Nằm bên hữu ngạn sông Lam, đình Hoành Sơn thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Đình được xây dựng và hoàn thành năm 1763, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng là ông Đặng Thạc, cử nhân dưới triều Vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng.
Đình Hoành Sơn có 8 vì, 7 gian với tổng số 32 cột gỗ lim tròn. Trong đó có 12 cột cái cao 5,75m, đường kính 0,45m và 20 cột quân cao gần 4m, đường kính 0,42m. Điều đặc biệt ở đình là hệ thống điêu khắc, kiến trúc tinh xảo, giàu tính nghệ thuật.
Các con rường được tạo hình vân xoắn, ở các đấu khắc họa nhiều đề tài phong phú, sinh động. Đặc biệt, tại các ván dong đã khắc họa một số đề tài, điển tích khá đặc sắc như “chèo thuyền” hay điển tích “Bốn vị ẩn cư ở núi Thường Sơn” , “Thành Thang sính Y Doãn”.
Các vì kèo liên kết theo cấu trúc chồng diêm, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là cơ sở chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.
Các vì nách được chạm khắc theo lối bong kênh kết hợp với chạm lộng. Đề tài ở đây, ngoài rồng, phượng còn xuất hiện nhiều hoạt cảnh thể hiện đời sống hết sức bình dị của người dân như bắt cá, đi cày, thổi cơm,....lễ hội, hoặc điển tích dân gian.
Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng 2 con rồng lớn đang ôm cột hướng xuống mặt đất. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ ngồi, nghê chầu; mái ngói được lợp âm dương
Hình tượng con rồng được chạm khắc tinh xảo.
Các hoa văn trong đình được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, có độ tinh xảo cao khiến bức tranh vô cùng sinh động, sắc nét, thể hiện nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy.
Một bức chạm trổ tại đại đình
Ông Nguyễn Đình Tám (SN 1970), người trông coi đình cho biết, trước đây tại đình Hoành Sơn thường diễn ra 2 kỳ lễ lớn là lễ kỳ phúc vào tháng 2 và lễ rước thần vào Rằm tháng 6 âm lịch. Hiện nay các kỳ lễ bị mai một nhưng đình Hoành Sơn vẫn là một trong những địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xã Khánh Sơn và vùng phụ cận.
“Những năm qua, chính quyền địa phương và người dân đã luôn nỗ lực để bảo vệ đình cổ, tuy nhiên do nằm ở khu vực trũng hay ngập lụt và sự bào mòn của thiên nhiên nên đình Hoành Sơn hiện đã hư hỏng nhiều. Mong muốn của chính quyền và người dân nơi đây là có thêm kinh phí để tôn tạo, bảo tồn đình cổ”, ông Tám chia sẻ.
Năm 2020, gắn với lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, đình Hoành Sơn vinh dự được đón nhận bằng công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Điều này một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình được xem là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung