Hiện tại, do mỏ vàng Minh Lương đã hết hạn khai thác từ tháng 3.2019 và chưa được gia hạn. Vì vậy hàng trăm phu vàng ở đây lựa chọn phương pháp làm tặc với hi vọng đổi đời.
Trước các thanh niên đi mót vàng, còn giờ họ theo cánh “vàng tặc” khai thác kiểu “tự làm tự ăn”.
Khu lạn tạm của những phu vàng ở xã Minh Lương.
Không chỉ nam giới, phụ nữ cũng lên đây làm vàng dụng cụ hết sức thô sơ như búa, đục, xà beng…
Sau đó, những cục đất to chứa quặng sẽ được vận chuyển về một lán trại dưới chân đồi để nghiền, sàng lọc và kết hợp với các thủ pháp chiết tách để cho ra thành quả cuối cùng là một chút vàng.
“Chủ bưởng và quân cán được làm thoải mái. Còn người dân muốn vào “tự làm tự ăn” thì mỗi lần mang quặng ra phải nộp tiền cho cánh gác cửa.”, một phu đào vàng nói.
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, khoảng hơn 10 thanh niên đang vật vờ trong khu lán sinh hoạt chờ đến ca làm buổi tối. Còn phía khai trường, hàng chục con người khác cả đàn ông lẫn phụ nữ đang tấp nập đào xới, sàng đãi. Tiếng máy nổ, máy khoan vang vọng cả một góc rừng…
Ở mỏ vàng, hoạt động khai thác trái phép đang diễn ra trong khu đất thuộc quản lý của Công ty CP Vàng Lào Cai.
Ở khu vực khai thác do ông B (một bường vàng ở đây) cai quản gồm một đường lò chính và nhiều lán trại gá tạm vào vách núi.
Những người dân đãi vàng với dụng cụ thô sơ.
Ông B. tiết lộ rằng đã phải bỏ “một khoản tiền lớn” để mua lại khu đất rồi mới tiến hành trang bị máy móc, thu nạp quân cán đến đào xới. Theo B., nếu chúng tôi có nhu cầu mua đất để khai thác, anh ta sẵn sàng kết nối.
B. cũng cho biết, việc tìm người làm không quá khó và các thanh niên trong vùng vẫn rất “quấn” bãi vàng. Trong trường hợp thiếu người, cũng có thể dễ dàng tăng-bo thêm từ bạn Yên Bái, Lai Châu…
Theo B., vì là làm “tặc” nên cũng chẳng cần phải hợp đồng lao động hay trang bị các dụng cụ bảo hộ làm gì cho thêm tốn kém...
Ông Hứa Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết, toàn xã có 1.039 hộ dân thì có 250 người nghiện. Tuy nhiên đó chỉ là con số được thống kê chính thức để cấp phát Methadone điều trị cai nghiện. Còn con số thực tế, có thể cao hơn. Vấn đề ở chỗ, người nghiện chủ yếu là nam giới, là trụ cột gia đình.
“Thời điểm cao nhất toàn xã có hơn 400 người nghiện. Người từ tứ xứ kéo đến, kiếm tiền dễ nên cứ rủ rê nhau rồi nghiện cả. Cuối cùng chẳng giúp được gì cho gia đình, cho cộng đồng, mà chỉ gây hại” - ông Minh nói sau tiếng thở dài.
Theo Báo cáo tài chính quý I/2020, Công ty CP vàng Lào Cai ghi nhận không có doanh thu nhưng vẫn duy trì hoạt động nên tính chung bị lỗ 4 tỉ đồng. Còn trong năm 2019, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 11,25 tỉ đồng (trong khi năm 2018 vẫn đạt 111 tỉ đồng), lỗ 15,6 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này cho biết do đang trong quá trình tái cơ cấu nên từ tháng 3.2019 đã tạm dừng khai thác nhưng các chi phí khấu hao, lãi vay... vẫn chiếm tỉ trọng lớn khiến năm 2019 bị thua lỗ.
Trước đó vào đầu năm 2018, Công ty CP vàng Lào Cai từng bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hơn 98 hécta do vi phạm đất rừng đặc dụng.
UBND huyện Văn Bàn đang xác minh làm rõ thông tin có hay không việc người dân tự ý hoặc được sự đồng ý vào khai thác quặng Vàng trong khu vực mỏ do Công ty CP Vàng Lào Cai đang quản lý.