khách, mọi người sẽ nhận được phần hơn.
Hết lăn lê trên sàn diễn, An tiến về phía khán giả. Hai nam ca sĩ khác của đoàn giúp cô bước xuống sân khấu. Nhìn cô "nghịch" lửa, họ hết né chỗ này lại né sang chỗ khác, chỉ sợ không may mồi lửa bén vào người.
An, chồng, những người bạn và ngay cả chúng tôi tối hôm đó cũng chẳng tìm được lý do hợp lý để biện hộ cho sự liều lĩnh đó ngoài đam mê. Và nhờ có mỗi đêm được sáng lên một lần như thế, An hạnh phúc. Vậy là đủ.
Đêm đầu tiên, khi chúng tôi hỏi An về cát-xê, cô chỉ nói đủ sống, đêm thứ hai, khi đã biết chút chút về nhau, con số đó được tiết lộ: 210.000 đồng cho một đêm diễn.
Đó là số tiền được trả cho ca sĩ chính của đoàn với ba lần biểu diễn, thay trang phục và hai lần quay số. Nhưng đó không phải là tất cả những gì cô nhận được, bởi nếu là tất cả có lẽ An không ở hoạt động ở đoàn lâu đến vậy.
Đối với nhiều người, đoàn lô tô chỉ là nơi có bóng gió, có mấy tờ vé số vàng xanh và những tiếng cười tạm bợ nhưng với An, đó là nơi cô được khóc được cười với đam mê. An thích hát, vì thích nên từ thủa thiếu thời, cô đã theo đoàn này đoàn nọ, nay đây mai đó để được biểu diễn.
An chia sẻ quan điểm sống của mình: "Thà cháy một lần rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt cả cuộc đời". Vì vậy cô không bao giờ hối tiếc những gì mình đã làm.
Nhưng ở trên sân khấu lô tô, hát thôi là chưa đủ để được khán giả thích, thế nên cô còn làm xiếc. Và mỗi lần cô quay cuồng trong đống lửa, có một người đàn ông tất tưởi bỏ quầy ném bóng mà anh đứng bán, lấy sẵn các chai nước, mặt như cắt không ra máu suốt bao năm qua khi đứng canh chừng bên cạnh tiết mục diễn xiếc hành xác của Nini An.
Người đàn ông đó, chính là chồng của An hiện tại.
Chồng An tên Công, quen nhau từ năm 13 tuổi đến giờ. Công cũng làm việc ở đoàn loto với vai trò chủ quầy phi tiêu ném bóng.
An kể, cô đến với đoàn Hoàng Anh một cách tình cờ và gắn bó với nơi đây như một định mệnh, bởi một cuộc gặp gỡ đặc biệt. Một cuộc gặp bên bàn nhậu.
Trong một đêm, sau khi đoàn lô tô mướt mải mồ hôi để phục vụ khán giả yêu nhạc và thích vòng quay của những con số, cả đoàn đi nhậu và rủ An đi cùng. Cùng mến nhau qua lối nói chuyện, họ về trọ cạnh đời nhau. Anh cũng hoạt động trong đoàn nhưng ở một vai trò khác: chủ quầy ném bóng.
Theo thói quen, những thành viên của đoàn lô tô không về nhà ngay. Họ chia thành những nhóm nhỏ để đi ăn đêm, uống vài ba chai trước, hàn huyên đôi ba câu chuyện trước khi về nhà vào lúc 2h sáng.
Người này không biết diễn đạt văn hoa trong câu chữ, chân chất kiểu trai miền Tây. Anh quê Tiền Giang, theo chân đoàn lô tô kiếm sống từ nhỏ.
Câu chuyện tình cảm được anh diễn giải một cách chân phác: "Thấy yêu thì yêu thôi". Để rồi ngày ngày cùng An trên cung đường đi làm, cùng chăm con với An, cùng theo sát những màn An biểu diễn và cùng lo sợ cho tiết mục liều lĩnh của vợ suốt bao năm trời.
Hai vợ chồng đã phải vượt qua rất nhiều điều tiếng của thiên hạ mới có thể sống bên nhau cho đến giờ.
Vì có lịch làm việc buổi tối nên giờ giấc sinh hoạt của vợ chồng Nini An khác hơn so với các thành viên trong gia đình. Trong ngày, hai vợ chồng cô chỉ ăn một bữa cơm. Bữa thứ hai rơi vào tối muộn, sau khi công việc đã xong.
Anh đến với An ngày cô chưa chuyển giới. Và cứ như thế, anh ở bên cạnh, cùng cô chắt chiu từng đồng một, đợi ngày An tìm lại con người thật của chính cô, về mặt thể xác.
An nói, đó là khao khát mãnh liệt của kiếp này, thế nên "có làm xong rồi chết, em cũng chịu". Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều đó, trông vào mấy trăm ngàn một đêm diễn của An và tiền công của chồng, biết khi nào cho đủ. Số tiền cho việc chuyển giới còn được để dành từ nghề làm đẹp cho người khác: trang điểm, xăm mắt, xăm môi.
Nhưng mà, không phải một lần là xong tất thảy. Tiền bạc chẳng xông xênh, để được như bây giờ, An phải sửa từng chút một và chấp nhận làm ở những nơi không tên tuổi, làm chui. Hỏi có sợ không, An cười: "Thì phải chịu".
An đang chơi với con gái nuôi. Cô bé được nhận nuôi khi mẹ An mất. Điều làm An buồn nhất là mẹ không được nhìn thấy đứa con của cô.
Ừ, để được sống với chính mình, An đã nhiều lần phải chịu. Để rồi bây giờ, sau khi xong, cô ngại ngùng thừa nhận: "Ngày xưa nói nhiều quá, bây giờ em lại sợ chết rồi".
Đó là lúc cô nhìn sang người bên cạnh ở quầy ném bóng, và cùng nhắc về một người khác của cuộc đời cô, mà chúng tôi sẽ thể hiện trong bài viết tiếp theo.