Chim cánh cụt, hay còn gọi là loài "chim cụt cánh", vẫn luôn là một điều bí ẩn đối với toàn thể loài người (hoặc ít nhất ra thì với các cư dân mạng). Vì duyên cớ gì mà chúng lúc nào cũng béo tròn trùng trục, có dáng đi lạch bạch hệt như một con vịt, tuy không biết bay chỉ biết bơi nhưng vẫn được gắn mác "chim"?
Chưa hết, cuộc sống của loài cánh cụt với các "hộ dân cư" cả mấy nghìn con tại mảnh đất Nam Cực băng giá cũng là điều thu hút đông đảo sự quan tâm của dân tình. Đa phần ai cũng tự hỏi sao chúng có thể...sống vui khoẻ đến tận bây giờ mà không bị tuyệt chủng sau những hành động quá đỗi ngớ ngẩn của mình như vậy.
Cảm thấy sự thắc mắc này hơi vô căn cứ sao? Hãy tự mình kiểm chứng nó qua những khoảnh khắc leo trèo "như người lớn" để rồi ngã dập mặt của bè lũ cánh cụt ngốc nghếch này đi nhé!
Dù không ít lần ngã dập mặt, song bè lũ cánh cụt vẫn đang sống hết sức bình thản tại quê nhà Nam Cực của chúng.
Đang leo vách núi thì ngã, đang nhảy từ chỗ nọ sang chỗ kia cũng ngã, đến cả việc đi lại bình thường dường như cũng là điều khó khăn với những chú chim cánh cụt, bởi mặt chúng như thể có lực hút nam châm với...mặt đất vậy.
Điều kì cục hơn nữa là cánh cụt nhà ta không hề biết rút kinh nghiệm tí nào, dù có bị dập mặt tới mấy lần cũng vẫn chưa chừa, cứ thế lại lặp lại hành động đó vào lần sau, cùng với kết quả tương tự.
Nhiều người vì quá ức chế với cảnh lăn lộn hết lần này tới lần khác của lũ lầy lội kia, nên đã phải đăng đàn hỏi cho ra nhẽ xem liệu đầu của chúng có bọc thép hay không mà lì lợm đến vậy.
Trả lời cho câu hỏi này, dân mạng chỉ biết lắc đầu ngao ngán: "Có thể chúng vẫn thấy đau ấy chứ, chỉ là một lúc sau lại quên béng đi ý mà!".
Có lẽ vì lớp mỡ và lông dày sụ kia mà chúng có thể hạn chế phần nào lực tác động chăng? Dù câu trả lời có là gì đi nữa, ta cũng phải công nhận rằng đôi khi ngớ ngẩn như họ nhà cánh cụt thì mới dễ sống ở khu Nam Cực quanh năm buốt giá như vậy, bởi ngoài việc tự lấy mình ra làm trò cười thì loài chim này có còn thú vui gì khác để tiêu khiển đâu cơ chứ?