Vào năm 2019, một kho nhôm 1.8 triệu tấn đã bị Việt Nam ngăn chặn xuất khẩu trong khuôn khổ cuộc điều tra chống bán phá giá do Mỹ khởi xướng, nhắm hướng đến tỷ phú người Trung Quốc - Lưu Điền Trung - người từng được mệnh danh "vua nhôm". Đến nay cuộc điều tra chưa kết thúc, "núi nhôm" này vẫn đang được lưu giữ tại kho của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, (KCN Mỹ Xuân B1, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) dưới sự giám sát của bảo vệ.
Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam rộng hàng nghìn mét vuông, 4 phía đều được xây dựng tường bê tông, rào sắt, kẽm gai.
Lực lượng an ninh, bảo vệ có mặt từ vòng trong ra ngoài. Đồng thời, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam còn lắp đặt hệ thống camera xung quanh để tham gia giám sát 24/24.
Xung quanh khuôn viên Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, toàn bộ những "núi nhôm" đang được bảo quản ngoài trời trong nhiều năm. Mỗi "núi nhôm" có thể dài hàng chục mét, cao 3-4 mét. Toàn bộ các "núi nhôm" đều là nhôm thô. Bên cạnh phục vụ điều tra, một phần nhỏ nhôm này đã đưa vào hoạt động sản xuất của công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam.
Khu nhà máy và kho nhôm khổng lồ nằm trong khuôn viên rộng hàng chục nghìn m2.
Số “núi nhôm” ước tính có giá trị đến 5 tỷ USD, hoàn toàn đủ sức xoa dịu "cơn khát nhôm" trên toàn thế giới sau đại dịch Covid-19 hiện nay. Thế nhưng, đến nay nó vẫn "nằm đắp chiếu" vì chưa có luận chính thức từ các cuộc điều tra. Năm 2019, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: Lực lượng Hải quan Việt Nam đã chủ động phối hợp với Cơ quan hải quan Mỹ và các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ để "ngăn chặn" việc doanh nghiệp lợi dụng thuế suất rẻ để xuất khẩu lô hàng sang Mỹ, tránh nguy cơ Mỹ điều tra, áp đặt thuế đối với sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. "Phía Hải quan Mỹ cho biết kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi" - ông Cẩn chia sẻ.
Về hướng giải quyết, ông Cẩn cho biết doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn phí lưu kho bãi đối với số nhôm tồn, dưới sự giám sát của lực lượng chức năng cho đến khi số nhôm được xuất khẩu hết. Nếu doanh nghiệp đưa số nhôm này ra để tiêu thụ nội địa, thì ngành hải quan sẽ xử lý vấn đề về thuế.
Trong khi đó, năm 2019, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ sự lo ngại trên báo Thanh niên rằng: "Nhôm Trung Quốc đội lốt Việt Nam đang trở thành vấn đề lớn của việc xuất nhập khẩu liên quan Mỹ và Việt Nam quan tâm. Lo lớn nhất là sau thép, nhôm Việt Nam có thể bị trừng phạt với mức thuế chống bán phá giá cao đủ để "chết" một ngành".
Ảnh chụp vệ tinh "núi nhôm" ở Việt Nam. (Ảnh: Google Earth)
CẬN CẢNH “NÚI NHÔM” 5 TỶ USD NẰM PHƠI NẮNG NHIỀU NĂM TẠI VIỆT NAM.