Maldives là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, nhưng nó cũng là một trong những nơi bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, vì khoảng 80% đảo quốc nằm dưới mực nước biển dâng khoảng 1 mét. Trớ trêu thay, điểm cao nhất trên mực nước biển của quốc đảo này lại được tạo ra từ rác thải, được chất thành đống cao hơn hàng mét so với phần còn lại của các hòn đảo, trên một bãi rác lớn nhân tạo có tên là Thilafushi.
Được người dân địa phương gọi là “Đảo Thùng rác”, Thilafushi trong nhiều năm qua đã trở thành mối quan tâm và ngày càng được chú ý vì các vấn đề liên quan tới môi trường và sức khỏe của người dân.
Vào đầu năm 1992, chính phủ Maldives đã chuyển đổi một đầm phá nhỏ có tên Thilafalhu thành một bãi rác nhằm giúp xử lý rác thải từ thủ đô Malé, chỉ cách đó một quãng ngắn di chuyển bằng thuyền. Trong nhiều năm sau đó, việc xử lý rác trong đầm phá này thô sơ một cách đáng ngạc nhiên.
Rác từ Malé và các đảo xung quanh chỉ đơn giản là đổ vào các hố và phủ đầy cát, không qua xử lý, phân loại hay bảo dưỡng gì. Nhựa và các đồ tái chế khác đã bị vứt bừa bãi trên đảo, cùng với các vật liệu nguy hiểm bao gồm amiăng, thiết bị điện tử và pin - những thứ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.
“Tất cả chất thải mà chúng tôi đã sản xuất từ năm 1992, từ chất thải nhà bếp, chất thải nhựa, chất thải hóa học, chất thải từ việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, tất cả mọi thứ đều được đổ vào đầm phá này”, Aminath Shauna, Bộ trưởng về Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Công nghệ của Maldives, chia sẻ vào tháng trước. "Bây giờ một bãi rác đã trở thành một hòn đảo, một hòn đảo được tạo ra từ chất thải."
Vào năm 2009, một báo cáo cho thấy hòn đảo này có diện tích 0,5 km vuông đang phát triển với tốc độ đáng báo động là tăng thêm một mét vuông mỗi ngày. Tính đến năm 2021, có tới 700 tấn rác được thêm vào hòn đảo mỗi ngày.
Rác thải chất thành đống cao đến mức gây ra những đám cháy âm ỉ, làm bùng phát khí mê-tan tích tụ bên dưới đống rác. Những đám cháy này đã làm khói bao trùm thủ đô Malé và các đảo lân cận, gây hiện tượng khó thở cho cư dân cũng như công nhân trên đảo.
“Trong nhiều năm, bãi rác này đã cháy công khai", ông Shauna nói. "Bởi vì chúng tôi đã không quản lý chất thải của mình trong suốt những năm qua."
Mực nước biển dâng là một mối đe dọa lớn đối với Maldives vì đây là quốc gia phẳng nhất trên thế giới: khoảng 80% diện tích đất nằm dưới mực nước biển 1 mét. Nhưng tờ Financial Times đưa tin vào năm 2015, lượng rác thải ở Thilafushi quá lớn, đến mức những đống rác cao tới gần 15 mét - khiến nó trở thành điểm cao nhất cả nước.
Mực nước biển dâng có thể loại bỏ tới 77% diện tích đất liền của Maldives vào cuối thế kỷ này, có nghĩa là Thilafushi rất có thể sẽ là một trong những nơi an toàn nhất trong quốc gia này bị chìm dần trong nước biển.
Phần lớn số rác trên đảo thậm chí không đến từ chính cư dân Maldives mà là từ du khách. Du lịch là một lợi thế của Maldives, cho phép nó trở thành quốc gia giàu có nhất ở Nam Á với gần một phần ba GDP đến từ lĩnh vực du lịch. Phần lớn khách du lịch đến từ châu Âu, và hơn 149.000 người đã đến thăm nơi đây chỉ trong tháng 2 năm nay.
Theo thống kê của chính phủ nước này năm 2013, mỗi khách du lịch tạo ra 7,2 kg rác mỗi ngày, trong khi cư dân ở thủ đô Malé chỉ tạo ra 2,8 kg rác mỗi ngày.
Hòn đảo này cũng trở thành vấn đề nhức nhối về lao động và môi trường. Công nhân nhập cư từ Bangladesh và Ấn Độ chịu hầu hết trách nhiệm trong việc phân loại các vật liệu có giá trị ra khỏi các đống rác. AFP đưa tin vào năm 2013 rằng những công nhân này phải làm việc theo ca 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, không có đồ bảo hộ, và chỉ kiếm được 350 USD mỗi tháng.
Năm 1997, các ngành công nghiệp nặng bao gồm sản xuất bao bì xi măng, sản xuất thuyền và kho bãi bắt đầu di chuyển và chiếm diện tích trên vùng đất đang mở rộng của đảo rác. Công nhân nhập cư cũng chiếm phần lớn trong số những người sống trên hòn đảo này và làm việc trong các cơ sở công nghiệp tại đó.
Vào năm 2020, tờ The Edition của Maldives đưa tin rằng hàng trăm công nhân ở đảo Thilafushi đã lên tiếng phản đối hàng loạt do điều kiện sống nghèo nàn, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi ở Thilafushi. Vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ cuối cùng cũng đã dập tắt được ngọn lửa đã bùng cháy âm ỉ trên đảo sau nhiều năm. Các kế hoạch trong tương lai của Thilafushi cũng được vạch ra, bao gồm cải thiện hoạt động tái chế ở đảo Malé để cắt giảm lượng rác thải gửi đến hòn đảo và đầu tư 211,13 triệu USD vào hệ thống quản lý chất thải trên đảo, bao gồm cả máy phát điện để biến chất thải thành năng lượng.
Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực để thông qua luật quản lý nhựa mạnh mẽ, khiến việc nhập khẩu nhiều loại nhựa sử dụng một lần là bất hợp pháp. Một luật mới sẽ có hiệu lực vào tháng 6 năm nay sẽ cấm sản xuất nhựa sử dụng một lần trên các đảo. Nước này đang đặt mục tiêu loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào cuối thập kỷ này.
“Đóng góp của chúng tôi vào ô nhiễm nhựa toàn cầu là không đáng kể", ông Shauna chia sẻ. “Nhưng chúng tôi vẫn sẽ có những mục tiêu tham vọng. Và chúng tôi sẽ làm việc để đạt được chúng, để chứng minh cho phần còn lại của thế giới rằng nếu có ý chí chúng tôi có thể tìm cách giải quyết những vấn đề này”.
Tham khảo Gizmodo